Những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%/năm. Hiện có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tổng công suất đạt khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm. Bên cạnh đó là các cơ sở chế biến vừa và nhỏ của HTX, hộ gia đình.
Chủ yếu xuất thô
Thực tế cho thấy, ngành chế biến nông sản mới mang lại hiệu quả bước đầu bởi trong quá trình phát triển vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đang đặt ra.
Tại Hội thảo xây dựng chính sách phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản cho các cụm liên kết tập trung, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Lê Quang, đại diện doanh nghiệp chế biến bơ ở Lâm Đồng, cho biết đơn vị này chưa thể tiếp cận được với công nghệ phù hợp để chế biến các sản phẩm chất lượng cao từ quả bơ. Vì dù đã đầu tư máy móc cho chế biến tinh dầu nhưng chất lượng không như mong muốn, chỉ sau 2-3 tuần, tinh dầu chuyển mùi hôi.
Ông Phạm Minh Sơn, Giám đốc Công ty new greenway (Hải Dương) cho biết, nông sản rau củ quả tươi thời gian bảo quản rất ngắn, chỉ từ 3-5 ngày, trong khi các nước khác lại có khả năng bảo quản 5-10 ngày, thậm chí xà lách của Trung Quốc có thể để 15 ngày mà vẫn tươi như vừa mới hái tại vườn.
Có thể thấy, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay mới chỉ sơ chế và xuất bán nguyên liệu thô sau thu hoạch nên giá trị sản phẩm không cao, thất thoát lớn. Sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được bán ngay, số nông sản còn lại chủ yếu chỉ được sơ chế, đóng bao và tích trữ theo phương pháp truyền thống ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian bảo quản sản phẩm ngắn.
Theo các chuyên gia, công nghệ chế biến cũng đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị nông sản, nhất là ngành chăn nuôi vì chưa có nhiều cơ sở chế biến, giết mổ tập trung. Hoạt động chế biến thủy sản chưa phát triển, chủ yếu dừng ở mức sơ chế đơn thuần.
Quả vải Việt Nam có mặt tại siêu thị Nhật là nhờ áp dụng thành công công nghệ bảo quản hiện đại. |
PGS TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, cho biết hiện nay thủy sản là một trong những ngành hàng có tiềm năng. Tiêu biểu như cá tra và tôm luôn được đánh giá cao nhưng tỷ lệ xuất khẩu cá tra chỉ khoảng 1,5 triệu tấn/năm, tôm chưa đến 1 triệu tấn/năm trong đó, khoảng 55-60% các mặt hàng này xuất khẩu dưới dạng thô nên chưa thấy hết được giá trị sản phẩm, trong khi phụ phẩm cũng bị bỏ ngỏ.
Hay mặt hàng rau quả của Việt Nam luôn được các nước được đánh giá cao vì đa dạng chủng loại. Mỗi năm, Việt Nam có thể xuất khẩu 120 triệu tấn rau, 12 triệu tấn quả nhưng chủ yếu xuất tươi, chế biến chỉ chiếm 8-10% (chưa đến 10 triệu tấn/năm), trong khi phụ phẩm như vỏ trái cây vẫn bỏ ngỏ.
PGS, TS Phạm Anh Tuấn, cho rằng đối với nông sản, nếu sơ chế, chế biến, cấp đông được thì giá trị rất cao, hạn chế rác thải. Chẳng hạn như mật ong ở Nhật Bản có giá rất cao vì họ đầu tư lớn cho việc sơ chế, chế biến bằng công nghệ hiện đại. Còn mật ong Việt Nam có thời điểm bán không bằng một lít nước ép trái cây vì chỉ sơ chế đơn thuần bằng máy móc thô sơ.
Khó khăn trong tiếp cận, đầu tư cho công nghệ sơ chế, chế biến hiện nay của các doanh nghiệp chính là vốn. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển nông sản dẫn chứng, tại Tuyên Quang nếu sơ chế, chế biến, cấp đông được thì giá trị sản phẩm cá lòng hồ thủy điện rất cao. Nhưng quá trình tiếp cận vốn của HTX, doanh nghiệp khó trong khi muốn đầu tư cho công nghệ chế biến đòi hỏi nguồn vốn cao.
Không dừng lại ở đó, các cơ chế, chính sách đầu tư cho giai đoạn sau thu hoạch vẫn chưa được quan tâm đúng mức khiến các nông sản xuất ra thị trường ở dạng tươi, thô chiếm phần lớn. Ông Nguyễn Quốc Toản cho biết chương trình đổi mới khoa học công nghệ quốc gia hiện cũng chỉ đề cập chủ yếu là doanh nghiệp lớn, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhóm yếu thế, gặp nhiều khó khăn về vốn, khoa học công nghệ, kinh nghiệm…
Bà Nguyễn Thị Thu Liên (Hiệp Hội Thực phẩm Minh Bạch- AFT) cũng cho rằng công nghệ chế biến hiện mới có rải rác ở doanh nghiệp lớn, còn những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thì chưa tiếp cận được khoa học công nghệ, trong khi hiện nay, hơn 96% doanh nghiệp trên cả nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là doanh nghiệp siêu nhỏ.
Coi nông nghiệp là chìa khóa
Theo bà Liên, nếu không tạo được nền tảng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận công nghệ chế biến thì rất khó xây dựng chuỗi giá trị và cũng khiến doanh nghiệp khó phát triển bền vững. Vì doanh nghiệp lớn có thể đầu tư công nghệ với vốn lớn nhưng không có doanh nghiệp nhỏ, HTX thì lấy đâu ra vùng nguyên liệu thô, đã sơ chế để doanh nghiệp lớn chế biến. Việc này khiến các doanh nghiệp lớn đội chi phí rất nhiều.
Bà Liên cho biết đã đến lúc cần nhìn nông nghiệp như một ngành sản xuất hàng hóa. Muốn vậy, phải có các điều kiện cần và đủ cho ngành này vận hành. Bởi hiện nay các cấp ngành vẫn đang đối xử với ngành nông nghiệp theo kiểu tự cung tự cấp.
“Công nghiệp chế biến là chìa khóa, là cốt lõi của nền kinh tế. Nếu không có định hướng sẽ khiến doanh nghiệp nhỏ đổ vốn, đổ công đổ sức nhiều cho máy móc mà không hiệu quả hoặc khó tiếp cận công nghệ, máy móc”, bà Liên nói.
Đồng tình với quan điểm này, PGS, TS Phạm Anh Tuấn cho biết, thực chất, mới chỉ có khoảng 150 doanh nghiệp lớn đầu tư bài bản cho chế biến như Đồng Dao, Lavifood... Những doanh nghiệp này có công nghệ nền rồi giờ tích hợp thêm để phát triển theo hướng công nghiệp. Còn các doanh nghiệp nhỏ thì chưa được quan tâm. Đặc biệt, viêc tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận công nghệ chế biến rất khó bởi họ không có vốn. Chính vì vậy, theo ông Phạm Anh Tuấn, cần xem xét, nghiên cứu công nghệ phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp trong nước, có vốn đầu tư phù hợp nhưng vẫn bảo đảm quy trình.
Chẳng hạn như đối với ngành chăn nuôi, quy trình giết mổ theo công nghệ nhập khẩu của nước ngoài có giá hàng trăm triệu USD nhưng ở Việt Nam có thể đầu tư công nghệ với quy mô vài trăm con, giá dưới 1 tỷ đồng. Nhưng điều quan trọng là làm sao phải tận dụng được phụ phẩm như lông vũ nhằm tạo ra các bột protein thay cho thức ăn gia súc, từ đó giúp chúng ta hạn chế nhập thức ăn chăn nuôi với giá cao như hiện nay.
Với mong muốn các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được công nghệ sơ chế, chế biến, bà Nguyễn Thu Liên cho rằng cần tạo điều kiện để những nhà nghiên cứu công nghệ kết nối được với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp tự kết nối hoặc xin tư vấn trực tiếp. Với tầm hiểu biết và những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu tìm kiếm công nghệ trên mạng thì rất dễ rơi vào bẫy lừa đảo lại không có định hướng, hỗ trợ trực tiếp rõ ràng.
Theo bà Liên, nếu bảo quản tốt thì chế biến tốt. Nhưng chế biến đang gặp khó về nguyên liệu bởi thiếu vốn, đất đai nên khó phát triển thành các vùng nguyên liệu lớn. Chính vì vậy phải làm sao để các doanh nghiệp nhỏ trở thành những "mắt xích" trong chuỗi sản xuất chế biến như doanh nghiệp này sơ chế ở bước một, doanh nghiệp kia chế biến ở bước hai, bước ba thì mới giải quyết được bài toán mùa vụ, thiếu nguyên liệu cho sơ chế, chế biến.
Cục trưởng Cục chế biến và phát triển nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn về vốn, khoa học công nghệ, kinh nghiệm… Chính vì vậy cần có các các chính sách và công nghệ phù hợp để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận được. Song song đó cần đa dạng hóa cách tiếp cận nguồn vốn vì nhiều doanh nghiệp không có tài sản thế chấp trong khi nền tín dụng hiện nay đều yêu cầu doanh nghiệp phải thế chấp tài sản mới được vay vốn hoặc hỗ trợ.
Như Yến