Những ngày đầu năm mới 2022, một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán từ 200 - 300 đồng/kg. Đây là lần điều chỉnh giá đầu tiên trong năm mới, nhưng là đợt tăng thứ 9 - 10 kể từ năm 2020.
Tăng giá là do giá nguyên liệu nhập khẩu 'leo thang'
Cụ thể, từ ngày 16/2 - 18/2, các công ty MNS Feed, De Heus và CJ Vina Agri đã công bố điều chỉnh giá bán thức ăn chăn nuôi tăng từ 200 - 300 đồng/kg.
Ai sẽ là người hưởng lợi khi giá thức ăn chăn nuôi tăng? |
Chia sẻ với VnBusiness về quyết định tăng giá ngay sau Tết Nguyên đán 2022, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus, cho biết có nhiều yếu tố khiến doanh nghiệp này phải điều chỉnh giá bán thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, bò, dê và thỏ. Trong đó phải kể giá một số mặt hàng nguyên liệu đã tăng mạnh sau Tết Nguyên đán, ước tính tăng 5-6%.
Thông tin điều chỉnh của các doanh nghiệp khá bất ngờ khi cuối năm 2021, Chính phủ điều chỉnh giảm thuế tối huệ quốc (MFN) của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%.
Tại sao thuế nhập khẩu nguyên liệu giảm, giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng? Ông Hiếu phân trần rằng để sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp cần rất nhiều nguyên liệu, song chỉ một số mặt hàng được giảm thuế, chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu giá thành sản xuất. Chưa kể, doanh nghiệp đang phụ thuộc tới 85% nguyên liệu nhập khẩu.
Trong thời gian tới, ông Hiếu cũng chỉ ra những áp lực có thể khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng cao hơn. Cụ thể, nhiều tổ chức dự báo giá nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng, chưa kể thời tiết cực đoan ở khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu có thể khiến sản lượng nguyên liệu giảm - đẩy giá lên cao hơn. Cùng với đó là lạm phát của thế giới dự báo tăng cao, chi phí logistics tăng mạnh do giá xăng dầu, thuê container, tắc nghẽn cảng biển...
Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đánh giá hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất mong manh, đây là đối tượng thiệt nhất khi thị trường có biến động xấu về đầu vào, đầu ra; cũng như hưởng lợi ít nhất ngay cả khi giá đầu ra tăng mạnh. Nói cách khác là được không được nhiều mà mất thì mất tất cả.
Trong bối cảnh mọi giải pháp để bình ổn thị trường thức ăn chăn nuôi dường như bất khả thi, ông Trọng cho rằng người chăn nuôi cần phải chủ động theo hướng tận dụng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sản xuất theo chuỗi.
"Hộ chăn nuôi phải tham gia liên kết với nhau thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã. Đây sẽ là điều kiện để giảm chi phí đầu vào, giá thành chăn nuôi, đảm bảo tiêu thụ đầu ra, tránh phụ thuộc vào thương lái", ông Trọng nhấn mạnh.
Cạnh tranh khốc liệt - sao vẫn tăng giá?
Nông dân bị thiệt, vậy với doanh nghiệp - liệu rằng họ có được lợi hay không. Theo Vietnam Report, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ 10.8 triệu tấn năm 2010 đã tăng lên gần gấp đôi vào năm 2020, đạt 20,3 triệu tấn. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, xếp trên cả Thái Lan và Indonesia.
Với tiềm năng phát triển cao, ngành thức ăn chăn nuôi của Việt nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang không ngừng mở rộng quy mô, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành. Trong đó, phải kể tới những "ông lớn" như C.P Việt Nam, Cargill Việt Nam, CJ Vina Agrri, De Heus, Greenfeed Việt Nam, Mavin…
Theo dữ liệu của Cục Chăn nuôi, tính đến tháng 7/2021, ngành thức ăn chăn nuôi có 265 doanh nghiệp, khối FDI có 89 doanh nghiệp, khối doanh nghiệp trong nước có 176 doanh nghiệp nhưng sản lượng của doanh nghiệp FDI trong năm 2020 chiếm 59,8% và doanh nghiệp trong nước chiếm 40,2%.
Theo lý giải của các doanh nghiệp, việc tăng giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua là do nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm, nguồn cung trong nước hạn chế, chi phí vận chuyển tăng cộng thêm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến sản lượng một số loại ngũ cốc chính của một số quốc gia sụt giảm. Biến đổi khí hậu đã làm một số nước là đối tác cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính cho Việt Nam như Mỹ, Argentina, Brazil… bị khô hạn nên diện tích ngô, lúa mì, đậu tương phải thu hẹp năng suất, sản lượng.
Tuy vậy, mảng thức ăn chăn nuôi vẫn đem lại những nguồn lợi nhuận rất tốt cho doanh nghiệp. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus từng cho biết năm 2021 mảng chăn nuôi của De Heus gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mảng thức ăn chăn nuôi "cứu cánh" nên lợi nhuận doanh nghiệp vẫn được đảm bảo.
Trong năm nay, ông Hiếu vẫn đánh giá mảng thức ăn chăn nuôi còn dư địa phát triển nhiều khi mà tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi được dự báo tăng 3-3,5%. Tuy vậy, ngay bản thân lãnh đạo De Heus cũng thừa nhận việc cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành đang rất gay gắt.
"Doanh nghiệp nào có chiến lược tiếp cận thị trường tốt thì mới có thị phần, còn kém thì mất khách hàng. Do vậy, ngay cả việc tính toán tăng giá thức ăn chăn nuôi cũng làm chúng tôi phải cân nhắc rất nhiều, đáng lẽ ra mức tăng giá còn phải cao hơn", Phó Tổng De Heus thừa nhận và cho rằng việc mua lại 14 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan nằm trong kế hoạch cốt lõi của De Heus là giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận.
Chưa kể, khách quan mà nói, nếu cứ tăng giá theo thị trường, không chia sẻ lợi nhuận với người chăn nuôi thì việc phát triển bền vững của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, chăn nuôi lợn là đối tượng sử dụng thức ăn chăn nuôi hỗn hợp nhiều hơn so với các loài gia cầm, gia súc ăn cỏ. Do đó, trong chiến lược chăn nuôi đến năm 2030 sẽ cố gắng giảm tỷ lệ thịt lợn trong rổ thực phẩm của người Việt xuống còn 60%, thay vì 65-66% như hiện nay. Theo đó, ngành chăn nuôi có thể giảm phần nào sự phụ thuộc tối đa tài nguyên sẵn có như thóc gạo, rơm rạ, cỏ...
Vì vậy, thay vì chỉ chăm chăm tính đến chuyện tăng giá, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi có lẽ cũng cần tính đến chuyện nghiên cứu các sản phẩm thức ăn chăn nuôi hữu cơ, đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn sinh học; đầu tư máy móc và dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi tự động hóa, đạt tiêu chuẩn quốc tế; phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học; tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, biến động giá và chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào; thực hiện mua bán và sáp nhập, tăng cường quan hệ hợp tác để mở rộng chuỗi kinh doanh.
Ông Phùng Đức Tiến Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Những khó khăn về việc tăng giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi là khó khăn chung của toàn cầu. Hiện, chúng ta đã có chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; 5 đề án về giống, thức ăn, chế biến, xử lý môi trường, khoa học công nghệ. Tới đây cần triển khai đồng bộ 5 đề án này và sẽ có giải pháp cụ thể. Ví dụ, về thức ăn, chúng ta cần có những nguyên liệu để thay thế và giảm thuế nhập khẩu, từ đó kéo giảm giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, nghiên cứu giống cây trồng như ngô sinh khối, đồng thời nghiên cứu, sử dụng phế phẩm của ngành nông nghiệp để phục vụ cho ngành thức ăn chăn nuôi.... Tuy vậy, trong khi chờ giải quyết được những bài toán trên thì doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cần phải giữ giá hợp lý. Tất cả mọi chi phí đầu vào tăng hết cả lên rồi, người chăn nuôi, hợp tác xã không làm nữa thì lấy đâu ra nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến, cũng như bán hàng. Ông Nguyễn Thanh Sơn Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam Giá thức ăn chăn nuôi tăng thì giá đầu ra phải tăng tương ứng (giá thức ăn chăn nuôi đang chiếm 60-70% giá thành chăn nuôi), nhưng với ngành chăn nuôi thì rõ ràng không được như vậy. Tình trạng này đã thấy rõ trong năm 2021, có thời điểm giá gà lông trắng xuống ở mức rất thấp. Do vậy, ngành chăn nuôi chỉ còn cách trông chờ vào nhu cầu thị trường tăng lên. Hy vọng đến quý II, quý III khi du lịch, các trường học, bếp ăn tập thể... mở cửa hoàn toàn sẽ đẩy giá sản phẩm chăn nuôi tăng lên, giúp người chăn nuôi bớt khó. Ông Vũ Anh Tuấn Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn như chi phí vận chuyển nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao. Giá thức ăn chăn nuôi tăng dẫn đến giá thành sản xuất 1kg thịt gà, thịt lợn cũng tăng mạnh, chưa tính tới chi phí kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ để doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, người nông dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp để tái đàn. |
Lê Thúy