Ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VHTT&DL) tỉnh Hòa Bình cho biết, năm 2016, tỉnh Hòa Bình có 2 di sản văn hóa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là Nghệ thuật chiêng Mường và Mo Mường.
Bách khoa thư dân gian về dân tộc Mường
Được đánh giá như "Bộ bách khoa thư dân gian" về dân tộc Mường, có rất nhiều định nghĩa, khái niệm về Mo Mường. Xét về tổng thể, Mo Mường chính là thể hiện phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường và tích tụ hầu hết toàn bộ những giá trị hợp thành văn hóa Mường.
Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực tri thức văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, dân tộc Mường Vang (huyện Lạc Sơn) nêu quan điểm: “Đây là một loại hình di sản văn hóa đặc biệt của người Mường có dung lượng khổng lồ, có sự ảnh hưởng sâu sắc, chi phối đến mọi mặt đời sống của người Mường bao đời qua, hiện tại và cả tương lai”.
Đồ của thầy cúng Mo. (Ảnh:TL). |
Mo Sử thi Mường có chung những đặc điểm chung của Sử thi Thế giới nhưng thiên về phản ánh chân thực đời sống con người từ thủa hồng hoang.
Mo Mường bao gồm ba lĩnh vực chính cấu thành: Lời mo và diễn xướng, môi trường diễn xướng và nghệ nhân mo. Trong đó, lời mo gắn liền với nghệ nhân mo, chiếm vị trí quan trọng nhất.
Trong dân gian Mường, mỗi một vùng Mường thường lưu truyền nhiều bản Mo. Mặc dù có sự khác nhau nhưng cơ bản vẫn khá tương đồng. Hiện ở tỉnh Hòa Bình có 3 bản Mo chính đã được sưu tầm, xuất bản có dung lượng và quy mô rất lớn và người Mường thường sử dụng Mo để thực hành 23 nghi lễ.
“Mo được sử dụng rộng rãi trong đời sống của người dân như thanh minh, mát nhà, làm vía, làm wại thắn (làm vía cho người già), mo đưa người đã khuất về thế giới bên kia”, nghệ nhân ưu tú Bùi Đăng Chành, xã Kim Bôi cho biết.
Mặc dù được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, song do sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, di sản văn hóa Mo Mường đang đứng trước nhiều nguy cơ mai một. Đồng thời, sự phát triển về kinh tế, giao thoa với các dân tộc khác, Mo Mường đang dần biến dạng, mất đi giá trị vốn có.
Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình thống kê, toàn tỉnh có 284 nghệ nhân Mo Mường còn hành nghề, đến nay còn khoảng 190 nghệ nhân nhưng chủ yếu là người trong độ tuổi “gần đất xa trời”.
Giải thích cho vấn đề này, nghệ nhân Mo - Bùi Văn Khẩn (xã Phong Phú,Tân Lạc) cho biết: Ông Mo được ví như người giữ hồn dân tộc Mường. Người học phải có tố chất, am hiểu sâu sắc văn hóa Mường, có đạo đức, uy tín và đầy đủ đạo cụ, đồ tế khí của nghề, có nổ thân (các đời cha, ông đã từng làm nghề, nếu tự học phải đi mượn nổ các dòng mo khác). Trong khi đó, vì người Mường chưa có chữ viết việc bảo tồn lưu truyền mo Mường được xác định thông qua truyền khẩu.
Không chỉ vậy, giới trẻ hiện nay dường như thờ ơ, không quan tâm tới văn hóa dân tộc. Về góc độ khác, từ những năm 1960 - 1990, Mo còn bị xem là mê tín dị đoan, bị cấm nên lệch lạc giá trị, mai một. Thêm vào đó, nhiều năm nay, thực hiện nếp sống mới, nhiều bài Mo phải rút ngắn đi cho hợp quy trình.
Thống kê Sở VH-TT&DL tỉnh cho thấy, Hòa Bình hiện chỉ còn trên 10 ông Mo thuộc hết các bài Mo cổ, nghệ nhân trẻ ít, chưa thuộc hết bài. Đồng thời, môi trường thực hành ngày càng thu hẹp. Chỉ còn một số nơi ở huyện Tân Lạc, Lạc Sơn thực hành thường xuyên Mo trong 7 nghi lễ, tang lễ. Một số vùng huyện Cao Phong, Kim Bôi, Mai Châu, Đà Bắc... còn thực hành Mo khoảng 4 nghi lễ. Các huyện khác chỉ thực hành trong tang lễ và giản lược nhiều.
“Mo Mường đang chịu tác động mạnh, toàn diện từ môi trường tồn tại và nhu cầu sử dụng. Xã hội thay đổi, tất yếu việc vận dụng Mo cũng thay đổi nhưng diễn ra tự phát, không được kiểm soát. Để tiếp tục khẳng định giá trị, phát huy trong đời sống xã hội, phục vụ phát triển KT-XH địa phương, Mo Mường cần có biện pháp bảo vệ khẩn cấp”, một số nhà nghiên cứu văn hóa nhận định.
Hướng tới di sản văn hóa thế giới
Thời gian qua, từ những giải pháp bảo tồn do tỉnh triển khai, Mo Mường đã được nhìn nhận đúng đắn hơn về giá trị văn hóa quý giá.
Cụ thể, tỉnh đã hỗ trợ xuất bản “Mo Mường Hòa Bình” dày 3 tập với hơn 22.000 câu, do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Nợi sưu tầm, biên soạn. Việc lập hồ sơ khoa học về Mo Mường và xây dựng bộ chữ viết dân tộc Mường là bước đi quan trọng, bởi chỉ có chữ viết mới có thể ghi lại Mo Mường một cách chính xác, từ đó dịch sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác phục vụ cho việc lập hồ sơ khoa học.
Bộ chữ Mường ra đời ghi lại Mo Mường là bước đi quan trọng trong việc trình UNESCO công nhận công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. (Ảnh:TL). |
Ngay sau khi Mo Mường được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND tỉnh đã ban hành "Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình giai đoạn 2019- 2025 và những năm tiếp theo".
Thực hiện đề án, UBND tỉnh đã gặp gỡ, biểu dương các nghệ nhân, hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ (CLB), khôi phục các lễ hội truyền thống, tạo môi trường thuận lợi để thực hành, tuyên truyền, quảng bá giá trị của Mo Mường đến nhân dân, du khách. Hàng năm, lập hồ sơ xem xét công nhận nghệ nhân Mo Mường đạt danh hiệu nghệ nhân ưu tú theo quy định.
Là người luôn quan tâm, chỉ đạo công tác bảo tồn, phát huy giá trị Mo Mường, nguyên Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn - Bùi Văn Nỏm đã khởi xướng thành lập và là chủ nhiệm danh dự CLB Mo Mường Lạc Sơn với 36 nghệ nhân tham gia. Trong đó, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng cũng tham gia với vai trò là Phó Chủ tịch. Cứ 6 tháng, cuối năm, CLB lại tổng kết, đánh giá hoạt động và đề ra phương hướng cho năm mới.
Tại huyện Tân Lạc, thành lập được CLB Mo Mường tại xã Địch Giáo với gần 20 nghệ nhân do ông Bùi Hồng Bào làm chủ nhiệm. Tham gia vào các buổi sinh hoạt định kỳ, các nghệ nhân cùng trao đổi thông tin, thống nhất việc diễn xướng Mo sao cho phù hợp theo quy định của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh. Bên cạnh đó, sưu tầm, lưu giữ các áng mo cổ bằng phương pháp ghi âm và ghi chép lại bằng sổ sách làm cơ sở truyền dạy cho những thế hệ sau.
Nhờ những nỗ lực lưu giữ và bảo tồn giá trị Mo Mường, di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường tỉnh Hòa Bình đã được Chính phủ đồng ý lập hồ sơ, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây chính là cơ hội lớn để Mo Mường ghi danh với thế giới, nâng cao nhận thức của cộng đồng để tránh sự biến dạng, mãi trường tồn với thời gian. Qua đó, tầm vóc, vị thế của dân tộc Mường cũng được nâng cao.
“Thời gian tới, Sở VH-TT&DL đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng và ý nghĩa của Mo Mường. Đưa nội dung trình diễn văn hóa Mo Mường vào các chương trình, sự kiện của tỉnh. Tổ chức ngày hội giao lưu văn hóa theo định kỳ để giới thiệu, quảng bá sâu rộng về di sản văn hóa Mo Mường. Mặt khác, giao CLB Mo Mường Lạc Sơn mở lớp truyền dạy một số nghi lễ cơ bản trong Mo Mường và những bài Mo thông thường, không có quá nhiều yếu tố tâm linh”, ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ý kiến của PGS. TS. Kiều Trung Sơn (Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian), di sản văn hóa này gắn với nghi lễ tang ma, đau buồn nên không thể tùy tiện đưa ra “sân khấu hóa” hoặc quảng bá rộng rãi để biến nó trở thành sản phẩm du lịch nên phải hết sức cẩn trọng.
Hải Giang