Nhằm mục đích sưu tầm, sáng tác và tiếp tục cải tiến, phát triển sao cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phục vụ công tác giáo dục cộng đồng, Câu lạc bộ (CLB) dân ca Nùng Dín đã được thành lập tại xã Nấm Lư. Đến nay, CLB phát triển được 18 thành viên, duy trì đều đặn sinh hoạt định kỳ hằng tháng.
"Kho tàng" có nguy cơ bị lãng quên
Người Nùng Dín ở Mường Khương vốn coi trọng dân ca của dân tộc, và dân ca trước đây đã ăn sâu vào máu thịt của đồng bào như một nét văn hóa đặc sắc và là niềm tự hào. Không những thế, dân ca Nùng Dín còn chứa đựng trong đó không chỉ những giá trị đạo đức, mà còn cả kinh nghiệm sống quý báu của người Nùng.
Người Nùng Dín lưu giữ dân ca bằng cách truyền miệng (Ảnh: TL) |
Ở huyện Mường Khương, ông Nùng Chản Phìn, nguyên Phó Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai được xem là “cây đại thụ” của những làn điệu dân ca Nùng Dín. Ông Phìn cho biết, các làn điệu dân ca Nùng Dín lưu truyền có 4 thể loại chính, gồm hát giao duyên, hát mâm cỗ, hát giao lưu và hát chính sự.
Dân ca Nùng Dín là sản phẩm trí tuệ của tập thể, của nhiều tác giả, qua các thế hệ nối tiếp nhau sáng tác và không ngừng hoàn thiện.
“Dân ca Nùng Dín ra đời từ nơi cư trú của làng bản. Âm điệu mang đặc trưng từng vị trí khu dân cư với 43 bài truyền thống từ xưa cho đến nay”, ông Phìn thông tin.
Tuy nhiên, dân tộc Nùng Dín không có chữ viết riêng, nên dân ca được truyền miệng qua các thế hệ. Đây chính là một trong những yếu tố khiến cho việc hát dân ca Nùng Dín tại các thôn bản bị mai một, giảm dần.
Bên cạnh đó, những người không biết hát dân ca của dân tộc mình chiếm đa số. Còn những người biết hát thì cũng cao tuổi, bệnh tật, già yếu nên không hát được nữa hoặc bỏ lâu, quên lãng. Do đó, số người biết nhiều bài dân ca dân tộc Nùng Dín ngày càng hiếm.
“Hiện nay, lớp người lớn tuổi thuộc và hát được những làn điệu dân ca cổ đã không còn nhiều, thế hệ trẻ thì ít mặn mà với dân ca. Nếu không sưu tầm, tổ chức và họp mặt lại những người biết hát đang còn sống thì sẽ bị mai một những làn điệu dân ca Nùng Dín”, ông Hoàng Sín Hòa, thôn Cốc Chứ, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương bày tỏ.
Có thể nói, dân ca Nùng Dín là một kho tàng rất phong phú, nhiều bài, nhiều thể loại, từ các bài cổ cho đến các bài mới. Cùng với sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, khoa học kỹ thuật phát triển, các phương tiện nghe nhìn ngày càng tiên tiến và phổ biến ở nhiều vùng miền, giống như một số loại dân ca khác, dân ca Nùng Dín đang có nguy cơ thất truyền, lãng quên.
Để câu hát còn vang mãi
Các chuyên gia bảo tồn văn hóa dân tộc cho rằng: Bảo tồn, phát huy dân ca Nùng Dín không chỉ là tâm huyết, là trách nhiệm của các thế hệ đi trước với các thế hệ mai sau, mà đây còn là trách nhiệm của các thế hệ con cháu và toàn xã hội.
Với ông Hoàng Sín Hòa, ngay từ khi còn bé, những làn điệu dân ca Nùng Dín đã thấm nhuần vào trong tâm hồn. Ông luôn mang trong mình nỗi trăn trở về sự mai một thất truyền nét văn hóa này.
Ông Hòa tâm sự: "Nhóm Nùng Dín chúng tôi có một kho tàng về dân ca Nùng Dín rất phong phú, rất hay, nếu để mai một thì đó là điều khiến chúng tôi ân hận nhất. Là người vô cùng yêu thích dân ca Nùng Dín, tôi biết rằng gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, đừng cho nó hòa tan, mai một là điều quan trọng".
Nhận thấy trách nhiệm của bản thân trong việc lưu giữ và bảo tồn dân ca Nùng Dín, ông Hòa kiên nhẫn sưu tầm, ghi chép từng làn điệu dân ca, sau đó vận động, thu hút lớp người cao tuổi và trung niên biết hát dân ca cổ tại địa phương thành lập CLB dân ca Nùng Dín do chính ông làm chủ nhiệm, nhằm mục đích sưu tầm, sáng tác và tiếp tục cải tiến, phát triển sao cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phục vụ công tác giáo dục cộng đồng.
Ông Hoàng Sín Hòa dạy các cháu thiếu niên, nhi đồng học dân ca Nùng Dín (Ảnh:TL) |
Đến nay, CLB dân ca Nùng Dín có 18 thành viên, duy trì đều đặn sinh hoạt định kỳ hằng tháng. Bên cạnh đó, CLB vẫn thường tổ chức các lớp học hát dân ca tại các thôn vào một buổi tối mỗi tuần, số người biết, thuộc dân ca Nùng Dín ngày càng tăng lên.
Chị Thèn Thị Hướng, thôn Cốc Chứ, xã Nấm Lư, phấn khởi cho biết: "Khi được tham gia vào các buổi học dân ca Nùng Dín, tôi rất tự tin, yêu thích lời ca, tiếng hát dân tộc mình và cảm thấy rất tự hào vì được góp phần gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc. Tôi cũng sẽ cố gắng truyền đạt lại văn hóa dân tộc mình cho con em, người thân".
Được sự động viên, khích lệ của chính quyền địa phương, ông Hòa cùng một số thành viên CLB đến từng thôn, bản và liên kết với các trường tiểu học, THCS trên địa bàn để tổ chức các lớp học dân ca cho lớp trẻ thanh thiếu niên, nhi đồng. Từ đó, giúp thế hệ trẻ thêm yêu mến và tự hào về nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.
“Tôi muốn các cháu hiểu được dân ca Nùng Dín, nhằm giáo dục trẻ tính nhân văn của dân ca, từ thời ông cha xưa đã có, ra đời từ lao động, sáng tạo của đồng bào, chứ không có một nhạc sĩ chuyên nghiệp nào cả”, ông Hòa chia sẻ.
Nếu như trước đây, toàn xã chỉ có 4 thôn có người biết hát dân ca cổ thì đến nay đã có 11/11 thôn đã có người biết hát dân ca Nùng Dín, và những làn điệu hát giao duyên gần như đã bị thất truyền dần khôi phục.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền xã Nấm Lư, mỗi năm một lần, cứ vào tháng 10 dương lịch, CLB dân ca Nùng Dín lại tổ chức hội thi hát dân ca, tạo cơ hội cho người dân được giao lưu, học hỏi, được thể hiện và thưởng thức làn điệu dân ca của dân tộc mình. Đặc biệt, những nội dung mang tính giáo dục cao luôn được lồng ghép trong các hội thi một cách khéo léo.
Cũng theo ông Hoàng Xín Hòa, dân ca phải luôn được bổ sung, cải tiến để theo kịp thời đại. Những câu dân ca với nội dung cổ quá thì người học lại không hiểu được. Do đó, những chính sách pháp luật cơ bản như Luật Hôn nhân Gia đình, đất đai, phòng trừ mê tín dị đoan... đều được những thành viên trong CLB chuyển thể sang thành những bài hát dân ca và truyền đạt lại cho người dân, rất dễ thuộc, không cần ghi chép mà nhớ lâu.
"CLB dân ca Nùng Dín luôn được huyện, tỉnh đánh giá cao, có những đóng góp không nhỏ trong việc lưu giữ và bảo tồn các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc. Nhờ có các hoạt động của CLB mà hầu hết trẻ em dân tộc Nùng Dín nơi đây đều biết hát dân ca dân tộc mình. Thời gian tới, xã sẽ đưa thêm nhiều chính sách hỗ trợ các nghệ nhân sưu tầm, truyền dạy dân ca dân vũ cho lớp trẻ để việc bảo tồn và phát huy dân ca Nùng Dín thuận lợi và đạt kết quả cao hơn nữa", đại diện Đảng ủy xã Nấm Lư khẳng định.
Hải Giang