Nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ xem xét thông qua dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo Bộ Công Thương, cả nước có 22 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp, doanh thu có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16% trong giai đoạn 2015-2020. Cơ quan quản lý cũng tích cực vào cuộc kiểm tra, giám sát. Thế nhưng trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bán hàng đa cấp trái phép vẫn hoạt động dưới nhiều hình thức như khởi nghiệp từ tay trắng, huy động vốn, đầu tư bất động sản…
Biến tướng tinh vi để lách luật
Thông qua nền tảng internet, gần đây một số tổ chức, cá nhân đã tổ chức giới thiệu, kêu gọi người dân tham gia đầu tư, xây dựng hệ thống và tiêu thụ các sản phẩm “viên ngậm tế bào gốc” mang tên Aplgo với những lời cam kết có cánh như “sẽ thu về số tiền lớn từ nguồn thu nhập thụ động”.
Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã cảnh báo dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận hợp pháp đối với các sản phẩm Aplgo. Để tránh rủi ro về mặt vật chất và pháp lý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân không tham gia đầu tư, hay phát triển hệ thống kinh doanh của các tổ chức, cá nhân có các dấu hiệu nêu trên.
Không chỉ trường hợp kinh doanh sản phẩm Aplgo mà với sự phát triển của công nghệ, không ít đối tượng, doanh nghiệp đã lợi dụng mạng internet với các ứng dụng điện thoại phổ biến như: Facebook, Zalo, TelegramX, Viber, Zoom Meeting... để thực hiện các hoạt động kêu gọi, vận động người dân tham gia các hoạt động có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép như: Huy động đầu tư tài chính, tiền ảo, ngoại hối, kinh doanh online...
Lợi dụng mạng xã hội để kinh doanh sản phẩm và mở rộng hệ thống là một trong những hình thức đa cấp biến tướng đã được cơ quan chức năng cảnh báo. |
Bên cạnh các hình thức trên, các đối tượng tổ chức hoạt động đa cấp trái phép còn núp bóng hoạt động thương mại điện tử thông qua website thương mại điện tử như: Siêu thị trực tuyến An Phát Thịnh; ứng dụng mua sắm hoàn tiền, hay dưới dạng các sàn đầu tư tài chính như: Foreign Exchange hay Forex… Điều này đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc thu thập thông tin và chứng cứ để xử lý do hạn chế về thẩm quyền.
Cách thức kinh doanh đa cấp biến tướng tinh vi thông qua công nghệ số còn làm cho những người thiếu hiểu biết khi nghe sẽ lầm tưởng đây là những sản phẩm đi đầu thời đại và rất đáng để đầu tư. Hay thông qua mạng xã hội, các đối tượng thường đưa ra những viễn cảnh tươi sáng với mức chiết khấu khổng lồ từ các hoạt động quảng cáo, đầu tư mạng xã hội, mời người tham gia hệ thống...
Thực chất, bản chất của mô hình kinh doanh đa cấp là không xấu. Bởi nếu hoạt động kinh doanh đa cấp hợp pháp sẽ mang lại thu nhập tốt và cơ hội thành công cho nhiều người. Theo Bộ Công Thương, năm 2020, tổng doanh thu của các công ty đa cấp là 15.300 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với 8.000 tỷ đồng thời điểm 2015. Số tiền nộp cho ngân sách nhà nước cũng tăng gấp 3 lần từ 588 tỷ đồng lên 1.837 tỷ đồng. Mạng lưới kinh doanh đa cấp cũng đang tạo việc làm và thu nhập cho hơn 800.000 người tham gia.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều hình thức biến tướng của đa cấp xuất hiện tràn lan, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng cũng như làm mất sự bình đẳng trong kinh doanh.
Các mô hình đa cấp biến tướng thực ra chỉ là hình thức người vào trước ăn “hoa hồng” của người vào sau và rõ hơn đó chính là lừa đảo theo dây chuyền. Đặc biệt, các hình thức đa cấp biến tướng lợi dụng công nghệ như đa cấp tiền ảo, đa cấp bất động sản.... đang có dấu hiệu lừa đảo tinh vi, liên quan tới nhiều đối tượng có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật hơn nên gây khó cho công tác quản lý.
Siết chặt quản lý
Khi kinh doanh đa cấp biến tướng lợi dụng mạng xã hội để hoạt động thì điều bất lợi là các thông tin không đúng sự thật, thổi phồng công dụng của sản phẩm… sẽ lan truyền trên môi trường mạng diễn ra rất nhanh. Điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và quyền lợi của nhiều người.
Để thuận tiện cho công tác quản lý và tạo môi trường kinh doanh minh bạch trong hoạt động đa cấp, Nghị định số 40/2018/NĐ-CP đã ra đời. Tuy nhiên, sau gần 3 năm đi vào thực tiễn, nghị định này đã bộc lộ những hạn chế nhất định.
Cụ thể, tại Điều 4 của Nghị định số 40 có quy định “hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa…”. Với những quy định như trên, công tác quản lý chỉ tập trung chủ yếu với hoạt động bán hàng đa cấp. Còn hoạt động của doanh nghiệp, cá nhân thực hiện huy động vốn góp, nhận ủy thác đầu tư, bán cổ phần nội bộ, đầu tư tiền ảo… chưa nằm trong nội dung quản lý. Trong khi về bản chất, đây là những hoạt động đa cấp biến tướng có tính chất lừa đảo tinh vi.
Bên cạnh đó, Nghị định 40 cũng không có quy định về xử phạt đối với những hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp bị cấm, bao gồm những hành vi như huy động vốn, cho vay, mua bán ngoại tệ, "tiền ảo"… theo phương thức đa cấp. Nghị định cũng chưa có quy định đối với trường hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp theo hình thức trực tuyến…
Vì pháp lý chưa rõ ràng, lỏng lẻo nên không ít đối tượng, doanh nghiệp đã lợi dụng điều này nhằm thực hiện các hoạt động đa cấp biến tướng.
Và nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, mới đây, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét thông qua dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Trong dự thảo lần này có bổ sung quy định đối với trường hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp theo hình thức trực tuyến (trong đó bao gồm việc giới thiệu thông tin về sản phẩm) thì doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải thông báo đến Sở Công Thương địa phương (trong trường hợp có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại một địa phương đó) hoặc Sở Công Thương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính (trong trường hợp có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại nhiều địa phương).
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định cấm đối với doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp trong việc cung cấp các thông tin về hàng hóa, đặc biệt đối với sản phẩm là thực phẩm theo hình thức: Cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh…
Việc siết chặt các quy định trong kinh doanh đa cấp trong thời gian này là những biện pháp cần thiết để thanh lọc thị trường, tạo một cơ hội đúng nghĩa cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính phát triển. Quy định pháp lý rõ ràng cũng giúp người dân an tâm hơn trong mua bán hàng hóa, tránh tình trạng bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của bản thân và những người xung quanh.
Như Yến