Dân tộc Chu Ru còn có tên gọi là Chu Ru, Chơ Ru, Choru, Kru, Ru, Thượng. Tiếng Chu Ru thuộc ngữ hệ Mã Lai – Nam Ðảo. Tại Lâm Ðồng, dân số Chu Ru có khoảng 17.000 người, cư trú tập trung ở xã Tu Tra (huyện Ðơn Dương), một số xã thuộc huyện Ðức Trọng và một số ít sống rải rác ở một số xã thuộc huyện Di Linh. Hiện nay, người Chu Ru ở Lâm Đồng vẫn còn giữ được nét bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Nét văn hóa riêng biệt
Từ xưa, người Chu Ru ở nhà sàn, ở dưới sàn thường là nơi chất củi. Mỗi gia đình có nhà trên để ở, nhà dưới làm nhà bếp và nối với nhau bởi một cái Lơnhan (giống như thang).
Nếu như trước kia thức ăn của người Chu Ru được nấu trong ống tre ống nứa, thì nay họ dùng nồi đất, nồi đồng và nồi gang thay thế. Canh là món rau được trộn với gạo người ta gọi là pàj. Món được họ coi là món hiếm là Cơ lí M’xắp (da trâu, bò muối) bởi chỉ khi làm lễ ăn trâu mới có món này và được mọi người rất thích ăn.
Trước đây người Chu Ru thường tự chế tạo các vật dụng phục vụ đời sống thường ngày. Đàn ông đan gùi, nơm đó, phụ nữ đan nia, sàng sảy gạo, túi đựng cơm. Ngoài ra, một số làng vẫn chế tác được nhẫn bạc để dùng và trao đổi.
Trang phục người Chu Ru có nhiều nét tương đồng với người Cơ Ho và người Mạ ở Lâm Đồng (Ảnh: TL). |
Nét riêng biệt trong văn hóa của người Chu Ru được thể hiện trong cách ăn mặc. Mặc dù cộng đồng người Chu Ru không có nghề dệt nhưng từ hàng trăm năm trước, họ đã sử dụng chất liệu, các loại vải là sản phẩm dệt của người Chăm, của người Cơ Ho, tự biến tấu theo kiểu dáng truyền thống ăn mặc của dân tộc mình. Do đó, trang phục truyền thống của người Chu Ru rất đặc trưng.
"Trang phục của người Chu ru kết hợp trang phục của người Cơ Ho và người Chăm. Khăn trắng, khăn choàng trắng, mũ trắng - màu trắng là của người Chăm. Còn màu đen và màu nâu là của người Cơ Ho. Hoa văn trên váy là ảnh hưởng của người Cơ Ho", ông Đặng Huệ Trí, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Đơn Dương cho biết.
Do trình độ phát triển xã hội còn thấp, người Chu Ru tin rằng mọi mặt đời sống của mình đều có thế lực siêu nhiên quyết định nên Yàng (Pô) luôn chiếm vị trí tối cao trong lòng của họ như Yàng Lơ hú (thần đất), Yàng Kơh (thần dốc), Yàng Chơk (thần núi),...
Người Chu Ru còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán như việc thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Tùy theo kinh tế của mỗi gia đình, dòng họ, Lễ cúng tổ tiên (pơ thi mó cay) không có ngày tháng nhất định để tổ chức. Họ chỉ lập bàn thờ và tiến hành nghi lễ vào một dịp nào đó ngoài nghĩa địa (kốt a tâu).
Người Chu Ru ở Lâm Đồng đa số là làm ruộng nên các nghi lễ nông nghiệp ở đây được tiến hành vào các khâu làm ruộng như cúng thần đập nước (Bơ mung), thần mương nước (Rơ vọak) để ăn mừng lúa mới, cúng sau mùa gặt. Đáng chú ý nhất là lễ cúng thần Bơ mung. Trong mỗi vùng cư trú có một nơi dành riêng để thờ cúng vị thần này. Hàng năm, khoảng tháng hai âm lịch, tất cả mọi người trong làng đều đến đấy làm lễ cúng. Dân làng thường cúng bằng dê, còn chủ làng thường phải cúng bằng trâu hoặc bò.
Trong đời sống sinh hoạt, người Chu Ru có một kho tàng ca dao, tục ngữ (Pơ đik, pơ đoa), câu đố, truyện cổ tích (T’rơ can) phong phú, phản ánh cuộc sống sinh hoạt cũng như phong tục tập quán, chủ yếu được lưu truyền bằng miệng. Bên cạnh đó, còn có những nhạc cụ đặc sắc như trống, kèn (rơkel), đồng la (săl), r’tông, kwao, tenia... Trong những ngày vui, họ thường tấu nhạc với điệu Tam - nha, một vũ điệu điêu luyện mang tính cộng đồng, hầu như người nào cũng biết và ưa thích.
“Tu sửa nội tâm” là yếu tố then chốt
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa dân tộc Chu Ru có cơ hội hội nhập và giao lưu với nền văn hóa của các dân tộc khác để làm giàu và khẳng định bản sắc riêng của mình. Tuy nhiên, đây cũng chính là giai đoạn mà các giá trị văn hóa của dân tộc Chu Ru đối diện với nguy cơ mai một, mất đi.
Hiện tượng tín ngưỡng đa thần trước đây vốn được người Chu Ru thờ cúng một cách rất nghiêm túc. Song, đến nay, một số tôn giáo đang phát triển sâu rộng trong vùng người Chu Ru ở tỉnh Lâm Đồng. Nhiều nghi lễ cúng bái đã bị bỏ, có chăng cũng là một lễ hội được tổ chức có sự sắp xếp và dàn dựng, không còn cái hồn, không còn cái gốc rễ. Duy chỉ còn một nghi lễ quan trọng mà cho đến nay dân tộc Chu Ru vẫn tiến hành là pơ thi ơ tau.
Các nghi lễ trong cưới hỏi và tang ma cũng mất đi những giá trị tinh thần. Các nghi thức hiện nay hầu như tổ chức gần giống với phong tục người Kinh.
Trước đây, ơ khantơ rơ can và H’ri in đậm trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày của mỗi người Chu Ru ngay từ khi còn nhỏ, nhưng nay H’ri, Ơ khan chẳng còn hiện hữu bên cạnh bếp lửa bập bùng trong căn nhà sàn ấm cúng, thay vào đó là tivi với những chương trình hấp dẫn. Điều kiện kinh tế, xã hội thay đổi, văn hóa của người Chu Ru đang bị pha trộn, lai căng. Văn học dân gian cũng là một trong những yếu tố văn hóa đang dần bị biến mất...
Có thể nói rằng, chính những nguy cơ trên đã đặt ra một thách thức lớn cho cộng đồng Chu Ru cũng như các tổ chức, các cấp, ban, ngành.
Vũ điệu Arya được các bạn trẻ dân tộc Chu Ru biểu diễn (Ảnh: TL). |
Thực tế cho thấy, thời gian qua đã có nhiều nghệ nhân lưu giữ và tâm huyết truyền dạy cho thế hệ trẻ để bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của người Chu Ru. Điển hình như nghệ nhân ưu tú Touneh Ma Bio thôn Diom A, xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương). Được biết đến là “nữ chúa” hồi sinh vũ điệu Arya quyến rũ, bà đã có gần 20 năm bảo tồn, truyền dạy những bài dân ca, điệu múa, chơi các nhạc cụ của dân tộc Chu Ru.
Bên cạnh đó, ngành Văn hóa Lâm Đồng cũng có nhiều việc làm thiết thực nhằm gìn giữ, bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Chu Ru; kịp thời ngăn chặn thực trạng trang phục truyền thống họ đang ngày bị mai một, biến dạng, xa rời nguyên gốc.
Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu chính là tu sửa nội tâm, vì có cố gắng gìn giữ, bảo tồn, phát huy nhưng không còn ai muốn thưởng thức, kế nhiệm.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu văn hóa cũng đã đưa ra một số giải pháp. Trước hết, cần có chính sách đặc thù để gắn giáo dục với văn hóa truyền thống của người Chu Ru.
Đồng thời, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Đưa vào chương trình giáo dục phổ thông đặc biệt là hệ thống các trường dân tộc nội trú các vấn đề về văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa sự phát triển của tôn giáo và việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Chu Ru ở Lâm Đồng.
Ngoài ra, cần có những cơ chế, chính sách để phát triển du lịch văn hóa bản làng, du lịch sinh thái, đưa việc giữ gìn và phát triển bền vững văn hóa dân tộc Chu Ru vào trong cuộc sống, để các giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng được phát huy bền vững.
Hải Giang