Các chiến sỹ bộ đội biên phòng giúp đồng bào La Hủ chăn nuôi theo mô hình "bò sinh sản" (Ảnh TL) |
Đồng bào La Hủ là một trong các DTTS rất ít người (dưới 10.000 người), cư trú tập trung ở huyện Mường Tè (Lai Châu). Trước kia, người La Hủ chủ yếu canh tác theo tập quán du canh du cư với nhịp độ luân chuyển cao. Thời gian gần đây, nhờ có chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm vào cuộc của chính quyền mà người La Hủ đã “an cư lạc nghiệp”.
Ký ức không quên
Một thời khốn khó đã qua đi, những người La Hủ lớn tuổi vẫn nhớ như in những ngày du canh du cư. Cuộc sống đói nghèo luôn bủa vây, chẳng biết tới một bữa no. Cùng với đó, việc luôn bị các hủ tục đeo bám khiến người La Hủ không chỉ nghèo nàn mà còn lạc hậu...
Nhớ lại những năm tháng nhọc nhằn nay đây mai đó trong rừng sâu nước độc huyện Mường Tè, ông Lỳ Hà Chòng ở bản Seo Thèn B, xã Pa Vệ Sủ kể, do tập tục canh tác du canh du cư, ông và người dân “phiêu bạt” trong rừng. Người La Hủ phát rừng làm nương rẫy, sau mỗi lần di dời để lại phía sau những cánh rừng bị chặt phá và đốt nham nhở. Thậm chí nương rẫy chỉ canh tác được 1-2 vụ cũng bỏ đó không ai trông nom chăm sóc, người La Hủ chưa đến mùa đã hết ngô, thóc, đói nghèo và bệnh tật.
Không chỉ riêng Pa Vệ Sủ, mà khắp các xã vùng cao, biên giới như Tá Bạ, Thu Lũm, Nậm Khao, Pa Ủ, Mường Tè, ký ức về sự nghèo khó vẫn đậm sâu trong những gương mặt và ánh mắt của người La Hủ lớn tuổi. Cuộc sống dân bản gắn với các cuộc di cư như không có ngày kết. Điều kiện sống hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Không chịu nổi sự khắc nghiệt của mưa rừng, gió núi, mọi người lại lũ lượt chuyển sang cánh rừng khác.
Vòng luẩn quẩn đó chỉ khép lại khi cấp ủy, chính quyền địa phương vận động dân bản định canh, định cư bên suối Nậm Pặm. Từ đó, Nậm Pặm thành bến đỗ ấm no của không ít hộ người dân tộc La Hủ.
Lãnh đạo UBND xã Pa Vệ Sủ phấn khởi chia sẻ, từ ngày được đầu tư thủy lợi và được cán bộ nông nghiệp, bộ đội biên phòng hướng dẫn, bà con người La Hủ ở bản Phí Chi A và Phí Chi C đã biết trồng lúa nước năng suất cao. Vụ lúa mùa vừa rồi, bà con thu hoạch trên 5 tấn/ha. Đến nay, đa số bà con ở các bản trên địa bàn xã Pa Vệ Sủ đã chuyển sang trồng lúa nước.
Bà con ở xã Pa Ủ còn được chính quyền và bộ đội biên phòng hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “bò sinh sản”. Bà con thấy chăn nuôi bò rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của bản, đã có 24/32 hộ đăng ký tham gia thực hiện mô hình. Cuộc sống của người La Hủ hiện đã thay đổi nhiều.
An cư lạc nghiệp
An cư không chỉ giúp người La Hủ dần thoát khỏi đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống mà còn thoát khỏi cảnh thất học, mù chữ. Nhiều con trẻ đã được cắp sách tới trường. Với em Ly Lo Bơ 12 tuổi, xã Pa Ủ thì không có niềm vui nào tả xiết khi em không còn theo mẹ lên nương rẫy mà thay vào đó là đến trường.
Việc đưa người La Hủ từ cuộc sống du canh nơi sâu thẳm núi rừng tới định cư tại những vùng có điều kiện sống thuận lợi hơn, không thể không nhắc tới sự chung tay của lực lượng biên phòng. Các anh đã sát cánh cùng cán bộ chuyên môn của huyện hướng dẫn bà con cấy lúa nước, áp dụng kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất. Các anh cũng là những người cùng bà con dân bản làm chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Đào Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, thực hiện văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu về tập trung các giải pháp từng bước nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất, tinh thần cho bà con dân tộc La Hủ, huyện Mường Tè đã xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc La Hủ” trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 - 2025, với tổng kinh phí dự tính lên đến 292 tỷ đồng, trong đó mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ đói nghèo từ 5 - 7%/năm.
Bỏ được tập quán du canh du cư, người La Hủ đã biết trồng rừng làm kinh tế (Ảnh TL) |
Theo đó, giai đoạn 2018-2020 có kinh phí đầu tư khoảng trên 47 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 đầu tư khoảng 244 tỷ đồng tập trung vào các hạng mục như: đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển cộng đồng; sắp xếp, ổn định dân cư, hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp… Huyện cũng đã tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với chăm sóc, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng, tập trung vào hỗ trợ những cây thế mạnh như: tam thất, thảo quả, sa nhân tím, cỏ thơm, riềng, nghệ…
Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc La Hủ” trên địa bàn huyện Mường Tè giai đoạn 2018-2025” được triển khai thực hiện đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy, chính quyền huyện Mường Tè trong việc tập trung hỗ trợ đồng bào La Hủ ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền địa phương còn cùng bà con đồng bào La Hủ tìm lại những nét đẹp văn hóa thông qua việc phục dựng, lưu truyền các lễ hội, trò chơi dân gian, tập quán tốt đẹp. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cơ quan chuyên môn, lực lượng vũ trang đã giúp người La Hủ an cư, lạc nghiệp, có cuộc sống mới và tìm lại được chính mình trong những nét đẹp văn hóa dân tộc.
Minh Trang