Cuộc sống của đồng bào Brâu - một trong những DTTS rất ít người sống ở Tây Nguyên đã có sự đổi thay nhờ chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước (Ảnh: Int) |
Nhờ sự quan tâm và chính sách của Đảng và Nhà nước, các vùng dân tộc thiểu số rất ít người cư trú tại những địa bàn khó khăn thuộc lõi nghèo của cả nước những năm gần đây có điều kiện phát triển tốt nhất, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nguy cơ tụt hậu
Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, Việt Nam có 53 dân tộc anh em nhưng có 15 dân tộc chỉ có dân số dưới 10.000 người, 4 dân tộc dưới 8.000 người, 6 dân tộc dưới 5.000 người, 5 dân tộc dưới 1.000 người. Một điểm chung là các dân tộc này hầu hết cư trú tại những địa bàn khó khăn thuộc lõi nghèo của cả nước.
Nếu như đồng bào dân tộc sống ở trên vùng núi cao khó khăn 1 thì những đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người lại khó khăn gấp 2, gấp 3 lần. Đa phần bà con dân trí thấp, sống ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, heo hút và do tập quán, văn hoá du canh du cư có từ lâu đời. Đã có những câu chuyện, chính quyền đưa đồng bào xuống dưới núi nơi có điều kiện dân trí tốt hơn, nhưng do bị tụt hậu trong giao tiếp, ngôn ngữ không thông thạo nên đồng bào lại bỏ nơi ở mới về nơi ở cũ.
Theo Tổng cục Thống kê, đến tháng 10/2019, tỷ lệ hộ nghèo trong tổng số hộ DTTS là 22,2%. Trong đó, 13 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% gồm: Mông 52,7%, Bru Vân Kiều 56,1%, Khơ Mú 51,5%, Co 57,1%, Kháng 51,5%, Xinh Mun 65,3%, La Hủ 74,4%, Lô Lô 53,9%, Chứt 60,6%, Mảng 66,3%, Pà Thẻn 50,2%, Cống 54%, Ơ Đu 56,7%.
Đơn cử như trước đây, đồng bào dân tộc Cờ Lao, Mảng và La Hủ đều có lối sống lang thang giữa núi rừng, tách biệt với thế giới bên ngoài. Cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào săn bắn, hái lượm. Họ đã từng có một quá khứ dài với cái đói, cái rét.
Hay như dân tộc Brâu hiện có 165 hộ/570 nhân khẩu, sinh sống tập trung ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi; dân tộc Rơ-măm có 141 hộ/470 nhân khẩu, sống ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum). Đồng bào dân tộc Rơ-măm và Brâu sống du canh du cư, đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, tỷ lệ trẻ đến trường thấp…
Cùng với nghèo đói, tình trạng hôn nhân cận huyết thống còn khá phổ biến, tỷ lệ tảo hôn lên tới 26%. Tỷ lệ người DTTS sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh không cao. Về mặt giáo dục, đào tạo, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi còn rất thấp, người biết đọc, biết viết tiếng phổ thông chưa cao. Có hơn 70% các hộ DTTS được tiếp cận đến nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng tỷ lệ hộ có nhà xí hợp vệ sinh rất thấp, trung bình chỉ có gần 30%.
Việc tiếp cận cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc còn khá hạn chế, gần 1/3 số hộ DTTS thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người trong nhóm DTTS chỉ bằng khoảng mọt nửa so với thu nhập bình quân đầu người trên cả nước.
Đối mặt với những vấn đề cấp bách đó, các dân tộc này có nguy cơ ngày càng tụt hậu trong quá trình phát triển; mai một bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, suy thoái chất lượng dân số... Do đó, việc bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người là yêu cầu cấp bách.
Các chính sách phù hợp
Trên thực tế, ngay từ khi thành lập nước, xóa đói giảm nghèo luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Thời gian gần đây, các chính sách từ Trung ương đến địa phương đã tập trung mạnh mẽ vào các vùng nghèo, lõi nghèo, nhất là 62 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước. Đơn cử như Chính phủ đã thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững 2012-2015.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam theo Quyết định số 432/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình giảm nghèo của Ủy ban Dân tộc dành cho nhóm DTTS sẽ tính đến việc lồng ghép 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu của Mục tiêu phát triển bền vững (giai đoạn 2012-2030).
Ngoài ra, còn có Đề án Phát triển giáo dục đối với các DTTS rất ít người giai đoạn 2010-2015; Nghị định Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người; Quyết định Phê duyệt Đề án “Phát triển KT-XH vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”; Quyết định Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025...
Đồng bào dân tộc Cống có cuộc sống ngày càng ấm no, đồng thời giữ gìn được những bản sắc văn hóa truyền thống (Ảnh: Int) |
Cùng với những chính sách đặc thù riêng biệt, trong những năm qua, Nhà nước tiếp tục dành nguồn lực đầu tư, phát triển vùng DTTS thông qua các chương trình, dự án: Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 69 huyện nghèo và 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; chính sách định canh, định cư; Chương trình 135, Chương trình 134... Các chính sách này đã tạo động lực phát triển toàn diện cho đồng bào DTTS nói chung, đồng bào DTTS rất ít người nói riêng.
Mặc dù thực hiện các chính sách này không hề dễ dàng, bởi có nhiều rào cản về nhận thức, trình độ, phong tục tập quán…, nhưng tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể. Nếu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của cả nước là 15,10% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo là gần 10%) thì đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,75%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Riêng tại các huyện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 63,26% thì đến cuối năm 2019 giảm còn 27,85%...
Các chính sách đặc thù này đã tác động mạnh mẽ đến các vùng đồng bào DTTS rất ít người, góp phần tạo chuyển biến về kinh tế-xã hội và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào.
Minh Trang
Bài 2: Để không ai bị bỏ lại phía sau