Người Khơ Mú không có chữ viết nên những bài tơm chỉ được ông cha truyền miệng lại cho con cháu, các thế hệ cứ thế nối tiếp nhau. Người “ưng điệu tơm” thì mới tơm được, còn những người không có cái “ham”, cái “hứng” thì có học mãi cũng vậy...
Trăn trở của lớp người đi trước
Theo các già làng bản Na Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, các điệu hát tơm ra đời từ trong lao động sản xuất và đời sống sinh hoạt thường ngày của người Khơ Mú. Cùng với tiếng pí (một loại sáo), hình thức âm nhạc này từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ. Đó là làn điệu dân ca truyền thống của đồng bào dân tộc Khơ Mú. Những dịp vui của gia đình, làng bản và của nam thanh nữ tú luôn không thể thiếu những câu hát tơm.
Đồng bào Khơ Mú trong điệu tơm (Ảnh: TL) |
Cái hay của hát tơm là lời hát được ứng tác ngay trong lúc hát chứ không phải thuộc lòng từ trước. Còn cái khó của hát tơm nằm ở chỗ âm điệu. Cùng một lời nhưng muốn thể hiện được sắc thái và sự duyên dáng trong từng giai điệu thì chỉ những người có năng khiếu mới thể hiện được.
Một phần cũng vì thế mà trong các bản làng, số người hát tơm, thổi pí chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Bản Na Bè là nơi có đông người Khơ Mú sinh sống nhưng cũng chỉ còn khoảng 3 - 4 người biết hát tơm, thổi pí.
“Lớp trẻ bây giờ đến ngày lễ gì cũng mở các bài hát nhạc đập thình thịch để nhảy nhót. Chúng không đam mê với những câu hát của cha ông mình nữa. Mấy người già như chúng tôi thỉnh thoảng chỉ biết gọi nhau đến hát cho vui thôi”, ông Moong Văn Dung, bản Na Bè ngậm ngùi.
Trong số những nguời thổi khèn, pí thuộc hàng hay nhất bản Cha Ca, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn có ông Moong Văn Quang. Ông là người đứng đầu bản về khả năng sử dụng nhạc cụ dân tộc Khơ Mú.
Trước đây, ông Quang làm cán bộ thông tin tuyên truyền của Trung tâm Văn hóa huyện. Mỗi lần đi cơ sở, vào các bản làng Khơ Mú, ông được bà con đón tiếp nhiệt tình và yêu cầu biểu diễn liên tục, thậm chí nhờ ông dạy cách sử dụng khèn, pí. Song không mấy ai có đủ kiên trì để theo đuổi đến cùng, ngay cả con trai ông cũng vậy.
“Cái lo nhất hiện nay là lớp trẻ không muốn học cách sử dụng nhạc cụ của dân tộc mình, nguy cơ bị mai một, thất truyền thật khó tránh khỏi”, ông Quang tâm sự.
Ở bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn có nghệ nhân Moong Thị Lợi được xem là “cặp đôi hoàn hảo” với nghệ nhân Moong Văn Quang. Được đánh giá là người hát tơm hay nhất Kỳ Sơn nên trong các kỳ liên hoa văn hóa - văn nghệ cấp tỉnh, Đoàn Nghệ thuật quần chúng huyện Kỳ Sơn thường có tiết mục hát tơm do nghệ nhân Moong Thị Lợi biểu diễn và Moong Văn Quang đệm pí. Tiết mục của họ thực sự đã chinh phục được khán giả xa gần bằng sự mộc mạc, giản dị nhưng thấm đẫm bản sắc dân tộc.
Cũng như những nghệ nhân khác, bà Lợi cũng lo lắng mai đây sẽ không còn ai thích hát tơm, điệu tơm sẽ vắng dần trong các bản làng Khơ Mú. Các phương tiện hiện đại đã đến từng bản làng, mang theo những bài hát mà lớp trẻ hiện nay ưa chuộng.
“Theo quy luật của thời gian, nhiều nghệ nhân và những người biết hát tơm sẽ lần lượt về với tổ tiên. Nếu không giữ được điệu tơm, người Khơ Mú sẽ mất đi một phần cuộc sống tâm hồn, bởi điệu tơm là “điệu hồn”, là một phần máu thịt”, bà Lợi chia sẻ.
Khuyến khích người "truyền lửa"
“Phải nhanh chóng truyền dạy cho thế hệ trẻ, không thì những làn điệu hát tơm sẽ bị mai một và có thể biến mất trong đời sống của đồng bào. Bởi thế, khi còn có thể hát, tôi sẽ cố gắng hết sức để truyền dạy những gì tinh túy nhất của làn điệu hát tơm cho các thế hệ kế cận”, nghệ nhân Moong Thị Lợi nói.
Do đó, những năm qua, bà đã ra sức truyền dạy cho các con, các cháu của mình. Không chỉ vậy, bà còn tận tình hướng dẫn, truyền dạy làn điệu tơm cho con em đồng bào dân tộc Khơ Mú cùng những vốn văn hóa của dân tộc được bà chắt lọc, lưu giữ nhiều năm qua. Đến nay, con gái đầu là Cụt Thị Nhung có khả năng kế thừa được giọng hát của mẹ và thay bà truyền dạy điệu tơm cho các cháu.
Câu lạc bộ “Giữ gìn và phát huy làn điệu dân ca Khơ Mú” tại bản Huồi Thợ (Ảnh:TL) |
Theo nhiều bậc cao niên người Khơ Mú, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, đặc biệt truyền lại những điệu tơm cho đời sau là vấn đề đang được các cấp lãnh đạo nơi có đồng bào Khơ Mú sinh sống quan tâm.
Để bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Khơ Mú, những năm gần đây, huyện Kỳ Sơn đã xây dựng nhiều câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn văn hóa Khơ Mú, tạo nên các điểm cộng đồng thực hiện bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc.
Nổi bật có thể nhắc đến là CLB Bảo tồn văn hóa Khơ Mú bản Huồi Thợ (xã Hữu Kiệm) - nơi tập trung đông đảo đồng bào Khơ Mú sinh sống. Trước khi có dịch Covid-19, hàng tháng CLB đều tổ chức sinh hoạt, tập luyện hát múa và được nhiều bà con trong bản Huồi Thợ tham gia.
Là một thành viên CLB Bảo tồn văn hóa Khơ Mú bản Huồi Thợ, chị Mo Thị Nhung cho biết, từ bé chị đã học hát tơm từ mẹ. Lúc đầu, chị đi xem mẹ và mọi người biểu diễn rồi hát theo. Lớn lên, chị vừa học hát, vừa tự mình sáng tác và hát cho phù hợp.
“Những dịp Tết đến Xuân về phải có hát tơm thì mới vui. Nếu mình không học, thì sau này không có ai truyền lại cho con cháu mình”, chị Nhung nói.
Được biết, đội văn nghệ của CLB Bảo tồn văn hóa Khơ Mú bản Huồi Thợ luôn giành được những giải cao trong các hội thi cấp huyện, được chọn tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen do tỉnh tổ chức và được đến phục vụ Đại hội các dân tộc thiểu số toàn tỉnh…
Bên cạnh đó, ngành văn hóa tỉnh cũng tổ chức nhiều lớp truyền dạy hát tơm tại huyện Kỳ Sơn và mời nghệ nhân Moong Thị Lợi trực tiếp tham gia giảng dạy 4 lớp học với 100 học viên tham gia học tập. Song thời gian học còn ngắn, các học viên chưa thể hát điệu tơm được nhuần nhuyễn.
“Hy vọng ngành văn hóa tỉnh sẽ mở thêm nhiều lớp khác với thời gian dài hơn để các học viên có thể được học sâu hơn, hát nhuần nhuyễn hơn những điệu tơm truyền thống”, bà Lợi nêu ý kiến.
Theo đại diện Phòng Văn hóa, UBND huyện Kỳ Sơn, huyện cũng đã thực hiện nhiều đề án bảo tồn những giá trị văn hóa của người Khơ Mú nhưng hầu hết người Khơ Mú ở Kỳ Sơn lại sống ở những vùng hết sức xa xôi nên điều kiện để đầu tư là rất khó khăn.
“Thời gian tới, khi dịch bệnh được đẩy lùi, chúng tôi sẽ chú trọng thực hiện đề án bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đề án không chỉ bảo tồn những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Khơ Mú mà còn của các dân tộc khác đang sinh sống trên địa bàn huyện”, đại diện Phòng Văn hóa nhấn mạnh.
Hải Giang