Trang phục của người Pa Dí không thướt tha như áo dài của người Kinh, không rực rỡ như trang phục của người Mông, nhưng vẫn có những nét đặc sắc riêng. |
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, diện mạo huyện miền núi Mường Khương không ngừng “thay da, đổi thịt”. Không còn hiếm những con phố sầm uất, những mái nhà cao tầng san sát, những công trình trường học, bệnh viện… khang trang, rộng rãi.
Nghề truyền thống dân mai một
Từ TP Lào Cai đến trung tâm huyện Mường Khương khoảng 40km di chuyển trong thời gian hơn 1 tiếng đồng hồ. Đây là huyện nằm giáp biên giới Trung Quốc, điều kiện địa hình hiểm trở, thời tiết khá khắc nghiệt, nóng rát vào mùa hè và lạnh giá vào mùa đông.
Cảm nhận đầu tiên khi đến vùng đất này là màu nắng vàng sánh đậm như mật ong, mang hơi thở của đại ngàn Tây Bắc. Người Pa Dí là một trong những cộng đồng có dân số ít nhất ở Việt Nam. Cả huyện Mường Khương có gần 2.100 đồng bào dân tộc Pa Dí sinh sống, nhưng tập trung chủ yếu ở xã Tung Chung Phố với khoảng 2.000 người.
Tung Chung Phố nằm sát huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đời sống của người dân nơi đây phụ thuộc vào tần suất trồng lúa, trồng cây ăn quả mỗi năm 1 vụ.
Do địa hình chia cắt, thời tiết khắc nghiệt nên việc tăng gia sản xuất đối với người dân Pa Dí cũng khó như "cây mọc trên vách đá". Nhưng rồi, cuộc sống dần đổi thay khi nhiều hộ bắt tay vào trồng quýt Mường Khương, một đặc sản của núi rừng Tây Bắc cho chất lượng tốt, giá cao, thu nhập của người dân ổn định hơn. Từ năm 2017, quýt Mường Khương là một trong những nông đặc sản đặc trưng của tỉnh Lào Cai.
Đến Tung Chung Phố, điều mà du khách ngạc nhiên đầu tiên là trang phục truyền thống của người dân Pa Dí. Mặc dù một nắng hai sương, nhưng nhìn những bà, những cô, những chị em xúng xính trong trang phục truyền thống dân tộc trong những ngày hội hè, lễ tết, ai cũng trầm trồ, muốn tìm hiểu.
Điểm nhấn trong trang phục của người Pa Dí chính là chiếc mũ với hình dáng vô cùng độc đáo và cũng được làm từ vải chàm tự dệt.
Năm nay đã ngoài 80 tuổi, bà Pờ Si Sén, bản Tả Chu Phùng vẫn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Bà cho biết, ngay từ lúc còn nhỏ, trẻ em đã mặc trang phục dân tộc. Tuy nhiên, trang phục của người Pa Dí đang mai một dần. Theo như những người lớn tuổi ở bản Tả Chu Phùng, nếu không truyền dạy lại cho con cháu cách dệt vải, nhuộm vải, may áo - mũ thì không chỉ nghề dệt mất đi, mà còn không lưu giữ được đúng bản sắc trang phục dân tộc độc đáo. Ngoài thị trấn, nhiều người bán trang phục của người Pa Dí may sẵn nhưng chỉ là hàng gia công, chất vải thô, màu không sắc, đường kim mũi chỉ may công nghiệp.
Những người "giữ lửa"
Nghệ nhân Pờ Chin Dín, sinh năm 1957, thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương cũng nổi tiếng là người giữ “linh hồn” cho trang phục dân tộc Pa Dí. Bà Dín còn là một trong số ít người trong cộng đồng Pa Dí ở Mường Khương thông thạo nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Pa Dí, bà Dín luôn trăn trở làm sao có thể truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, vì bà hiểu tri thức làm trang phục cũng như hát dân ca đều là nghệ thuật truyền miệng, nếu không giữ thì sẽ mai một dần.
Trang phục phụ nữ Pa Dí được làm từ những chất liệu tự nhiên, tự dệt, màu chủ đạo là xanh chàm, điểm màu xanh lá và màu đen. Thế nên, người làm phải có đôi bàn tay khéo léo, thẩm mỹ tinh tế.
Để gìn giữ trang phục truyền thống, các nghệ nhân đã tổ chức các lớp hướng dẫn thế hệ trẻ. |
Bà Dín tâm sự, do người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, nên đời sống còn khó khăn, việc truyền dạy các tri thức văn hóa hoàn toàn tự nguyện, không có kinh phí hỗ trợ.
“Nếu được Nhà nước quan tâm, giúp bảo tồn những giá trị văn hóa này cho cộng đồng Pa Dí thì tôi mới yên tâm được. Chẳng may khi tôi không còn nữa, lớp trẻ lại không chịu học và giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình thì tôi buồn lắm”, bá Dín trải lòng.
Nói về sự kiên trì khi may trang phục Pa Dí, bà Pờ Si Sén chia sẻ, để hoàn chỉnh một bộ trang phục phải làm 2-3 tháng mới xong, nếu không làm liên tục thì phải mất cả năm trời, bởi "tất cả đều làm bằng tay chứ không có máy móc gì có thể thay thế được". Cũng như bà Dín, bà Sén dành nhiều thời gian dạy con cháu nghề thêu truyền thống.
Ông Lục Phúc Bằng, cán bộ văn hoá xã Tung Chung Phố cho biết, các xã vùng cao của huyện Mường Khương có nền văn hóa truyền thống rất phong phú. Song, những giá trị văn hóa truyền thống ấy cũng đang có nguy cơ bị mai một trước sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, thời gian qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trong đó, xã đã thành lập 1 nhóm 12 người chuyên dạy cho lớp trẻ nghề dệt vải, may trang phục để sau này không bị mai một.
Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, Tung Chung Phố vẫn là nơi giữ được nhiều đặc trưng văn hoá cộng đồng của người Pa Dí. Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương là một di sản văn hóa quý giá đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận.
Bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể
Bên cạnh nghề may trang phục, huyện Mường Khương đã và đang có nhiều biện pháp tích cực để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, trong đó có dân ca và cây đàn "linh hồn" của người Pa Dí.
Mặc dù xa xôi cách trở, nhưng mảnh đất lành Mường Khương vẫn thu hút, níu giữ chân du khách trong tiếng đàn dập dìu và làn điệu dân ca Pa Dí tha thiết, trong sáng.
Theo nhà thơ Pờ Sảo Mìn, cũng giống như dân ca của nhiều dân tộc khác, dân ca Pa Dí là làn điệu ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu nam nữ. Như tháng Giêng hát về trồng ngô, tháng Hai hát về trồng trồng đậu. Đặc biệt những dịp Tết đến hay lúc nông nhàn, họ hát lên những điệu giao duyên mà người con trai muốn hỏi cưới người con gái và ngược lại...
Bản làng của người Pa Dí đã trù phú hơn xưa và giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể luôn được chính quyền và đồng bào gìn giữ |
Thế nhưng, để cất lên lời ca tiếng hát đa phần là người lớn tuổi trong bản, rất ít các chàng trai, cô gái “giao duyên”, phát huy bản sắc đặc biệt đó.
Nói đến người giữ “linh hồn” người dân tộc Pa Dí ở huyện Mường Khương, hiện có lẽ không ai hiểu và nhiệt huyết hơn nghệ nhân Pờ Chin Dín, sinh năm 1957, thị trấn Mường Khương.
Bà Dín bộc bạch, người Mông có tiếng khèn, người Tày có làn điệu hát Then, nhưng rất ít người biết đến dân ca Pa Dí. Bà rất mong ai cũng biết đến văn hóa dân tộc Pa Dí nhiều hơn, để Nhà nước quan tâm, giúp người Pa Dí bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc trước nguy cơ mai một. Điều mà bà buồn hơn cả là do ít người biết đến dân ca Pa Dí, nên lớp trẻ cũng không hào hứng, gìn giữ văn hoá này. Vì thế, bà lấy chính ngôi nhà của mình làm nơi tập luyện, truyền nghề cho thế hệ trẻ ở vùng đất biên cương.
Theo bà Pờ Chín Tỷ, bản Tả Chu Phùng, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá độc đáo của người Pa Dí, bà luôn trăn trở làm thế nào để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Bởi hát dân ca Pa Dí là nghệ thuật truyền miệng, nếu không rèn luyện thực hành thường xuyên thì sẽ mất dần đi. Do đó, bà vẫn hàng ngày truyền dạy hát cho dân địa phương, dạy cho lớp trẻ.
Nhắc đến dân ca Pa Dí không thể không nhắc đến cây đàn tròn, vì nếu không có cây đàn tròn sẽ không thể biểu diễn dân ca được. Phần đầu của cây đàn mang hình đầu rồng, biểu tượng của sự sống, thịnh vượng và có ý nghĩa tượng trưng cho những gì cao quý, tốt đẹp nhất.
Cũng như hai nghệ nhân Pờ Chin Dín và Pờ Chín Tỷ, nghệ nhân Tráng Vản Mìn (xã Tung Chung Phố), cũng lo lắng trăn trở bởi lớp trẻ không muốn tập đàn tròn như ông trước đây, điều đó có thể khiến loại nhạc cụ này mai một dần.
Vì thế, thông qua các buổi họp thôn, giao lưu văn nghệ, các nghệ nhân thường lồng ghép những tiết mục dân ca nhằm khơi gợi niềm đam mê trong lớp trẻ. Đồng thời, để lứa tuổi thanh niên hiểu hơn về bản sắc dân tộc, các nghệ nhân đã tổ chức những buổi dạy để truyền thụ những bài hát dân ca và cách sử dụng nhạc cụ truyền thống.
Nâng cao giá trị văn hoá cho đồng bào
TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, với nhiều năm nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số ở Lào Cai cho rằng, người Pa Dí có nhiều đặc điểm độc đáo trong âm nhạc, tuy nhiên hiện nay cũng bị mai một nhiều.
Địa phương đang chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể với phát triển du lịch (Ảnh: Int) |
“Nếu để giữ gìn và bảo tồn những bài dân ca, thì sự nỗ lực của các nghệ nhân thôi là chưa đủ, mà cần có sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Trí Thức, nguyên Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Khương cho biết, dân tộc Pa Dí rất ít người, vì thế để bảo tồn dân ca của họ là không hề dễ dàng.
Nhằm gìn giữ nét văn hoá này, trước đó huyện Mường Khương hằng năm đã tổ chức biểu diễn dân ca, dân vũ, đặc biệt là các nghệ nhân dân gian biết hát và đặt lời mới dựa trên chất liệu dân ca Pa Dí, từ đó nhân lên điển hình rộng rãi để các nghệ nhân dân gian này truyền dạy cho lớp trẻ.
Đại diện Phòng Dân tộc huyện Mường Khương thông tin, hiện chính quyền địa phương đã và đang có nhiều biện pháp tích cực để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Đặc biệt, huyện tăng cường tuyên truyền, chú trọng đầu tư, sưu tầm, khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo điều kiện mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Đồng thời, huyện cũng gắn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể với phát triển du lịch, hướng tới nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
"Năm 2019, huyện đã triển khai dự án bảo tồn văn hóa truyền thống như khôi phục chữ viết, bảo tồn các làn điệu dân ca, làn điệu múa đến từng thôn bản và rất được nhân dân hưởng ứng", vị đại diện này nói .
Mong sao những bản làng của người Pa Dí ngày càng giàu có, ấm no, văn minh và những nét giá trị văn hoá truyền thống vẫn vẹn nguyên khác lạ như những bông hoa giữa núi rừng.
Minh Phạm