Hiện nay, dân tộc La Hủ có khoảng hơn 6.000 người, chủ yếu sống ở 4 xã Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, khu vực biên giới thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Dân tộc đặc biệt khó khăn
Theo quan niệm của đồng bào, La Hủ có nghĩa là con hổ và họ tự đặt cho mình cái tên đó như một tên gọi chính thức. Ngoài ra, cũng còn một số cách gọi khác như Xá Lá Vàng, Xá Quỷ, Khù Xung…
Một bộ phận người La Hủ hiện nay vẫn giữ nếp sống săn bắt, hái lượm, không canh tác và không có hình thái xã hội.
Phụ nữ La Hủ múa, hát các bài truyền thống của dân tộc trong ngày lễ, Tết (Ảnh:TL). |
Về trang phục, người La Hủ vay mượn hoàn toàn trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Thậm chí, tiếng nói của người La Hủ cũng mượn tiếng Hà Nhì khá nhiều. Có thể nói, người La Hủ đã bị đồng hóa bởi dân tộc Hà Nhì từ trang phục, kỹ năng sống, cách đi bộ trong rừng, chặt cây, đan lát mây tre thành gùi, lồ đựng...
“Từ xa xưa, trong khi trang phục của người đàn ông La Hủ khá giản tiện thì trang phục của phụ nữ lại có phần cầu kì hơn. Họ không có truyền thống trồng bông vải mà thường đổi sản vật mình tìm được để lấy vải của dân tộc khác về may áo. Ủ kín mình trong chiếc áo dài đen có tên gọi là “phơ cơ dỡ”, những người phụ nữ La Hủ dù lam lũ vẫn khoe được nét đẹp của mình”, chị Lò Thị Thanh, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Pa Ủ cho biết.
Dân tộc La Hủ có nhiều lễ, Tết trong năm như lễ tháng 2 “gạ ma thú”, Tết “gié khù chà”, Tết Đông “cá tho tho”, Tết “có nhẹ chà”, lễ cúng cầu mưa đầu năm mới “ù chì chì sự”, lễ cầu cho tra hạt “chá mí só”...
Bên cạnh đó, người La Hủ sử dụng sáo như một nhạc cụ truyền thống. Văn hóa ẩm thực của họ hầu như không có gì vì trước đây họ phải sống dựa vào tự nhiên, thức ăn chủ yếu là rau rừng, chuột rừng, mật ong và nước suối.
Trong một hội thảo giữa các chuyên gia văn hóa và lãnh đạo địa phương việc bảo tồn văn hóa người La Hủ, nhiều ý kiến cho rằng: Vốn văn hóa của người La Hủ thiếu và yếu, có chăng cũng đã bị mai một, bị đồng hóa nên họ khó có thể làm nổi bật bản sắc của chính mình. Kinh tế có thể đi lên, làng bản đã bắt đầu định cư, người dân được chăm lo giáo dục, y tế... Tuy nhiên, việc làm bật lên sắc màu văn hóa thì vẫn còn là dấu hỏi.
Không chỉ vậy, do hôn nhân cận huyết, cuộc sống khắc nghiệt, nghèo đói và u muội nên tuổi thọ của họ rất thấp dẫn đến tình trạng suy thoái giống nòi.
Thêm vào đó, người La Hủ không có mối liên kết nào với các cộng đồng cùng dân tộc cư trú ở các vùng và quốc gia khác, không có nguồn hậu thuẫn tài chính lớn và sự giao lưu văn hóa với các cộng đồng khác.
“Người La Hủ tồn tại được đã là quý lắm rồi, chưa nói đến việc đào sâu, khơi nguồn văn hóa đã mất từ lâu”, sỹ quan biên phòng Lò Văn Hiêng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè) nhận xét.
Hành trình nhiều gian nan
Theo các chuyên gia văn hóa, chỉ có phát triển kinh tế thì người La Hủ mới biết đến “mâm cơm gia đình”, biết đến lễ hội, nhu cầu giải trí, khả năng tiếp cận với thông tin, truyền thông, nâng cao đời sống văn hóa.
Do cộng đồng người La Hủ nằm trong địa bàn biên phòng nên thời gian qua luôn được các chiến sỹ BĐBP Lai Châu dồn công sức giúp đỡ xây dựng làng bản, đưa bà con hòa nhập với cộng đồng các dân tộc khác ở biên giới.
Hình ảnh hiếm hoi về người phụ nữ La Hủ đi cùng con gái ra chợ Mường Tè, giao tiếp với những người khác (Ảnh:TL) |
Thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, BĐBP tỉnh Lai Châu (xã Pa Ủ) đã triển khai một cách nghiêm túc và hiệu quả.
Với nguồn kinh phí hỗ trợ, những chiến sĩ BĐBP đã tạo ra bộ mặt mới cho các bản La Hủ bằng những ngôi nhà với nhiều vật dụng gia đình có giá trị như chăn, màn, nồi xoong, phích nước…
Bên cạnh đó, BĐBP Lai Châu còn tặng con giống, giúp bà con phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Từ đó, đời sống của bà con La Hủ từng bước được nâng lên, đồng bào rất phấn khởi, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, an tâm định cư, ổn định cuộc sống. Bà con tự giác thực hiện những việc Bộ đội Biên phòng hướng dẫn như: Vệ sinh, làm vườn rau, chăn nuôi, trồng trọt, người lớn đã biết đọc chữ, học sinh đã có ý thức tới lớp…
"Được BĐBP kiên trì vận động bà con định canh, định cư, dựng nhà, lập bản, cộng đồng người La Hủ sau rất nhiều thế hệ, lần đầu tiên biết sống trong một ngôi nhà có mái che mưa nắng, biết trồng rau ăn và cấy lúa nước. Giờ đây, bà con đã biết cùng nhau tự bảo vệ nguồn lợi từ rừng, không săn bắn, chặt phá tận diệt nữa”, ông Lí Mí Sử, trưởng bản Nhóm Pố, huyện Mường Tè phấn khởi.
Kinh tế ổn định, đời sống về văn hóa, tinh thần của người La Hủ cũng phần nào được cải thiện, các giá trị truyền thống cũng dần được bảo tồn. Biết con chữ, hiểu được giá trị truyền thống, người dân tự giác xóa bỏ những hủ tục và tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương giữ những nét đẹp truyền thống của mình như: Tết mùa mưa, Lễ mừng cơm mới, tham gia lễ hội, cùng nhau biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao…
Chị Lò Thị Hủ (bản Mu Chi, xã Pa Ủ) chia sẻ: "Trước đây, tôi biết đến các phong tục tập quán của dân tộc mình qua lời kể của người già. Giờ đây được tổ chức trong các ngày lễ, tôi mừng vô cùng. Tôi sẽ tích cực gìn giữ và vận động con cháu trong gia đình tham gia đội văn nghệ để biết đến nét đẹp truyền thống".
Theo anh Tống Văn Kem, Phó Phòng Văn hóa Thông tin huyện Mường Tè, để lưu giữ nét văn hóa dân tộc La Hủ, Phòng tham mưu với UBND huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các lễ hội, ngày hội văn hóa - thể thao. Đồng thời, đề xuất tuyên dương các cá nhân có đóng góp trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa.
Từ cuộc sống đói khổ, lạc hậu, song nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của người La Hủ giờ đây đã có nhiều đổi mới. Họ đã hòa nhập với cộng đồng các dân tộc anh em khác, học tập và ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Hải Giang