Mới đây, Bộ VHTT&DL công nhận Lễ hội đua ngựa Bắc Hà, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa huyện Bắc Hà, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Nùng Dín huyện Mường Khương và nghề làm tranh thờ của người Dao đỏ thị xã Sa Pa là 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là cơ hội "vàng" để tỉnh Lào Cai thúc đẩy bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch...
Phát triển du lịch để bảo tồn văn hóa
Trước đó, thực hiện Đề án số 13 và Đề án số 9 về phát triển kinh tế du lịch Lào Cai, tỉnh đã chú trọng việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc để hỗ trợ du lịch phát triển, và ngược lại du lịch phát triển cũng tác động tích cực trở lại vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, như khôi phục các ngành nghề thủ công truyền thống, nghề nấu rượu đặc sản, bảo tồn và phát huy hệ thống các lễ hội của các dân tộc, phát huy giá trị các chợ vùng cao, biến chợ phiên văn hóa trở thành điểm du lịch hấp dẫn…
Chị em phụ nữ Tày ở Na Lo (Bắc Hà) trong một buổi học làm món xôi bảy màu (Ảnh:TL). |
Đến nay, khu du lịch Sa Pa, thành phố Lào Cai, Bắc Hà, Bảo Yên… là những điểm sáng trong khai thác hiệu quả giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch, thu hút đông đảo lượng khách du lịch tới thăm quan và trải nghiệm. Từ đó, các làng du lịch cộng đồng (Bản Dền, Tả Van, Cát Cát, Tả Phìn – Sa Pa; Trung Đô, Bản Phố, Na Hối, Tả Van Chư – Bắc Hà...) dần được hình thành, huy động được cả cộng đồng làm du lịch, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.
Đơn cử, thôn Na Lo, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà là nơi đồng bào dân tộc Tày sinh sống tập trung. Được ngành Văn hóa tỉnh chọn là điểm hỗ trợ, giúp đỡ khôi phục văn hóa truyền thống, đặc biệt là ẩm thực.
"Đồng bào Tày ở Na Lo có điệu xòe đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để khai thác hết tiềm năng về du lịch, ngành Văn hóa xác định phải làm sao kết hợp giữa xòe và ẩm thực vừa gìn giữ được nét ẩm thực đặc sắc, vừa tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho người dân", bà Vũ Thị Trang, Phòng Quản lý Di sản, Sở VHTT&DL Lào Cai cho biết.
Theo đó, những người giàu kinh nghiệm được chọn để trình diễn, hướng dẫn người chưa biết về các món ăn dân gian của dân tộc mình, từ đó nhân rộng trong cộng đồng nhằm giới thiệu cho du khách về văn hóa ẩm thực của người Tày, giúp họ có cái nhìn bao quát hơn khi đến trải nghiệm, khám phá bản làng của người Tày ở Bắc Hà.
Có thể nói, những món ăn đặc trưng như cơm lam, xôi màu, bánh chưng đen, bánh dày… cho hương vị thơm ngon, lạ mắt cùng với những điệu xòe mời gọi và gắn kết cộng đồng, là những sản phẩm ấn tượng cho du khách khi đến với bản làng người Tày nơi đây.
Đến nay, nhiều hộ đồng bào nơi đây đã khai thác tốt dịch vụ Homestay, mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương.
“Bên cạnh vận động bà con cùng nhau đoàn kết, giữ gìn bản sắc, chúng tôi còn nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm, cảnh quan sạch đẹp. Du khách đến đây hết sức khen ngợi và đến ngày càng đông”, anh Vàng Văn Tân, Trưởng thôn Na Lo chia sẻ.
Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch
Mặc dù việc phát triển du lịch gắn bảo tồn văn hóa ở Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song hiện nay, định hướng phát triển này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Chẳng hạn như sức ép từ văn hóa ngoại lai do hội nhập, đặc biệt từ chính tác động của khách du lịch và yếu tố kinh tế thị trường. Điều này tạo ra nguy cơ mai một bản sắc văn hóa.
Đặc biệt, từ năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19 khiến tăng trưởng của ngành Du lịch Lào Cai sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm 2019. Dưới tác động của dịch Covid-19, hàng loạt các homestay truyền thống ở thôn, bản hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động vì không có khách.
Hình ảnh giao diện ứng dụng Du lịch thông minh của tỉnh Lào Cai (Ảnh: TL). |
Trở lại với câu chuyện Bộ VHTT&DL công nhận thêm 4 di sản văn hóa của tỉnh Lào Cai là Di sản phi vật thể quốc gia. Tỉnh đã đặt ra giải pháp nhằm phát huy tiềm năng của các di sản trong phát triển du lịch, đây được xem là "đòn bẩy" để phục hồi tăng trưởng cho ngành Du lịch trong năm 2021 và những năm tới. Đặc biệt, để thích nghi với tình hình mới, Lào Cai đã đẩy mạnh chuyển đổi số toàn ngành du lịch, tái cơ cấu thị trường và sản phẩm du lịch trên cơ sở giữ nguyên bản sắc dân tộc địa phương.
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho rằng, cần phải chuyển đổi số trong ngành du lịch và coi đó là điều quyết định sự sống còn của du lịch địa phương trong bối cảnh mới. Từ đó mới có thể phát triển du lịch gắn bảo tồn văn hóa được.
“Thời gian qua, Lào Cai được coi là một trong những địa phương tích cực thực hiện chuyển đổi số du lịch, với sự thành công của hệ sinh thái du lịch thông minh. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc tại địa phương”, ông Hà Văn Thắng nhấn mạnh..
Cũng phải nói thêm, trước khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, một số công ty cổ phần vận tải đã khai thác hiệu quả ứng dụng bán vé xe giường nằm tuyến Hà Nội-Sapa trên các ứng dụng bán vé tự động, trở thành sự lựa chọn của nhiều du khách. Cùng với đó, một số mô hình mới bắt đúng nhu cầu thị hiếu khách nội và giới trẻ, tại các homestay, bản du lịch cộng đồng ở Sapa, Bắc Hà luôn kín phòng.
Để hiện thực hóa câu chuyện số hóa du lịch, UBND tỉnh Lào Cai đã phối hợp cùng Tập đoàn VNPT xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh dành riêng cho địa phương này qua các kênh website, thu hút hàng triệu lượt truy cập. Đặc biệt còn có tính năng tự động chuyển đổi ngôn ngữ giúp cổng tiếp cận khách hàng người nước ngoài truy cập và khai thác.
“Ứng dụng như một cẩm nang tiện lợi giúp tôi có thể chủ động lập kế hoạch và khám phá hành trình của mình trong suốt chuyến đi, từ đặt vé, dịch vụ ăn uống/đi lại mà không cần tương tác trực tiếp với bất kỳ người nào”, chị Nguyễn Lan Phương, du khách ở Hà Nội cho hay.
Ông Lê Anh Đại, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai cho rằng, phải gìn giữ bản sắc dân tộc, coi đó là linh hồn, là nét riêng cho các sản phẩm du lịch của địa phương thì du lịch Lào Cai mới có thể phát triển bền vững.
"Thời gian tới, Lào Cai sẽ phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh cao gắn với chuyển đổi số, ưu tiên xây dựng sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng thiên nhiên, văn hóa của Khu du lịch quốc gia Sa Pa và hai huyện Bát Xát, Bắc Hà", ông Đại nói.
Hải Giang