Múa rối cạn của người Tày có ở nhiều nơi, nổi tiếng nhất là ở thôn Thẩm Rộc, xã Bình Yên và thôn Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Cách đây hơn 200 năm, cụ tổ Ma Công Bằng đã khai sinh ra nghề rối cạn. Đến nay, nghề rối ở Thẩm Rộc vẫn được dòng họ Ma duy trì. Đây là môn nghệ thuật độc đáo, thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc Tày.
Nghệ thuật dân gian độc đáo
Múa rối cạn hay còn gọi là rối que thường được người Tày biểu diễn vào dịp đầu năm, trong ngày lễ Lồng tồng (lễ xuống đồng). Không chỉ mang mục đích mua vui, mà rối que còn thể hiện ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, ước nguyện về cuộc sống yên bình và vinh danh sự đỗ đạt học vấn của người dân.
Múa rối cạn là môn nghệ thuật độc đáo, thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc Tày (Ảnh: TL) |
Nét độc đáo của nghệ thuật này chính là cách thức làm ra con rối. Để tạo ra một con rối cỡ trung bình, các nghệ nhân cần thời gian từ 2 - 3 ngày, trải qua các công đoạn như lựa chọn vật liệu, tạo hình bằng tay, phơi khô, sơn màu và may quần áo cho nhân vật. Vật liệu làm rối thường bằng gỗ thừng mực - một loại cây thân gỗ phổ biến ở miền núi, vừa dễ chế tác lại không bị mối mọt.
"Trước tiên gỗ, phải có đặc tính nhẹ và phải có độ bền, nên phường rối chúng tôi thường chọn loại gỗ thừng mực. Gia đình tôi làm nghề mộc nhưng việc tạc các con rối cũng phải có năng khiếu, phải có mắt thẩm mỹ để nhìn vào điểm cao điểm thấp, tạc hình hài của con rối", ông Ma Quang Nhanh, trưởng tộc dòng họ Ma Quang cho biết.
Cũng theo ông Quang, dụng cụ biểu diễn rối que gồm một tấm phông căng lên làm sân khấu, một bộ rối, thêm chiếc đàn tính, cây sáo và một vài bài giáo. Trong khi các nam giới đảm nhận vai trò điều khiển rối, thì phái nữ trong thôn sẽ cất cao giọng hát và đọc lời thoại cho nhân vật. Đôi khi có người phải thủ đến 3, 4 vai một lúc.
“Khởi đầu bộ rối chỉ có 6 con, trong đó có 2 con rối nam và nữ. Theo thời gian, bộ rối phát triển thành 12 con rồi thành 33 con rối như ngày nay”, ông Quang cho biết thêm.
Với những động tác đơn giản nhưng thuần thục, các tiết mục múa rối đã tái hiện cuộc sống lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người dân như làm ruộng, leo cây… một cách khá sinh động, tạo nên một vở kịch độc đáo, hấp dẫn người xem.
Trước đây, múa rối cạn đã có thời có chỗ đứng quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào Tày. Các phường rối cạn được mời đi nhiều nơi để biểu diễn và ở đâu cũng được chào đón nồng nhiệt.
"Tôi biểu diễn ở phường rối đến nay đã hơn 20 năm rồi, nhưng vẫn cảm thấy yêu nghề. Múa rối khó nhất là làm sao biểu diễn cho thuần thục. Thời gian đầu cũng phải mất mấy năm học hỏi. Bây giờ chỉ mong thế hệ trẻ tiếp tục học nghề để lưu giữ cho con cháu sau này", ông Ma Khắc Dũng, nghệ sỹ biểu diễn múa rối cạn chia sẻ.
Đau đáu trăn trở bảo tồn
Theo chia sẻ của ông Ma Quang Nhanh, do nhiều biến động, loại hình này gần như vắng bóng trong thời gian dài và phường rối của dòng họ mới được tái thiết lập từ năm 2000. Đây chính là một trong những dấu hiệu khôi phục của văn hóa trình diễn rối cạn.
Đáng chú ý, năm 2011, thực hiện đề án "Tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa" giai đoạn 2011-2015, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Định Hóa đã kết hợp với nhân dân thôn Ru Nghệ và thôn Thẩm Rộc nghiên cứu và phục hồi nghệ thuật đặc sắc này.
“Qua một thời gian, phường rối đã tổ chức các buổi tập luyện, khán giả tập trung đến nhà văn hóa thôn rất đông. Từ đó, phường rối thường xuyên biểu diễn, được nhân dân đón nhận nồng nhiệt”, ông Quang chia sẻ.
Các nghệ nhân tập luyện tập điều khiển con rối tại phường rối Thẩm Rộc (Ảnh: TL) |
Năm 2012, múa rối cạn chính thức được phục hồi. Nhằm ghi nhận giá trị của loại hình rối cạn ở Thẩm Rộc, xã Bình Yên và Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, năm 2015, Bộ VH-TT&DL đã công nhận múa rối cạn người Tày ở Định Hóa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sau khi được công nhận, rối cạn của người Tày thường xuyên được biểu diễn trong cộng đồng. Không những vậy, các nghệ nhân của phường rối còn từng đi biểu diễn ở khắp nơi như phố đi bộ Hà Nội, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô…
Bên cạnh đó, ngành Văn hóa cũng tích cực nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa này thông qua việc mở lớp truyền dạy trong câu lạc bộ, trong trường học, hỗ trợ nghệ nhân…
“Chúng tôi giờ đã luống tuổi, cũng đến lúc trao truyền nghệ thuật rối này cho con cháu”, nghệ nhân Ma Quang Nhanh tâm sự.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, múa rối cạn của người Tày ở Định Hóa vẫn đối mặt với nguy cơ bị mai một.
“Phải mất rất nhiều thời gian, công sức thì những người làm công tác văn hóa tỉnh Thái Nguyên mới phục dựng được rối cạn của người Tày ở Định Hóa. Song, hiện nay, loại hình này lại xuất hiện một số khó khăn thách thức”, bà Trần Thị Nhiên, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở VH-TT&DL tỉnh Thái Nguyên cho biết.
Trước hết, nghệ thuật rối cạn từ bao đời nay lưu truyền theo hình thức cha truyền con nối. Người dân cho rằng, con rối là hình tượng rất linh thiêng, cho nên khi người chết đi thường mang theo vì sợ ma hát (ma bắt) nên những người ngoài phường, ngoài dòng họ dù muốn cũng không dám học.
Bên cạnh đó, những nghệ nhân tài hoa, tâm huyết đã cao tuổi, trong khi lớp trẻ không có điều kiện hoặc không mặn mà với môn nghệ thuật này nữa.
Ngoài ra, hơn 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, các phường rối gần như không thể tập luyện hay biểu diễn. Chính điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý các nghệ nhân cũng như cộng đồng.
Đáng chú ý, trong công tác hỗ trợ nghệ nhân cũng vấp phải khó khăn. Đơn cử, tại phường rối thôn Thẩm Rộc có nghệ nhân Ma Quang Chóng rất tâm huyết với nghề nhưng bản thân ông lại không có nghề gì khác nên không có thu nhập. Thời gian qua, Sở VH-TT&DL tỉnh Thái Nguyên đã đề xuất cho ông Chóng hưởng hỗ trợ theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ nhằm giúp ông yên tâm hơn với rối cạn. Song, theo quy định của Nghị định 109 lại ràng buộc tính mức thu nhập cho cả gia đình, nên ông Chóng không đủ điều kiện thụ hưởng chính sách. Đây cũng chính là bấp cập lớn nhất hiện nay mà chưa có hướng giải quyết cụ thể.
Có thể nói, để nghệ thuật rối cạn của dân tộc Tày tiếp tục được duy trì và phát triển không chỉ cần sự nỗ lực của những nghệ nhân, những người tiếp nối trong dòng họ và ngành văn hóa địa phương, mà còn rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, chính quyền cần có sự quan tâm để các nghệ nhân yên tâm hơn nữa với múa rối cạn, luôn giữ được "lửa nghề" và "truyền lửa" cho thế hệ mai sau.
Hải Giang