Xã Cao Minh là địa phương có hơn 60% hộ là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm qua, đời sống đồng bào đã có nhiều đổi thay, song người dân nơi đây vẫn lưu giữ được nét văn hóa, phong tục của dân tộc mình. Đây cũng là xã tiêu biểu của huyện trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Tự hào về những giá trị truyền thống
Đối với người Mông ở Cao Minh, phong tục đón Tết là nghi thức luôn được họ giữ gìn, phát huy hiệu quả. Người Mông luôn truyền dạy lại cho con cháu, những thế hệ sau về phong tục thờ cúng tổ tiên cũng như văn hóa vui xuân.
Người Mông không cúng ông Công, ông Táo vào 23 tháng Chạp. Việc dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ phải đúng vào ngày 30 Tết mới được thực hiện. Mang ý nghĩa chia tay năm cũ, chào mừng năm mới đến, mỗi gia đình sẽ dán giấy đỏ trang trí ở bàn thờ tổ tiên, trước cửa nhà và tại các chuồng nhốt gia súc, gia cầm.
“Tết của người Mông thường kéo dài trong nhiều ngày. Từ ngày mùng 1 Tết đến hết tháng Giêng có rất nhiều lễ hội, trò chơi dân gian được nhiều người tham gia như thổi khèn, chơi quay, đẩy gậy, bắn cung...”, bà Lục Thị Phương, Phó Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Tràng Định thông tin.
Người Mông xã Cao Minh thường xuyên truyền dạy kỹ thuật thêu thổ cẩm truyền thống cho thế hệ trẻ (Ảnh: TL) |
Bên cạnh phong tục đón Tết thì nghi lễ giải hạn - nối số của cộng đồng người Mông đen nơi đây cũng là phong tục tập quán truyền thống rất quan trọng trong đời sống tâm linh. Nghi lễ được tổ chức với ước mong tổ tiên, thần linh chứng giám phù hộ cho dân bản sức khỏe dồi dào, những điều tốt đẹp, may mắn, bình an.
“Để thực hiện nghi lễ giải hạn - nối số, gia chủ sẽ đến nhờ thầy mo trong bản để chọn ngày lành tháng tốt. Sau đó chuẩn bị đầy đủ các lễ vật bao gồm: Gà luộc, gạo, rượu, thịt lợn đã được luộc chín cùng hoa quả, bánh kẹo, tiền vàng mã... Đặc biệt là cây chuối non nối số với ý nghĩa tượng trưng cho sự trường sinh. Đến ngày lành, gia chủ cử người đến đón thầy mo về làm lễ và mời đủ họ hàng trong bản đến dự”, thầy mo Vi Văn Thởi, xã Cao Minh cho biết.
Ngoài việc phát huy những nghi lễ truyền thống, người Mông trong xã Cao Minh còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc như: làn điệu dân ca Slỷ Ná Mẻo; trang phục thổ cẩm với màu sắc thiên về màu chàm và đen; kỹ năng nấu rượu, làm khèn lá, sáo bốn lỗ; kỹ năng thêu thùa và làm trang phục truyền thống cùng các món ẩm thực như: rượu men lá, thịt treo gác bếp và những trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, ném pao, múa khèn…
Trong trang phục truyền thống của dân tộc Mông, chị Trịnh Thị Đối, thôn Khuổi Làm, xã Cao Minh đang thêu trang phục truyền thống. Dưới bàn tay khéo léo của mình, từng mũi kim, đường chỉ của chị đã tạo nên những họa tiết, hoa văn độc đáo rất đẹp mắt…
“Trước đây, tôi cũng không biết cắt may trang phục dân tộc, nhưng khi về làm dâu, tôi được mẹ chồng dạy cách làm trang phục truyền thống để mặc vào các dịp lễ, tết. Tôi rất vui khi tự tay làm được những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình cho các thành viên trong gia đình”, chị Đối phấn khởi nói.
Mặc dù mới chỉ 10 tuổi nhưng em Dương Thu Huế, thôn Khuổi Làm đã được bà hướng dẫn cách thêu thùa, làm trang phục. “Hàng ngày, bà thường nói tiếng dân tộc, dạy em thêu thùa trang phục. Ngoài thời gian đi học, lúc rảnh em tự học thêu, may, học cách làm trang phục dân tộc. Em sẽ cố gắng học để tự tay làm được bộ trang phục truyền thống cho mình”, Huế chia sẻ.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc
Bà Trịnh Thị Khén, thôn Khuổi Làm tâm sự: “Hiện nay, quần áo được may sẵn bày bán nhiều và đẹp mắt nên thế hệ trẻ không còn muốn làm trang phục truyền thống nữa. Đây là điều chúng tôi lo lắng, sợ rằng trang phục truyền thống sẽ dần mai một”.
Theo tìm hiểu, thôn Khuổi Làm là nơi có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hàng năm, người dân trong thôn thường xuyên được tuyên truyền, khuyến khích tự may thêu trang phục và mặc trang phục dân tộc trong những sự kiện như cưới, hỏi, lễ hội văn hoá diễn ra ở thôn, xã…
“Những người già trong thôn luôn cố gắng hết sức truyền dạy thường xuyên cho con cháu để chúng biết thêu thùa làm trang phục của dân tộc. Đây là cách lưu giữ và bảo tồn trang phục dân tộc của chúng tôi”, bà Khén chia sẻ thêm.
Lễ Giải hạn - nối số của đồng bào dân tộc Mông đen đến từ xã Cao Minh đã được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ảnh: TL) |
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã cũng quan tâm, chú trọng thực hiện đẩy mạnh nhiều giải pháp giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống như tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Đồng thời, phát huy sự tín nhiệm của người có uy tín trong tuyên truyền giữ gìn bản sắc, đưa công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Mông vào nghị quyết Đảng bộ xã.
Ngoài ra, xã còn chủ động đề xuất lên UBND huyện phục dựng một số làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, trình diễn trang phục của người Mông vào dịp lễ hội đầu xuân và các sự kiện.
Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, UBND xã đã chỉ đạo 7/7 thôn thành lập đội văn nghệ thường xuyên tập luyện, tham gia giao lưu, biểu diễn tại các sự kiện lớn ở trong và ngoài tỉnh như: Tuần văn hóa, thể thao, du lịch lần I, II, III của tỉnh; Ngày hội văn hoá dân tộc Mông tại Hà Giang, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội…
Đáng chú ý, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Mông đen đến từ xã Cao Minh đã tái hiện Lễ Giải hạn - nối số tại không gian làng dân tộc Mông để cầu mong hạnh phúc, bình an, may mắn tới tất cả mọi người. Qua đây cũng giúp nhiều dân tộc khác có cơ hội hiểu rõ hơn về phong tục tập quán truyền thống của đồng bào Mông xã Cao Minh.
Không chỉ vậy, năm 2020, UBND xã cũng đã khuyến khích bà con thành lập CLB khôi phục bản sắc và trang phục dân tộc Mông với 20 thành viên. CLB đã huy động nguồn lực xã hội hóa, vận động các hội viên khôi phục nghề làm trang phục truyền thống cũng như truyền dạy các làn điệu dân ca.
“Từ những cách làm trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống, người Mông ở Cao Minh đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại cơ sở”, ông Trịnh Thế Truyền, Chủ tịch UBND xã Cao Minh nhận xét.
Đươc biết, thời gian tới, Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Tràng Định sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống.
“Phòng cũng sẽ đặc biệt chú trọng nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm các hoạt động văn hoá của người Mông ở Cao Minh nhằm phát huy hơn nữa giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông”, Phó Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Tràng Định Lục Thị Phương nhấn mạnh.
Hải Giang