Người Dao luôn cư trú theo những thôn bản riêng, không sinh sống cùng những người khác tộc để giữ gìn phong tục tập quán, những nét văn hóa độc đáo riêng của mình. Tại huyện Yên Lập, người Dao tập trung ở các xã Nga Hoàng, Thượng Long, Xuân Thủy...
Đời sống văn hóa tinh thần phong phú
Lãnh đạo huyện Yên Lập cho biết, hiếm có nơi nào dù hạ tầng thiếu thốn, giao thông cách trở, nhưng người dân lại tự lực vượt qua khó khăn, đồng lòng thực hiện xóa đói giảm nghèo, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống như nơi đây.
Đồng bào Dao vẫn luôn duy trì được các lễ Tết quan trọng của dân tộc như: Lễ Cấp sắc (chẩu đàng, quả tăng) dành cho người trưởng thành, lễ Tết nhảy tạ ơn trời đất, thánh thần, tổ tiên, lễ Tạ mộ tổ (chảy ông cổ chấu) và các lễ Tết Nguyên đán, Thanh minh, Hạ điền, Rằm tháng bảy... đều tổ chức cúng lễ tại nhà Tổ nhằm tập hợp con cháu trong dòng tộc, đại gia đình và nhiều nghi thức thờ cúng khác.
Lễ Cấp sắc của người Dao quần chẹt xã Xuân Thủy. (Ảnh: TL). |
Trong mỗi lễ hội như: Tết Nhảy, Lễ cấp sắc… không thể thiếu các bài cúng, các điệu dân ca, dân vũ. Đặc biệt, “Lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt xã Xuân Thủy” và “Tết Nhảy của người Dao Quần chẹt xã Nga Hoàng” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Dương Đức Toàn, già làng bản Dao (núi Đù, xã Xuân Thủy) cho biết, trước đây, mỗi khi làng bản có việc, tất cả cộng đồng người Dao trong khu vực đều háo hức tham gia, thậm chí góp thêm nhiều lễ vật để chung vui. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều tập tục đang bị phai nhạt, có nguy cơ bị quên lãng.
Lý giải cho điều này, ông Toàn lấy ví dụ, trước kia mỗi lần tổ chức Lễ cấp sắc hay Tết Nhảy, cả bản từ già đến trẻ đều tham gia, giờ chỉ còn một số thành viên cao niên trong bản tham gia với thời gian được co lại còn 2 ngày, 2 đêm. Những điệu múa trong các lễ hội cũng bị rút ngắn thời gian, có khi chỉ còn 1-2 giờ đồng hồ.
“Điều đáng buồn, trong xu thế hội nhập, những giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ đồng hóa, mai một, thậm chí là mất bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc mình”, ông Triệu Tài Quý, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu dân cư núi Đù nhận xét.
Hiện nay, đồng bào dân tộc Dao ở đây không còn nói tiếng mẹ đẻ nhất là những người trẻ, hầu như không còn dùng trong giao tiếp. Chỉ có những người trung tuổi trở lên mới biết nói, đọc và viết chữ Nôm Dao nên việc truyền thụ lại những kiến thức, kỹ năng đọc, viết là rất cấp bách và cần thiết.
Bên cạnh đó, nhiều thanh niên người Dao không biết tự thêu, khâu vá quần áo và mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, chỉ khi có lễ Tết quan trọng một số ít người trong cuộc mới sử dụng.
“Nếu không được phục dựng, bảo tồn, đây sẽ là một thiệt thòi cho người Dao nói riêng, cũng như giảm giá trị trong định hướng phát triển du lịch sắp tới của huyện Yên Lập”, ông Triệu Tài Quý ý kiến.
Giữ gìn bản sắc văn hóa
Trước bối cảnh đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Yên Lập đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, lưu truyền cho các thế hệ mai sau.
Trước hết, UBND huyện Yên Lập đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu khoa học “Điều tra, sưu tầm, hệ thống hóa và phục dựng một số di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu người Dao Quần Chẹt trên địa bàn huyện Yên Lập” như: Múa chuông, múa rùa, Lễ cấp sắc, Tết Nhảy, Lễ cúng Bàn Vương, Lễ cúng mộ tổ người Dao…
Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức các lớp dạy chữ cổ người Dao cho lứa tuổi thanh, thiếu niên. Đồng thời, đề xuất và hỗ trợ nhiều giải pháp cụ thể để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của người Dao ở các xã có người Dao sinh sống.
Xã Nga Hoàng đã mời ông Dương Đức Toàn truyền đạt chữ Nôm Dao cho người dân. (Ảnh:TL). |
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và nỗ lực của cộng đồng người Dao, đội văn nghệ diễn xướng dân gian bản Dao núi Đù đã được thành lập. Đến nay, đội vẫn duy trì, phát triển và tham gia nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ngày hội văn hóa các dân tộc của huyện, của tỉnh và khu vực các tỉnh Tây Bắc.
Theo thống kê của xã, hiện chỉ còn mười người ở thôn núi Đù là biết chữ Dao cổ. Do đó, để lưu giữ những bài cúng do tổ tiên để lại và giữ con chữ cho các thế hệ kế cận, xã đã hỗ trợ ông Quý cùng già làng và một số thầy mo, thầy cúng ghi chép lại những bài cúng.
“Chúng tôi vẫn răn dạy tụi trẻ, dù đi đâu, làm gì, không bao giờ được quên gốc gác mình là người Dao quần chẹt nên sẽ cố gắng hết sức mình để lưu giữ được những nét văn hóa truyền lại cho chúng”, ông Triệu Tài Quý nói.
Tại xã Nga Hoàng, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết 12 về việc giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, giai đoạn 2021 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về “xây dựng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”.
Theo đó, UBND xã đã xây dựng Kế hoạch học chữ Nôm Dao truyền thống dân tộc nhằm huy động được đông đảo lớp trẻ tham gia học tập, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao trên địa bàn. Bên cạnh đó, xã cũng đã mời ông Dương Đức Toàn (xã Xuân Thủy) là người có uy tín, hiểu kiến thức chữ Nôm Dao để truyền đạt cho người dân.
Tham gia lớp học chữ Nôm Dao, em Cheo Ỳ Mấy (thôn Trung Lợi, xã Nga Hoàng) chia sẻ: "Được học chữ dân tộc và hiểu sâu hơn về văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, em cảm thấy rất vui và tự hào. Em sẽ cố gắng truyền đạt và khuyến khích các bạn cùng tham gia lớp học để chúng em có thể cùng nhau chung tay giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa này".
Hay như ở xã Trung Sơn, người Dao Đồng Măng đã biết phát huy những mặt tích cực và xóa bỏ những tập quán hủ tục còn lạc hậu, như việc hôn nhân cận huyết; lễ cấp sắc, Tết nhảy hay như việc cưới không còn thách cưới bạc nén, mổ lợn, giết gà nhiều nhưng mà vui và giữ được nét đặc sắc rất riêng của dân tộc mình.
“Chính nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế phát triển, đời sống tinh thần được nâng lên cũng là cơ hội để các phong tục tập quán của người Dao được khôi phục và giữ gìn”, già làng Phùng Sinh Huyện, Trưởng khu kiêm Bí thư Chi bộ khu Đồng Măng phấn khởi nói.
Hải Giang