Được biết đến là đơn vị sở hữu hệ thống hàng chục cửa hàng sách và cà phê trên cả nước, nhưng tài sản giá trị nhất của công ty lại là 20% vốn góp tại chuỗi rạp chiếu phim CGV Việt Nam. Mới đây, HĐQT PNC vừa có tờ trình về việc chuyển nhượng một phần vốn góp tại công ty CJ CGV Việt Nam, doanh nghiệp quản lý và vận hành cụm rạp chiếu phim này.
Lãi vay “ăn mòn” lợi nhuận”
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PNC bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 27/2/2018, do lợi nhuận chưa phân phối sau thuế năm 2016 và 2017 là con số âm.
Nếu không thể cải thiện kết quả kinh doanh, rất có thể, PNC sẽ bị buộc phải hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu.
Tính từ đầu năm 2018 đến nay, cổ phiếu PNC đã giảm 52,4% từ vùng giá 29.000 đồng/cp, hiện chỉ còn 13.800 đồng/cp (phiên 15/6).
Về tình hình kinh doanh, doanh thu của Phương Nam vẫn tăng trưởng đều đặn, nhưng chi phí vận hành, quản lý doanh nghiệp, mà chủ yếu là chi phí lãi vay của các khoản nợ “khủng long”, đã và đang “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp.
Năm 2017, PNC đạt 606 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với năm 2016; lợi nhuận gộp đạt 178 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2016. Hoạt động đóng góp doanh thu chính vẫn là kinh doanh hàng tổng hợp và bán sách lần lượt đạt 323 tỷ và 231 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận doanh thu từ mảng phim, cà phê sách…
Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng mạnh và chi phí lãi vay tăng mạnh đã khiến lợi nhuận sau thuế của PNC giảm mạnh, thậm chí báo lỗ đến 67 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 106 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 110 tỷ đồng.
Trong quý I/2018, PCN cũng ghi nhận mức doanh thu tăng 28% so với cùng kỳ, đạt 157 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty ghi nhận mức lợi nhuận âm gần 1,8 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên tới 108 tỷ đồng.
Nợ phải trả đến ngày 31/3 đạt 508,1 tỷ đồng, chiếm gần hết tổng tài sản (535 tỷ đồng), trong đó, nợ ngắn hạn của PNC đạt 503,5 tỷ đồng, vượt tài sản ngắn hạn 195 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ ngắn hạn của PNC, lớn nhất là khoản 255,9 tỷ đồng phải trả người bán và 159,7 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính sắp đến hạn phải trả.
Chưa kể PNC còn khoản nợ với đối tác Cross Junction Investment Pte., Ltd (CJI) gồm 7 triệu USD nợ gốc và 18,5 tỷ đồng lãi vay.
Đây là khoản vay từ năm 2014 của PNC, với lãi suất 4%/năm, được gia hạn trong 3 năm và được công ty thế chấp bằng toàn bộ phần vốn góp tại CGV Việt Nam, kèm điều khoản không được vay nợ từ tổ chức, cá nhân nào khác.
Khoản nợ này đến hạn thanh toán vào ngày 30/6 tới và không được tiếp tục gia hạn, do đó PNC buộc phải bán rẻ cổ phần tại CGV để trả nợ cho CJI.
PNC buộc phải bán rẻ cổ phần tại CGV để trả nợ cho CJI |
Bí ẩn bên mua
Theo phương án mà HĐQT của PNC trình cổ đông thông qua, đơn vị này sẽ thoái 12,5% vốn tại CGV Việt Nam với mức giá 160 tỷ đồng, để trả nợ gốc và một phần lãi của khoản vay nói trên.
Mức giá trên tương ứng với việc định giá CGV Việt Nam ở mức 1.280 tỷ đồng (56,4 triệu USD).
Đây là mức giá được nhiều chuyên gia đánh giá là “rẻ như cho” khi mà cách đây 7 năm, Tập đoàn CJ CGV của Hàn Quốc đã trả mức giá 100 triệu USD để mua lại Megastar – tên gọi khi đó của CGV Việt Nam.
Đáng chú ý, bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp của PNC là CTCP Đầu tư Kim Cương Đen, công ty này mới được thành lập từ 26/4/2018, với vốn điều lệ là 120 tỷ đồng. Thời gian thanh toán và chuyển nhượng trước ngày 5/7.
Người đại diện trước pháp luật của công ty này là ông Vũ Hoàng Nhật, sinh năm 1983; cổ đông lớn nhất là CTCP Đầu tư Vĩnh Phát, với tỷ lệ sở hữu là 59,5%, cũng do ông Vũ Hoàng Nhật cũng đồng thời làm Tổng Giám đốc.
Đặc biệt, cổ đông lớn này chỉ được thành lập trước Kim Cương Đen 6 ngày là ngày 20/4/2018 và cũng có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản.
Được biết, CGV Việt Nam là khoản đầu tư hiệu quả nhất của Phương Nam trong nhiều năm trở lại đây khi cụm rạp này chiếm lĩnh đến 47% thị phần chiếu phim trong nước.
Trong năm qua, doanh thu của cụm rạp này tăng hơn 20% đạt 1.460 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày, cụm rạp này thu về tới 4 tỷ đồng tiền bán vé và các dịch vụ đi kèm.
Ông Đặng Bá Tùng, Chủ tịch HĐQT Phương Nam, cho biết việc bán vốn tại CGV là điều không mong muốn, bởi tình hình tài chính công ty đang rất khó khăn, đe dọa khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Theo ông Tùng, trước đó, đề xuất tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng là phương cách để hoàn trả nợ vay và đảm bảo khả năng tài chính đã không được cổ đông chấp thuận.
Thời gian qua, Ban điều hành PNC đã cân nhắc, tìm kiếm nhiều giải pháp để giải quyết khả năng thanh toán nhưng không đạt kết quả.
PNC không thể vay ngân hàng do không có tài sản đảm bảo, đồng thời ràng buộc điều khoản với CJI, nên không được huy động vay từ tổ chức, cá nhân khác; không có tài sản cố định có giá trị để bán.
Trong khi đó, hàng tồn kho tăng cao, tồn đọng từ nhiều năm qua nhưng tỷ trọng hàng không luân chuyển, chậm luân chuyển rất lớn, không có khả năng bán thu hồi vốn.
Thùy Linh