Tủa Chùa là một trong số 62 huyện nghèo nhất nước, điều kiện về xã hội, tự nhiên gặp nhiều khó khăn. Nhưng những năm gần đây, lãnh đạo huyện đã vận dụng linh hoạt các chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm sớm đưa địa phương thoát nghèo, phát triển bền vững.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Nằm cách TP Điện Biên Phủ khoảng 130km về phía Đông Bắc, Tủa Chùa là huyện miền núi xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Huyện có diện tích hơn 68.000 ha, dân số gần 57.000 người, gồm 7 dân tộc anh em chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 70%.
Vùng đất này toát lên vẻ đẹp hút hồn của cao nguyên với những lớp lớp “măng” đá cùng sức sống mãnh liệt của người dân bản địa. Tuy nhiên, do địa bàn có nhiều núi đá, độ dốc lớn, thời tiết khắc nghiệt, nhất là mùa hè, đất sản xuất ít, nên tỷ lệ đói nghèo cao.
Từ bao đời nay, người dân bản địa trên cao nguyên đá Tủa Chùa (chủ yếu là dân tộc Mông) đã sống chung với đá, có kỹ thuật canh tác hốc đá và canh tác lúa nước vùng thung lũng.
|
Cuộc chiến chống đói nghèo của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Tủa Chùa trường kỳ trải qua nhiều năm, nhưng dường như chưa có một sức bật lớn. Và chỉ đến khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a, Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về xoá đói giảm nghèo và xoá nhà tạm cho hộ nghèo, nhiều gia đình có nơi ăn chốn ở và đã được cấp cho “cần câu cá”, người dân yên tâm canh tác, định canh định cư để “an cư lạc nghiệp”.
Từ các chương trình đó, địa phương đã hướng dẫn bà con chủ động nguồn nước phục vụ khai hoang, cải tạo đất nương thành ruộng bậc thang sản xuất lúa ruộng; hỗ trợ cây giống, con giống, máy móc phương tiện phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo vệ rừng…
Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác cải tạo giống, nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; phát triển giống chất lượng cao thích hợp cho từng vùng. Đặc biệt, huyện đã sử dụng hiệu quả lòng hồ thuỷ điện Sơn La để phát triển nuôi và đánh bắt thủy sản. Ðến nay, trên địa bàn 2 xã của huyện đã có trên 150 lồng cá với gần 100 hộ tham gia, thu nhập bình quân đạt 25 - 30 triệu đồng/hộ/năm.
Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Tủa Chùa tập trung chuyển đổi cơ cấu từ cây có năng suất, sản lượng, chất lượng thấp sang cây có giá trị cao; thành lập các HTX dịch vụ nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Đồng lòng vượt khó khăn
Hiện nay, huyện đã xây dựng được 25 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bước đầu mang lại hiệu quả như: Liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ chè Shan tuyết của Công ty TNHH Hương Linh; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sa nhân xanh, sa nhân tím của Công ty TNHH Giống lâm nghiệp Tây Bắc...
Trong đó, UBND huyện chỉ đạo các xã: Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng và Sín Chải tập trung bảo vệ, chăm sóc, trồng mới để phát huy thế mạnh đặc sản địa phương là chè Shan tuyết. Nhờ vậy, huyện đã mở rộng được diện tích chè lên 595,89 ha (tăng 18,49ha so với năm 2015). Ðã có 3 doanh nghiệp đầu tư phát triển và chế biến chè Tủa Chùa. Năm 2019, huyện có 3 sản phẩm chè được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP xếp hạng 3 sao.
Về hạ tầng giao thông, nhằm tạo điều kiện cho bà con giao thương thuận lợi, thay đổi bộ mặt nông thôn, trong năm 2021, Chương trình vùng Tủa Chùa hỗ trợ 7 thôn bản thực hiện 7 sáng kiến làm đường bê tông nội thôn của các xã Mường Báng, xã Tủa Thàng, xã Xá Nhè, xã Sính Phình. Hiện, nhiều tuyến đường bê tông đã được hoàn thành, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường thôn bản, hạn chế lầy lội, ứ đọng nước, trơn trượt vào mùa mưa...
Giao thương buôn bán ở Tùa Chùa đã sầm uất hơn rất nhiều. |
Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng lên rõ rệt, minh chứng rõ nét nhất chính là những ngôi nhà khang trang ngày một nhiều, các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, mua sắm nhiều vật dụng quan trọng phục sinh hoạt trong gia đình, cơ sở vật chất trường lớp học, trạm y tế được xây dựng kiên cố.
Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc ở Tủa Chùa, huyện còn chú trọng lưu giữ bản sắc văn hoá truyền thống lâu đời của các dân tộc, tạo nên những dấu ấn riêng để phát triển kinh tế du lịch.
Đơn cử như huyện đã tận dụng lòng hồ thuỷ điện Sơn La để tổ chức hoạt động du lịch sinh thái giữa rừng thông Trung Thu gắn với các hang động Khó Chua La, hang động Xá Nhè (xã Xá Nhè); tổ chức du lịch tại các xã có cao nguyên đá như Tả Phình, Tả Sìn Thàng và Xá Nhè… Đây là những yếu tố góp phần phát triển văn hóa du lịch trải nghiệm cộng đồng.
Bên cạnh đó, huyện Tủa Chùa còn lưu giữ các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm xã Sính Phình, thủ công mỹ nghệ xã Mường Báng, Xá Nhè. Huyện còn duy trì các chợ phiên xã Xá Nhè và Tả Sìn Thàng vừa mua bán, trao đổi những sản vật, vừa là nơi để gặp bạn, tâm tình...
Theo lãnh đạo HÐND huyện Tủa Chùa, với sự đồng sức đồng lòng từ chính quyền địa phương, các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội và đồng bào các dân tộc, những khó khăn ban đầu đang dần qua. Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia là đòn bẩy giúp người dân thoát nghèo, giúp giảm số hộ nghèo trên địa bàn nhanh và bền vững: từ 69,5% năm 2015 xuống còn 41,9% năm 2020 (bình quân 5,52%/năm), vượt chỉ tiêu đề ra.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện là 917,721 tỷ đồng, trong đó 118,049 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương; 561,571 tỷ đồng nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình cùng mục tiêu; 237,130 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương và 970 triệu đồng nguồn vốn người dân đóng góp. Từ nguồn vốn NTM, huyện Tủa Chùa đã đầu tư xây dựng mới 37 công trình giao thông nông thôn; 5 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, 14 nhà văn hóa. Đồng thời, thực hiện 14 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô 70,78ha; 30 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ 1.532 nhà tiêu hợp vệ sinh, 450 chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tổ chức tập huấn cho cán bộ cấp xã trong thực hiện Chương trình NTM. Đến hết năm 2020, số tiêu chí bình quân các xã trên địa bàn đạt 8,9/19 tiêu chí, tăng 4 tiêu chí so với năm 2016 (thấp hơn chỉ tiêu Nghị quyết là 2,4 tiêu chí). Có 4/11 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 7 xã đạt từ 5- 9 tiêu chí NTM. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được triển khai trên địa bàn 11 xã từ năm 2011 đến nay.
Bài 2: Phụ nữ người Mông giúp nhau thoát nghèo
Phạm Minh