Theo tiếng địa phương, lễ cúng rừng còn được gọi là lễ Khoi Kìm, được tổ chức hàng năm vào mùng 2 tháng 2 âm lịch tại khu rừng cấm với những quy định rõ ràng như: Không được chặt cây khai thác rừng, không đốt lửa, không được dựng nhà và săn bắn trong khu rừng cấm, không được lấy củi, chăn thả gia súc. Tất cả hành vi xâm phạm đến rừng đều phải nhận hình phạt.
Bảo vệ rừng là bảo tồn văn hóa
Theo quan niệm, lễ cúng được thực hiện để cầu xin thần rừng phù hộ, che chở cho cả thôn bản một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà bình an, mạnh khỏe, vật nuôi trong nhà lớn nhanh. Đây cũng là dịp để giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ những cánh rừng xanh.
Chủ lễ đứng ra thực hiện các nghi lễ trước ban thờ thần rừng (Ảnh: TL) |
Nghi lễ cúng rừng có sự tham gia của 4 thầy cúng, trong đó chủ lễ là người được người dân trong bản lựa chọn đứng ra thực hiện các nghi lễ trước ban thờ thần rừng cùng các lễ vật do người dân trong thôn bản tự động đóng góp. Chủ lễ phải là thầy cúng có uy tín, am hiểu các luật tục.
Tham gia lễ cúng, người dân cũng sẽ thảo luận những vấn đề liên quan đến thôn, bản và những quy định về việc bảo vệ, quản lý rừng. Ví dụ, những ngày bình thường trong năm, người dân không được vào trong rừng để lấy củi, lấy măng. Người Dao đỏ đưa ra các quy định cho cả cộng đồng phải thực hiện đối với rừng cấm rõ ràng, như: Không được chặt cây khai thác rừng, không đốt lửa, không được dựng nhà và săn bắn trong khu rừng cấm, không được lấy củi, chăn thả gia súc... Mọi hành vi xâm phạm đến rừng đều phải nhận những hình phạt thích đáng.
Kết thúc buổi lễ, những người cao tuổi trong bản sẽ truyền đạt cho thế hệ kế cận trách nhiệm để gìn giữ phát triển rừng. Những nguồn dược liệu quý giá được đúc kết thành nhiều bài thuốc chữa bệnh có từ lâu đời của người Dao sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào trách nhiệm giữ rừng của nhiều thế hệ.
“Tục thờ thần rừng là nghi lễ truyền thống có từ cổ xưa, ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của người Dao đỏ địa phương. Lễ cúng mang tính cộng đồng cao, nâng cao ý thức gìn giữ, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên rừng cho hôm nay và mai sau. Nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, những dược liệu quý dùng chữa bệnh có từ lâu đời của người Dao sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào trách nhiệm giữ rừng của nhiều thế hệ”, đại diện UBND xã Phìn Ngan cho biết.
Với người Dao đỏ, cuộc sống của họ đã gắn bó với cánh rừng. Rừng là nhà, rừng mang lại kế sinh nhai, cái ăn, cái mặc... cho đồng bào. Đặc biệt, rừng cho họ một món quà quý giá, đó là những lá thuốc nam trị bệnh và mang lại giá trị kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.
Vấn đề đặt ra hiện nay là nền kinh tế hội nhập, mở rộng giao lưu văn hóa và phát triển du lịch hiện nay làm cho giới trẻ không còn quan tâm đến những lễ hội truyền thống của dân tộc. Trong khi đó, người chủ lễ thường là những người cao tuổi, nhiều kinh nghiệm và uy tín chỉ còn số ít. Vì vậy, lễ cúng rừng đang đứng trước nguy cơ phai nhạt dần.
Bên cạnh đó, cái đói nghèo vẫn còn bủa vây những người dân nơi đây. Để kiếm kế sinh nhai, họ đã phá rừng làm nương rẫy, chặt cây rừng lấy gỗ bán cho dân buôn lậu... Chính vì lẽ đó, rừng ngày càng bị tàn phá trầm trọng, những khu rừng cấm, linh thiêng dần mất đi.
Giảm nghèo là yếu tố then chốt
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Ngô Quang Hưng: Bảo tồn lễ hội không có nghĩa là giữ nguyên xi như ngày xưa, mà cần phát huy những mặt tốt, loại bỏ những yếu tố không tốt, song không được thay đổi bản chất lễ hội. Lễ hội là của cộng đồng, cộng đồng ấy phải đóng vai trò chủ thể. Nhà nước chỉ quản lý khi lễ hội đi lệch hướng.
Hiện nay, tại khu vực rừng xã Phìn Ngan còn rất nhiều cây nguyên sinh cổ thụ được người dân Dao đỏ bảo vệ và chăm sóc. Tuy nhiên, để giữ gìn được rừng cũng như bảo tồn tục thờ thần rừng vẫn còn là chặng đường dài phía trước. Trong đó, giảm nghèo, nâng cao đời sống và ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết nhất.
Du khách đến thăm mô hình ngâm tắm lá thuốc nam gắn với du lịch cộng đồng của người Dao đỏ tại thôn Sải Duần. (Ảnh:TL). |
Gần đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm CIRUM và sự ủng hộ của chính quyền xã Phìn Ngan, mô hình ngâm tắm lá thuốc nam gắn với du lịch cộng đồng của người Dao đỏ tại thôn Sải Duần đã mang lại hiệu quả cao, mở ra định hướng mới về việc phát triển du lịch cộng đồng tại xã vùng cao Phìn Ngan. Từ đó, tạo sinh kế cho đồng bào Dao đỏ nơi đây.
Với tổng kinh phí 440 triệu đồng , mô hình được đi vào hoạt động với quy mô 4 phòng, 6 thùng tắm và phòng nghỉ được bố trí dành cho những khách có nhu cầu nghỉ dưỡng tại đây và tham gia các hoạt động cộng đồng với bà con trong thôn.
Tham gia vào mô hình, chị Lý Thị Cói phấn khởi nói: “Sau khi đưa vào vận hành, bước đầu mô hình đã phát huy hiệu quả, doanh thu từ dịch vụ này khoảng 40-50 triệu đồng. Đời sống của chúng tôi được nâng cao rõ rệt”.
Mô hình tắm lá thuốc người Dao gắn với du lịch cộng đồng là một sự khởi đầu rất ấn tượng cho nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương về định hướng phát triển các dịch vụ có thu nhập gắn với quản lý tài nguyên thiên nhiên. Dần hình thành, đưa những bài thuốc nam trở thành sản phẩm hàng hóa, vừa bảo tồn và phát triển đời sống văn hóa, kinh tế của đồng bào Dao đỏ. Từ đó người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế như trên, xã Phìn Ngan cũng hỗ trợ những già làng trưởng bản, những người uy tín trong thôn thành lập câu lạc bộ cho những người có mong muốn tìm hiểu về văn hóa, về lễ cúng rừng của dân tộc Dao đỏ, nhất là thế hệ trẻ.
Tham gia câu lạc bộ, họ sẽ được hiểu rõ hơn về tục thờ thần rừng của dân tộc mình. Đồng thời, cùng nhau trao đổi, đưa ra các biện pháp trong việc tuyên truyền, vận động những người dân trong thôn bản hiểu rõ hơn về ý thức trồng rừng, bảo vệ rừng, nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc mình.
"Nhờ tham gia vào câu lạc bộ, tôi đã hiểu rõ hơn về nét văn hóa được lưu truyền qua nhiều thế hệ của dân tộc mình. Là một người trẻ, tôi thấy bản thân mình cần phải có ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ những nét văn hóa truyền thống đó, nhất là nghi lễ cúng thần rừng. Tôi sẽ chia sẻ đến mọi người những kiến thức tôi đã học được để cùng nhau bảo vệ rừng và lưu giữ nghi lễ cúng rừng của dân tộc mình", anh Chảo A Phin, thành viên câu lạc bộ khẳng định.
Hải Giang