Những dự báo mới đây cho thấy giá ngô trên thế giới có khả năng tăng mạnh trong năm 2022. Như ở Mỹ (quốc gia có sản lượng sản xuất ngô nhiều nhất trên thế giới), theo nhận định của The Pigsite (một ấn phẩm quốc tế chuyên ngành chăn nuôi lợn - PV), giá ngô được cho là có thể sẽ tăng đến 25% vào cuối năm nay.
Tính vị thế đường dài cho cây ngô
Vốn rất nhạy cảm với việc tăng giá ngô (nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất thức ăn chăn nuôi), cho nên tình trạng tiếp tục tăng giá TĂCN trong năm nay là khó tránh khỏi, vẫn là mối lo thường trực của người chăn nuôi Việt Nam.
Năm 2022 Việt Nam được dự đoán sẽ là nhà nhập khẩu ngô lớn nhất ở Đông Nam Á và lớn thứ 5 toàn cầu. |
Để tránh phụ thuộc vào việc nhập khẩu (NK) ngô nhằm phục vụ sản xuất TĂCN như thời gian qua, việc mở rộng diện tích, gia tăng năng suất trồng ngô ở Việt Nam vẫn đang được tính tới.
Như chia sẻ tại một hội thảo gần đây để bàn về giải pháp phát triển cây ngô, Ts. Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, có nói rằng từ chỗ vào năm 1995 Việt Nam chỉ có hơn 400.000ha diện tích trồng ngô, cho đến năm 2014 đã đạt 1,2 triệu ha, đưa sản lượng lên 5 triệu tấn/năm.
Theo ông Cường, đây là bước cố gắng lớn nhằm phần nào giải quyết nguồn nguyên liệu TĂCN trong thời gian qua. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích trồng ngô lại đi xuống (hiện chỉ vào khoảng 900.000ha), sản lượng cũng xuống theo rất nhanh, mặc dù năng suất vẫn còn tăng rất cao.
Vị nguyên Bộ trưởng lưu ý, cây ngô là một trong những mặt hàng nông sản mà chúng ta cần phải lựa chọn nhằm có lợi về mặt sản xuất nông nghiệp để chế biến phát triển chuỗi giá trị gia tăng.
Cho nên, nếu lựa chọn cho việc phát triển diện tích trồng ngô ở Việt Nam để làm nguyên liệu cho TĂCN thì việc tổ chức trồng trọt, chế biến, tổ chức chăn nuôi theo chuỗi giá trị sẽ dài hơn, có lợi thế hơn.
Nhất là khi chiến lược phát triển ngành chăn nuôi của Việt Nam tới năm 2030 có đặt ra chỉ tiêu tổng sản phẩm khối lượng thịt xẻ đạt 6 triệu tấn, sản lượng thịt đỏ tăng từ 4% hiện nay lên 10%, tăng số lượng đàn bò sữa từ 350.000 con lên 750.000 con để phấn đấu sản lượng sữa tại Việt Nam tăng gấp 3 lần hiện nay. Những chỉ tiêu này cho thấy nhu cầu về lượng thức ăn xanh cho gia súc là rất lớn, trong đó có cây ngô.
Chính vì vậy, ông Cường bày tỏ sự kỳ vọng diện tích trồng ngô tới đây sẽ khác. Đặc biệt khi ngô là một trong những lựa chọn cho cây trồng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
“Chúng ta có quyền cơ cấu là ngành nông nghiệp theo hướng có lợi thế hơn. Trong những hướng đổi mới cơ cấu nông nghiệp nay mai sẽ có chuyện đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của 100 triệu dân ở thị trường Việt Nam và để dành sản phẩm xuất khẩu từ chăn nuôi”, ông Cường nói.
Khó tránh rủi ro tăng giá
Cho nên, chiến lược của ngành chăn nuôi có liên hệ mật thiết đến việc phát triển diện tích trồng ngô trong thời gian tới. Vì vậy, vị thế của cây ngô ở Việt Nam nay mai phải tính sang một hướng mới.
Khi nhìn nhận vào thực tế hiện tại, như thông tin mới đây từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong năm 2022 Việt Nam sẽ là nhà NK ngô lớn nhất ở Đông Nam Á và là nhà nhập khẩu ngô lớn thứ 5 toàn cầu.
Riêng trong năm 2021, kim ngạch NK ngô của Việt Nam dù chưa có số liệu chính thức, nhưng được ước đoán đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, tăng hơn 600 triệu USD so với năm trước đó.
Bàn về chuyện gia tăng NK ngô để thấy rằng giá ngô trên thế giới được dự báo duy trì trên mức trung bình trong năm 2022 thì việc biến động giá TĂCN là điều khó tránh khỏi khi Việt Nam hoàn toàn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu ngô trong nước.
Không những vậy, một trong những nguyên liệu chính cho TĂCN là đậu tương cũng được dự báo sẽ gặp nhiều rủi ro tăng giá trong năm nay, nhất là khi sản lượng có thể sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến cán cân cung cầu, sẽ kích hoạt đợt tăng giá mới. Điều này càng củng cố thêm khả năng tăng giá TĂCN ở Việt Nam trong năm nay.
Rõ ràng, những dự báo về tăng giá ngô hay đậu tương là tin không tốt đối cho những người chăn nuôi ở Việt Nam, khi giá đầu vào tác động mạnh đến giá TĂCN, trong lúc đầu ra vẫn đang gặp nhiều bấp bênh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trước khi nghĩ đến chuyện tự chủ nguồn nguyên liệu ngô trong nước, chỉ thấy rằng trước mắt với giá nguyên liệu TĂCN duy trì mặt bằng giá cao, năm 2022 sẽ còn nhiều khó khăn với ngành chăn nuôi ở Việt Nam.
Kể cả việc phát triển diện tích ngô ở Việt Nam vào thời gian tới cũng không phải "một sớm, một chiều" khi mà giá phân bón tăng cao khiến cho chi phí sản xuất tăng theo. Điều này làm cho nông dân sẽ e ngại mở rộng diện tích trồng ngô, cũng như nỗi lo giá ngô trong nước sẽ khó cạnh tranh với giá ngô nhập khẩu.
Còn đối với người chăn nuôi, giảm chi phí TĂCN là mối quan tâm hàng đầu đối với họ trong năm nay. Việc có được nguồn nguyên liệu tại chỗ trong nước sản xuất để phục vụ sản xuất TĂCN là điều mong mỏi lâu nay của ngành chăn nuôi nhưng xem ra còn khá xa vời. Bởi lẽ nói là một chuyện, còn làm vẫn là một chuyện khác với nhiều bài toán nan giải ở phía trước.
Thế Vinh