Câu hỏi đặt ra là vì sao NSLĐ Việt Nam lại kém như vậy? Theo các chuyên gia kinh tế, có rất nhiều nguyên nhân, không chỉ là kỹ năng, tay nghề hay trình độ của mỗi người lao động, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Chất lượng không đồng đều
Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng NSLĐ tại Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 5%/năm, phải 20 năm nữa Việt Nam mới bắt kịp NSLĐ của Philippines và 50 năm nữa mới bắt kịp Thái Lan.
Có một nghịch lý đang tồn tại trong cơ cấu lao động Việt Nam, đó là lao động Việt Nam khi ra nước ngoài làm việc thường được đánh giá cao về chất lượng, năng suất và tay nghề cao, thậm chí có phần vượt trội so với các nước lân cận. Nhưng xét về NSLĐ, Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia kinh tế cho rằng, số lượng lao động có tay nghề cao rất nhỏ so với phần lớn lao động giá rẻ hiện nay. Chính chất lượng không đồng đều đang là rào cản để tăng NSLĐ, khiến Việt Nam khó bắt kịp với các nước đang phát triển.
Đơn cử, có rất nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu được đối tác thuê gia công, sản xuất một khâu nào đó, trả giá rất rẻ chỉ từ 1 - 2 USD/sản phẩm. Nhưng cũng là sản phẩm đó, họ lại thuê nhân công với giá lên tới 100 - 200 USD/sản phẩm.
Đại diện DN sản xuất thiết bị máy tính Canon tại Việt Nam cho biết, ở các nước khác như Thái Lan, NSLĐ của từng cá nhân tại một DN luôn đạt trên 1 tỷ đồng/năm nhờ làm chủ công nghệ, thương hiệu. Hay một nhà máy nhỏ với 60 lao động có thể hoàn thiện cả một sản phẩm mang thương hiệu riêng theo đơn đặt hàng của Canon…
Tuy nhiên, ở Việt Nam, số lượng DN làm được như vậy rất ít, chủ yếu là lao động rẻ, có tay nghề thấp, lao động thủ công và làm thuê cho các đối tác nước ngoài.
Thực tế, hiện nay Việt Nam có tới 90% DNNVV, công nghệ sản xuất thấp và trung bình chiếm tỷ lệ cao. Các DN FDI tìm đến Việt Nam một phần do giá nhân công rẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nếu cứ nghĩ đây là lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút DN FDI sẽ càng làm cho nền kinh tế trì trệ, khó phát triển, về lâu dài sẽ là thách thức lớn.
Theo nhận định của các chuyên gia, quan niệm này cần phải thay đổi. Lao động giá rẻ không còn là lợi thế của nền kinh tế. Bởi thế giới đang ở giữa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lao động giản đơn có thể bị thay thế bằng robot.
![]() |
Lao động giá rẻ không còn là lợi thế của nền kinh tế
Nông nghiệp và phi chính thức lớn
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, số lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm gần 68% với gần 40 triệu người. Lao động phi chính thức lên đến hơn 58% tổng số lao động của Việt Nam.
Trong khi đó, NSLĐ bình quân của khu vực này thấp nhất. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt thấp nhất, với 33 triệu đồng/ lao động/ năm. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 112 triệu đồng/lao động/năm. Khu vực dịch vụ đạt tỷ lệ cao nhất lên đến 103,5 triệu đồng/lao động/năm.
Ghi nhận tại hộ trang trại chăn nuôi thủy sản cho thấy, với 4 ha nuôi tôm, gia đình anh Hải (Nam Định) thu nhập được 80 triệu đồng/năm với 3 nhân công. Như vậy, mỗi lao động chỉ được khoảng gần 27 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, những công nhân có tay nghề tại các khu công nghiệp có mức lương trung bình 7 - 10 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này cao gấp 4 lần làm nông nghiệp. Trên thực tế, rất nhiều lĩnh vực như may mặc, da giày luôn trong tình trạng tuyển quanh năm nhưng vẫn thiếu lao động.
Dù biết nếu chuyển đổi sang làm công nhân tại các khu công nghiệp, mức lương hàng tháng sẽ cao hơn làm nông nghiệp và rủi ro sẽ không có so với việc nuôi tôm, nhưng anh Hải vẫn không muốn chuyển nghề, do không tự tin sẽ làm tốt công việc được giao.
Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, NSLĐ hiện nay của Việt Nam là 7,9 triệu đồng/lao động. Theo giá hiện hành năm 2016 ước tính 8,4 triệu đồng/lao động, tăng 5,31% so với năm 2015. So với một số nước trong khu vực thì NSLĐ của Việt Nam thấp, kể cả so với Lào và Campuchia.
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, NSLĐ phụ thuộc vào: lao động, vốn và các nhân tố tổng hợp, như: KH-CN, công tác quản lý… Do đó, Bộ trưởng cho rằng giải pháp quan trọng là tái cơ cấu nguồn nhân lực.
“Đây là yếu tố quan trọng, quyết định thành công, tái cơ cấu kinh tế để thúc đẩy lao động. Tập trung đào tạo theo nhu cầu đặt hàng của thị trường, DN chứ không phải kiểu nhà trường có thì đào tạo mà không cần biết DN cần gì”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng giải pháp nâng cao kỹ năng tay nghề, ngoại ngữ, tính kỷ luật trong lao động… cũng cần được thực hiện song hành.
Đối với các DN, cần phải chú trọng đầu tư KH-CN để thay thế con người. Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu, sản xuất ra những sản phẩm mang thương hiệu của mình.
Thanh Hoa