Hàng ngàn năm trước, dân tộc Ê Đê đã có mặt ở miền Trung Việt Nam, sau đó di cư lên Tây Nguyên và tập trung ở tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đắk Nông, Gia Lai, Phú Yên. Đất định cư họ chọn dứt khoát phải đủ yếu tố như rộng và phẳng, đất làm rẫy, đất nhà mồ, rừng và đặc biệt là bến nước.
Từ ý nghĩa tâm linh đến ý thức bảo vệ sinh thái
Trong tín ngưỡng tâm linh người Ê Đê, cái ăn, cái mặc hay như tiếng cồng chiêng có thể thiếu nhưng chắc chắn phải có lễ cúng bến nước bởi họ nghĩ không có nước thì không thể sống được. Do đó, Thần nước được người Tây Nguyên thờ cúng long trọng và vô cùng linh thiêng.
Già làng Y Bang Byă ở buôn Ky, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nói: “Đây là một trong những nghi lễ rất quan trọng, mang linh hồn của dân tộc người Ê Đê”.
Già làng thực hiện Lễ cúng bến nước tại bến nước. (Ảnh:TL). |
Lễ cúng bến nước được diễn ra vào cuối tháng chạp. Họ dùng nước lấy từ bến để chế rượu cần thờ cúng và cũng tại đây thầy cúng khấn cầu xin Giàng cho nguồn nước trong lành, không bao giờ cạn. Mọi người uống nước này đều mạnh khỏe, làm ăn khá giả...
Để thực hiện nghi thức này, mọi người tích cực dọn dẹp, kiểm tra nguồn nước. Tại bến nước, ba ngày trước những người đàn ông tài giỏi của buôn làng tiến hành dựng cây nêu ở vị trí cao ráo trước nhà Rông, báo cho mọi người biết sắp đến ngày tổ chức lễ cúng, không được lấy nước tại đây. Theo phong tục, lễ cúng bến nước được diễn ra tưng bừng trong 3 ngày.
Ngày thứ nhất, cúng tại nhà chủ bến nước và bến nước. Lễ vật gồm 1 con heo đực đen, 7 ché rượu được buộc vào các cây cột thành một hàng dọc ở giữa ngôi nhà dài, trong đó có 3 ché rượu dùng để cúng bến nước, 2 ché cúng cho chủ nhà và 2 ché để đãi khách gần xa.
Ngày cúng thứ hai là ngày cấm buôn. Lễ vật bao gồm 1 con gà trống lông trắng, 1 ché rượu cần, sợi chỉ để buộc lông gà. Tại ngày này, cổng buôn được dân làng thiết lập bằng cách treo sợi dây có buộc lông gà, bông trắng và 1 chiếc vòng làm bằng tre. Cổng được đóng lại để báo cho khách gần xa và người dân biết, hôm nay trong buôn có việc cấm; cấm ra, vào, cấm gùi nước, cấm giặt giũ, cấm chẻ củi, người ngoài không được vào, người trong buôn không được ra, nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt theo luật tục.
Ngày thứ 3 là cúng mở cổng buôn; đây là nghi thức cuối cùng của lễ cúng bến nước. Lễ vật gồm 1 ché rượu cần, 1 con gà trống, khố, áo, khăn, khiên, đao, bầu nước, kiêng đồng, chén đồng, cuốc, hạt gạo đựng trong nia. Sáng sớm ngày thứ 3, thầy cúng, già làng, chủ bến nước ra mở cổng buôn, sau đó về nhà cúng báo với thần linh là nghi lễ cúng bến nước đã xong.
Sau lễ cúng bến nước, dân làng trở lại sinh hoạt bình thường. Người dân có thể giặt giũ, lấy nước để dùng, tưới cây… tại bến nước. Dù có làm gì nhưng người dân vẫn ghi nhớ một điều đó là luôn giữ cho nơi này được sạch sẽ, mạch nước luôn chảy tràn trề, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước, coi nguồn nước là báu vật của cả cộng đồng.
Mặc dù vậy, nghi lễ linh thiêng này cũng đứng trước nguy cơ bị mai một. Theo già làng Y Bang Byă, nỗi lo nhất là những bài tế lễ và nghi thức lễ nếu không được truyền lại đúng cách sẽ mai một ở thời cháu, con.
"Lũ trẻ bây giờ bị thu hút bởi cuộc sống nơi thành phố, chúng giao lưu với nhiều luồng văn hóa lắm. Mà thế hệ hiểu và nắm chắc nghi lễ này thì ngày càng già đi, yếu đi", già làng Y Bang Byă chia sẻ.
Cùng chung một nỗi lo, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nêu quan điểm: Do bị tác động nhiều yếu tố như nguồn nước ngày càng cạn kiệt, đời sống kinh tế của cộng đồng dân tộc người Ê đê còn khó khăn nên tiến hành được nghi lễ này cũng là điều khó khăn.
Đối với người Ê đê, một nguyên tắc nghiêm ngặt đó là không được phá khu rừng đầu nguồn, vì đây là khu rừng thiêng, nơi giữ nguồn nước, nơi trú ngụ của thần linh. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, rừng đang bị phá nghiêm trọng nên nguồn nước bị cạn kiệt, tất cả các bến nước của người Ê đê không đủ nước để phục vụ cho sinh hoạt cũng như cũng tế thần linh. Vì vậy, nếu không kịp thời phục dựng, bảo tồn, nghi lễ này đứng trước nguy cơ bị lãng quên.
Nỗ lực gìn giữ văn hóa
Hiện nay, không gian bến nước không còn thuộc sự sở hữu của cộng đồng làng nữa mà nó đã bị tư hữu hoá, hoặc nhóm cá nhân quản lý, cho nên muốn phục dựng nghi lễ này phải có không gian bến nước.
Bên cạnh đó là vấn đề kinh tế, đó là những hiện vật liên quan như con trâu, rượu cần, cồng chiêng… những hiện vật này tốn kém và ngày càng khan hiếm, vì vậy cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Thời gian qua, nhiều nghệ nhân và những người dân ở các buôn đã và đang giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Trong đó phải kể đến nghệ nhân Y Míp, đội trưởng nhóm chiêng buôn Kô Sia (phường Tân Lập, thành phố Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk).
Nghệ nhân Y Míp cho biết, tại các tour du lịch văn hóa - sinh thái, tụ điểm giải trí trên địa bàn Ðắk Lắk, ngoài việc phục vụ cồng chiêng, mỗi khi có nhu cầu, nhóm sẽ phối hợp với ngành văn hóa dàn dựng những lễ hội tiêu biểu của Tây Nguyên trong đó có lễ hội cúng bến nước.
Là một người tham dự lễ cúng bến nước, chị H’Su Juê H’Đơk buôn Kô Sia cho biết: "Qua lễ hội này giúp tôi hiểu thêm được nguồn gốc của nét văn hóa cha ông để lại. Ngoài ý nghĩa tâm linh, đây còn là biểu hiện sự coi trọng nguồn nước – sự sống của người Ê Đê. Bảo vệ nguồn nước chính là bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần chung tay bảo tồn nét đẹp văn hóa này”.
Người dân thôn Buôn Đung tập luyện nội dung tái hiện lễ cúng bến nước. (Ảnh:TL). |
Trên thực tế, nhiều địa phương ở Đắk Lắk đã rất nỗ lực để gìn giữ và bảo tồn lễ cúng bến nước. Như tại buôn Nur, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk, Đắk Lắk, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Búk thường xuyên phối hợp với UBND xã Pơng Drang tổ chức phục dựng Lễ cúng bến nước của đồng bào dân tộc Ê Đê.
Trong không gian văn hóa tín ngưỡng dân gian độc đáo đầy sắc màu, nghi lễ này được tái hiện nhằm cầu mong thần nước phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật trong buôn đều mạnh khỏe, không có bệnh dịch xảy ra.
Đặc biệt năm ngoái, tại Triển lãm Du lịch qua các miền di sản văn hóa Việt Nam năm 2020 do Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức, tỉnh Khánh Hòa đã được chọn là 1 trong 7 tỉnh, thành phố toàn quốc tham gia thực hiện các không gian văn hóa đặc trưng của địa phương mình.
Theo đó, tỉnh Khánh Hòa đã giao cho thôn Buôn Đung (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) tái hiện lại lễ cúng bến nước của đồng bào Ê đê. Tuy chỉ tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa và được gói gọn trong khoảng 60 phút nhưng cũng đầy đủ nghi thức cơ bản về lễ cũng bến nước, từ công đoạn chuẩn bị lễ cúng, phần cúng tế, đến phần hội với những màn hát múa đặc trưng của dân tộc Ê đê.
Ông Y Hy, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây cho biết, để có thể tái hiện một cách đầy đủ và chính xác các nghi thức cơ bản thì trước đó, người của trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã phải đi tới từng buôn làng, gặp từng già làng, thầy cúng để tìm hiểu kỹ những nghi thức chính trong lễ cúng bến nước. Sau đó tiến hành xây dựng kịch bản và hiệu chỉnh kịch bản để sao cho đúng với phong tục của đồng bào nhất.
“Việc sân khấu hóa lễ hội cúng bến nước là cách để có thể giới thiệu những nét độc đáo về một sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Ê đê đến người dân và du khách gần xa một cách sinh động nhất, nhằm góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của đồng bào Ê Đê”, ông Y Hy nói.
Hải Giang