Dân tộc Khmer có lịch sử lâu đời với đời sống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, được thể hiện qua tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, nghi lễ trong hôn nhân, tang ma, thờ cúng, quy ước, hương ước của các loại hình dân gian...
Tinh hoa văn hóa
Ngoài cái chung của người Khmer Nam Bộ, người Khmer ở Sóc Trăng còn giữ nhiều nét riêng của địa phương như âm điệu của ngôn ngữ, một số tập quán... như đua ghe ngo vào dịp lễ Óoc Om Bóc ở sông Như Gia (Thạnh Trị), tục cúng dừa ở vùng Khmer Mỹ Tú, tục cúng biển ở vùng Khmer Vĩnh Châu.
Lễ hội đua ghe ngo độc đáo của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng (Ảnh: TL) |
Cùng với quá trình cộng cư, ở Sóc Trăng, Phật giáo Nam Tông từ lâu đã mang dấu ấn đậm nét trong tâm linh của cộng đồng. Đối với người Khmer, ngôi chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, mà còn được xem là “trung tâm văn hóa - xã hội”, là “ngôi nhà chung” của đồng bào dân tộc.
“Người Khmer xem chùa là nơi thiêng liêng, trang trọng, nơi tập trung những gì tinh túy nhất của dân tộc. Đây là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng trong sinh hoạt của phum, sóc cũng như suốt cuộc đời con người: lễ Sene Đônta, lễ Óoc Om Bóc, tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Phật Đản, lễ An cư Kiết hạ, lễ Rằm tháng Giêng âm lịch, lễ Dâng y”, ông Sơn Lương, nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Nam Bộ cho biết.
Đặc biệt, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng hiện đang kế thừa một di sản văn hóa vô giá, đó là kho tàng nhạc khí dân tộc mang đặc trưng văn hóa của người Khmer, trong đó có nghệ thuật Chầm riêng chà pây (chầm riêng nghĩa là hát, chà pây tức là cây đàn chà pây), một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có từ lâu đời. Đây là loại hình nghệ thuật độc xướng với đàn chà pây đệm theo.
Bên cạnh đó, các thể loại múa, hát cũng được người Khmer Sóc Trăng gìn giữ. Trong đó, múa rom vong (hay múa lâm thôn) có vị trí quan trọng trong các cuộc sinh hoạt tập thể, gắn với cuộc sống đời thường, gắn với các lễ hội cổ truyền của dân tộc Khmer như: Chôl Chnăm Thmây, Sene Đônta, lễ Óoc Om Bóc... Năm 2019, múa rom vong đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Sơn Lương, trong xu thế toàn cầu hóa gia tăng, bản sắc văn hóa dân tộc Khmer đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Hiện nay, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của người Khmer còn có những hạn chế, bất cập.
Thứ nhất, việc tổ chức sưu tầm, biên soạn, giới thiệu nét văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, do thiếu nhân sự chuyên nghiệp và kinh phí hoạt động. Một số loại hình nghệ thuật truyền thống như Dù Kê, Rô Băm có nguy cơ bị mai một do lớp trẻ ngày càng tiếp nhận các loại hình nghệ thuật hiện đại.
Thứ hai, việc học tập, sử dụng và phát triển ngôn ngữ, chữ viết Khmer gặp nhiều khó khăn, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy có tăng về số lượng, nhưng chất lượng còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc dạy và học chữ Khmer còn nhiều bất cập cả về chương trình, tài liệu học tập, cách thức giảng dạy...
Thứ ba, trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, nhiều sắc thái văn hóa có giá trị chưa được chú ý khôi phục, thường chỉ chú trọng về hình thức và nghi lễ tôn giáo, song chưa chú ý đúng mức đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong lễ hội.
Cuối cùng, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc có xu hướng chạy theo phong trào, hình thức, khẩu hiệu, rập khuôn chưa có chiều sâu. Trong khi đó, người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Người trẻ Khmer giữ gìn văn hóa
Trong khi ở nhiều địa phương, lĩnh vực bảo tồn văn hoá nghệ thuật truyền thống đang cần nhân lực trẻ thì tại tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều thanh niên vừa tham gia vừa biểu diễn văn nghệ, vừa tập luyện các điệu múa truyền thống đăng tải lên các trang mạng xã hội nhằm lan tỏa tình yêu văn hoá dân tộc.
Các bạn trẻ dân tộc Khmer tập múa tại chùa Khleang (Ảnh: TL). |
Những năm qua, trước khi có dịch Covid-19, cứ đến thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, những thanh niên người Khmer ở Sóc Trăng lại hẹn nhau cùng tập luyện bài hát, điệu múa và ghi hình tại các chùa: Khleang, Som Rong, Tum Núp, Maha Túp, Sà Lôn,…
Được biết, vào mỗi dịp lễ hội, nhóm múa thường xuyên biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân. Đặc biệt, nhóm múa đã tập quay clip để đưa lên mạng xã hội và kênh YouTube bằng tài khoản cá nhân “LeeHool” để đưa văn hóa dân tộc mình đến gần hơn với mọi người. Ngoài ra, nhóm múa còn thường xuyên đi biểu diễn cho các chùa nhân dịp Chôl Chnăm Thmây, Sene Đônta, lễ Dâng y, khánh thành chính điện,…
“Lúc nhỏ, nhìn thấy các anh chị biểu diễn nghệ thuật Khmer, tôi rất thích. Tôi thường tập theo những động tác múa này. Khi đang học phổ thông, nhà trường thường xuyên tổ chức những hoạt động văn hóa văn nghệ đã tạo điều kiện cho tôi được tham gia, biểu diễn những động tác múa, những bài hát đặc trưng của dân tộc mình”, anh Lý Hằng (huyện Thanh Trị), trưởng nhóm múa Khmer tâm sự.
Cùng chung niềm đam mê với các điệu múa dân tộc, em Thạch Thị Mỹ Hồng Dung - thành viên nhóm múa chia sẻ: “Em biết múa, hát tiếng Khmer từ khi còn chưa biết đọc, biết viết, nhờ những lần bà dẫn lên chùa xem múa hoặc em học theo các chương trình văn nghệ bằng tiếng Khmer trên đài. Những lời ca điệu múa thân quen như hơi thở cuộc sống của em. Càng yêu văn hóa Khmer bao nhiêu, em lại càng muốn giữ gìn và giới thiệu những nét đẹp truyền thống của dân tộc đến với mọi người…”.
Đến nay, nhóm bạn trẻ nhận được nhiều lời khen và động viên tinh thần để tiếp tục cho ra đời các sản phẩm mới, vừa giữ được nét truyền thống, vừa biến tấu, sáng tạo để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Các điệu múa này được những người am hiểu văn hóa Khmer đánh giá chuẩn mực về nội dung và nghi thức của nghệ thuật văn hoá dân tộc. Đáng chú ý, nhóm thanh niên trẻ đã thu hút được hơn 20 thành viên tham gia, thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang...
“Để giữ lửa cho văn hoá truyền thống, Hội Đoàn Kết sư sãi yêu tỉnh Sóc Trăng sẽ phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc tạo điều kiện cho các nhóm nhạc trẻ biểu diễn thường xuyên tại các chùa nhằm lan toả giá trị văn hoá truyền thống, đồng thời tìm kiếm nguồn lực cho việc bảo tồn văn hoá dân tộc”, Hoà thượng Thạch Huôn, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Prey Chóp, thị xã Vĩnh Châu khẳng định.
Song, để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer đòi hỏi chính quyền địa phương cần thực hiện những giải pháp thiết thực góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã mở những lớp dạy múa rom vong cho các thế hệ tiếp nối như ở Trung tâm Văn hóa, thư viện, tổ chức lớp múa sinh hoạt cộng đồng dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng tại Bảo tàng và Trung tâm Văn hóa Triển lãm Hồ Nước Ngọt. Bên cạnh đó, tỉnh còn thành lập được Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng và đã tham giao lưu biểu diễn ở nhiều nơi.
“Tới đây, nhằm nâng cao trình độ dân trí, dạy và học tiếng Khmer, tỉnh sẽ chú trọng đưa chữ viết Khmer vào chương trình giảng dạy các trường học. Đồng thời, quan tâm phát triển văn hóa trong đồng bào dân tộc Khmer để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào”, đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.
Hải Giang