Bản làng của người Cờ Lao đã đổi thay với nhiều ngôi nhà kiên cố (Ảnh: Int) |
Hà Giang là một trong những tỉnh có đời sống khó khăn nhất cả nước, do điều kiện địa hình có tới 90% diện tích đất đai là đồi núi hiểm trở, có 19 dân tộc (18 DTTS) cùng sinh sống. Đây là những thách thức mà không thể giải quyết một sớm một chiều.
Chăm lo đời sống cho dân
Dân tộc Cờ Lao là một trong những DTTS rất ít người với gần 2.600 nhân khẩu (558 hộ), trong đó xã Sính Lủng (Đồng Văn) và Phú Lũng (Yên Minh) có gần 200 hộ. Đời sống của người Cờ Lao ở đây gặp nhiều khó khăn do trình độ lạc hậu, sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, điều kiện cơ sở hạ tầng yếu kém...
Mấy năm vừa qua, thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cờ Lao trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013 - 2020, Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tập trung công tác tuyên truyền, đào tạo nhằm giúp người dân nâng cao kiến thức, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Anh Vần Chứ Páo sinh sống tại thôn Cá Ha, xã Sính Lủng (Đồng Văn) là một trong những điển hình làm kinh tế gia đình trong đồng bào dân tộc Cờ Lao cho hay, trước đây gia đình anh là hộ nghèo trong xã, sau khi được tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, lớp học nghề ngắn hạn về chăn nuôi, trồng trọt, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng gần 100 triệu đồng theo chính sách hỗ trợ lãi suất để đầu tư chuồng trại, mua bò giống và trồng cỏ để nuôi.
Nhờ đó, gia đình anh Páo đã nắm được kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, biết ủ cỏ làm nguồn thức ăn cho gia súc trong vụ đông. Mỗi năm, anh Páo tìm mua từ 10 - 20 con bò gầy về nuôi vỗ béo, sau vài tháng bán ra thị trường, lãi khoảng 10 triệu đồng/con, thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng/năm, gia đình anh đã thoát nghèo.
Theo thống kê của địa phương, đến nay, 100% hộ dân Cờ Lao ở Phú Lũng có nhà kiên cố hoặc bán kiên cố và được sử dụng điện lưới, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; được tiếp cận thông tin, văn hóa…, hầu hết các hộ thoát nghèo, cuộc sống ấm no hơn.
Trong khi đó, xã Sủng Cháng có cộng đồng người Pu Péo sinh sống nhiều nhất trên địa bàn huyện Yên Minh (Hà Giang) với 18 hộ, 100 khẩu. Không thể tả được hết khó khăn với tuyến đường giao thông cheo leo vách núi, đường vào xã vẫn là đường đất, mỗi khi mưa là sạt lở và trở thành vũng bùn. Chăn nuôi chưa phát triển, do đó cộng đồng người Pu Péo chủ yếu sống dựa vào trồng trọt, hầu hết các hộ thuộc diện nghèo.
Thế nhưng, nhờ có chính sách của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của người Pu Péo ở huyện Yên Minh ngày một đổi thay, khi đường vào thôn, vào bản được thay bằng con đường bê tông, bà con xuống chợ huyện trao đổi hàng hoá được thuận tiện hơn. Điều đáng ghi nhận nhất là mỗi hộ dân được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 con bò sinh sản, xây dựng chuồng trại để phát phát triển chăn nuôi. Hiện, 100% hộ có xe máy, 15/18 hộ có tivi; các hộ đều được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm đảm bảo; trẻ em được đến trường.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh
Nói về sự đổi thay trên quê hương, ông Chúng Vần Tờ, người có uy tín trong cộng đồng Pu Péo ở Sủng Cháng cho biết, đồng bào Pu Péo rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ đầu tư hạ tầng đường giao thông, điện lưới, hỗ trợ cây, con giống để bà con sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Nhờ vậy mà người dân Pu Péo giao thương thuận tiện, người dân đã biết trồng cỏ trên sườn núi để làm thức ăn chăn nuôi; đàn bò, dê trong thôn phát triển tốt.
“Cuộc sống dù còn khó khăn nhưng các hộ giờ cũng đủ cơm ăn, áo mặc và có điều kiện tiếp cận với các thông tin qua tivi, sách báo”, ông Chúng Vần Tờ nói.
Ông Lầu Mí Chơ, Chủ tịch UBND xã Sính Lủng chia sẻ, so với chục năm trước, cuộc sống của người dân Cờ Lao có sự khác biệt hẳn, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, con em đến tuổi được đi học. Hiện nay, trong thôn đã có nhiều cháu theo học cấp ba ở tỉnh, huyện và có cháu đã đỗ đại học. Đây là niềm vui của bà con dân bản, chuyện mà trước đây có mơ cũng không nghĩ tới!
Bà con đồng bào người Pu Péo đã có cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều nhờ vào các chính sách của Đảng và Nhà nước (Ảnh: Int) |
Đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh Hà Giang đánh giá, các chính sách, chương trình hỗ trợ vùng đồng bào DTTS đang triển khai đã đem lại hiệu quả thiết thực, tác động tích cực đến đời sống của đồng bào các DTTS. Những hỗ trợ, đầu tư này cũng đã giải quyết cơ bản nhu cầu đi lại, khám bệnh, học hành, tạo điều kiện cho người dân giao thương hàng hóa, có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, tăng thu nhập, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Hà Giang được Trung ương hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.
Nguồn vốn này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, tạo sinh kế; xây dựng mô hình điểm phát triển kinh tế...
Tỉnh đã có gần 170.000 hộ dân được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, cây và con giống phát triển kinh tế. Tỷ lệ giảm nghèo tại các huyện thuộc Chương trình 30a bình quân từ 6% - 7% năm. Tính từ năm 2016 đến cuối năm 2019, Hà Giang giảm được hơn 25.000 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn hơn 26%.
Cộng đồng người Cờ Lao, Pu Péo hiện chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong 18 DTTS của tỉnh Hà Giang. Đời sống của người dân ở đây là minh chứng khẳng định chính sách của Đảng, Nhà nước đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS ở tỉnh cực bắc của Tổ quốc, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Minh Trang
Bài 3: Người La Hủ an cư lạc nghiệp