Giá gạo bán lẻ tại các siêu thị vẫn ổn định so với thời điểm chưa có dịch (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết qua rà soát các doanh nghiệp (DN) đăng ký tờ khai xuất khẩu (XK) từ 0 giờ ngày 12/4 có 39 DN đăng ký tờ khai XK gạo, số lượng hạn ngạch đạt mốc 400.000 tấn theo quyết định của Bộ Công Thương.
Cũng từ việc rà soát số lượng DN đăng ký các tờ khai XK, Tổng cục Hải quan nhận thấy có dấu hiệu khá bất thường.
"Bùng" bán gạo với số lượng lớn
Trong danh sách đăng ký tờ khai XK xuất hiện những DN đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo (theo đấu thầu của Tổng cục Dự trữ Quốc gia) nhưng theo báo cáo của Tổng cục Dự trữ thì những DN này lại không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai XK thì các DN này lại đăng ký tờ khai XK lên tới hàng nghìn tấn gạo.
Cụ thể, có 4 DN nằm trong danh sách nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020. Đơn cử như Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng, tuy nhiên DN này lại đăng ký XK 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn. Hay Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, DN cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.
Hai DN khác gồm: Công ty CP Mỹ Tường và Công ty CP XNK Thuận Minh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực, tuy nhiên hai DN này cũng đăng ký tờ khai XK trên 10.000 tấn.
"Như vậy, các DN này chưa thực hiện quy định cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia, nhưng đã thực hiện tờ khai để XK ra nước ngoài. Hiện tượng này làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo dự trữ quốc gia", ông Tuấn cho hay.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 107 liên quan đến XK gạo thì các DN cũng phải có trách nhiệm dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng XK của DN trong 6 tháng trước đây. Như vậy, các DN đó không đảm bảo quy định này, phát sinh lo ngại ảnh hưởng an ninh lương thực trong dự lưu thông cũng như dự trữ quốc gia.
Giá gạo trong nước thấp hơn giá gạo thế giới
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng trên khắp thế giới và dịch bệnh, thiên tai, các nước không ngừng tích trữ lúa gạo, nhiều nước hạn chế, thậm chí cấm XK. Vì vậy, giá gạo và lúa mỳ tăng mạnh và đã lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Chẳng hạn, gạo trắng 5% tấm của Thái Lan đã tăng 12% trong một khoảng thời gian ngắn từ 25/3 - 1/4. Tại Việt Nam, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, XK gạo 3 tháng đầu năm ước tăng gần 20% về lượng (với 1,67 triệu tấn) và tăng 27,8% về giá trị (đạt 774 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2019.
Giá gạo XK bình quân đạt 463,5 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019. Gạo trắng (43,1%) và gạo jasmine, gạo thơm (33,8%) được ưa thích nhất.
Trong khi đó, giá bán gạo trong nước thấp hơn so với XK. Đầu tháng 3, giá lúa, gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng, nhưng cuối tháng 3 giảm khi có thông tin dừng thông quan XK gạo.
Hiện, gạo bán lẻ (dạng túi 5-10kg) tại nhiều siêu thị tham gia chương trình bình ổn ở TP.HCM đều giữ giá như những tháng trước đó. Nhóm gạo phổ biến như Hương Lài, Thơm Lài, Nàng Thơm Chợ Đào... (thơm - dẻo - mềm) có giá bán 17.000-22.000 đồng/kg tùy loại, gạo tấm 18.000-22.000 đồng/kg tùy loại và tùy nơi bán... Tại các chợ dân sinh, giá gạo tăng nhẹ so với hồi đầu năm, ở mức từ 10-15%.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc doanh nghiệp "bùng" thực hiện bán gạo dự trữ quốc gia được cho là do giá gạo XK trên thị trường châu Á đang ở mức cao nhất trong 7 năm qua. Ngoài ra, hiện nay chưa có chế tài buộc DN phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu lượng gạo dự trữ quốc gia thì mới được XK.
Trước tình trạng trên, Tổng cục Hải quan cho biết, dự kiến sẽ tổng hợp lại toàn bộ tình hình thực hiện XK gạo trong thời gian qua, báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành, đồng thời kiến nghị giải pháp để đảm bảo quản lý mặt hàng gạo XK hiệu quả, chủ động hơn cho DN, tránh việc thời gian qua, DN khá bị động trong việc đăng ký tờ khai và thực hiện thủ tục XK theo hợp đồng của DN đã ký trước đây với đối tác nước ngoài.
"Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương cần xem xét lại quy định quản lý XK gạo. Thay bằng phân bổ hạn ngạch tổng lượng hàng tháng thì có thể đấu giá hạn ngạch như mặt hàng đường mà Bộ Công Thương đang thực hiện", ông Tuấn cho hay.
Hoàng Hà