Mang những giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ, “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer” đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Độc đáo kinh lá buông
Theo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, xuất hiện từ thế kỷ 19, Kinh lá buông được viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Pali theo trường phái Thomanadut và Mahainikai. Đây là loại thư tịch cổ quý hiếm khắc chữ trên lá buông của người dân tộc Khmer (gọi là Satra).
Ở An Giang, Kinh lá buông hiện còn lưu giữ trên 100 bộ Kinh Phật tại 30/65 chùa Khmer thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
Kinh lá buông đang được lưu giữ tại chùa Soài So, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang (Ảnh:TL) |
Kinh lá buông có 4 loại gồm: Kinh Phật; Truyện cổ dân gian; Hội hè, trò chơi dân gian; Bài giáo huấn dân gian. Trong đó, Kinh Phật chạm khắc trên lá buông là tài liệu quý, ghi lại những lời dạy của Phật để truyền cho hậu thế và chỉ được mở ra thuyết pháp vào những dịp quan trọng như lễ Phật Đản, lễ Kathina (lễ dâng bông, dâng y cà sa), lễ Thvai PresKhe (Cúng trăng), Lễ Dolta (Cúng ông bà)...
Nghệ nhân Nhân dân, Hòa thượng Chau Ty, trụ trì chùa Xvay Ton (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cho biết: Nghệ thuật khắc chữ trên lá buông rất kỳ công. Ngay từ lúc còn là búp trên cây, lá buông đã được chọn và ghép vào khung cây để lá phát triển theo ý muốn, tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời từ 3-5 tháng, sau đó cắt xuống, mang phơi khô và sử dụng.
Khi khắc chữ trên lá phải sử dụng mũi bút bằng sắt và viết xong dùng vải thấm than trộn với dầu thông rồi nhúng qua dầu lửa để quét lên chữ khắc.
“Việc khắc kinh, chữ trên lá buông là một việc làm rất khó khăn, cần nhất là ý chí kiên nhẫn và chỉ những ai tinh thông Phật pháp mới có thể làm ra những bộ kinh lá có được nét chữ đẹp, đều đặn, thẳng hàng, rõ ràng để lưu truyền đến thế hệ hôm nay”, Hòa thượng Chau Ty nói.
Bên cạnh đó, nghệ nhân phải tìm không gian yên tĩnh, tập trung cao độ và phải ở nơi đó cho đến khi hoàn thành việc khắc chữ. “Một ngày, nếu nhanh lắm thì nghệ nhân chỉ viết được 2-5 tấm lá. Nếu bất cẩn không tập trung một phút giây thôi, nét chữ bị sai thì cả tấm lá đành phải vứt bỏ. Do đó, để chép xong một bộ kinh có thể mất hàng tháng trời, vì mỗi bộ kinh có độ dài từ 20-60 lá”, ông Chau Chênh (xã Cô Tô, huyện Tri Tôn), một người từng tham gia viết kinh lá buông cho biết thêm.
Trải qua những thăng trầm, biến cố, kinh lá buông dần mai một. Hiện nay, chỉ còn duy nhất Hòa thượng Chau Ty biết viết Kinh chữ Khmer cổ, chữ Pali trên lá Buông và đang truyền lại cho các sư sãi Khmer trong vùng.
Do chiến tranh tàn phá, những cuốn kinh Phật viết trên lá buông hiện nay còn rất ít, chỉ có những chùa lớn, lâu đời mới lưu giữ được. “Tuy nhiên, khâu bảo quản gặp khó khăn, không đảm bảo trước tác động của môi trường nên kinh lá bị hư hỏng theo thời gian, có nguy cơ bị mai một”. sư Ty cho biết.
Trước đây, kỹ thuật viết kinh chỉ được chân truyền cho các đệ tử giỏi nhất nên không nhiều sư sãi biết được. Bây giờ, kinh lá buông cần được bảo tồn nên cần mở rộng để nhiều người có cơ hội tiếp cận với kỹ thuật này. Nhưng do lá buông giờ ít dần, phải nhập mua bên nước bạn với giá thành khá cao nên nhiều người ko muốn học và làm nghề viết chữ trên lá buông.
"Điều lo lắng nhất hiện nay là nguồn lá buông ngày càng khan hiếm. Lá buông không còn dễ tìm thấy như ngày trước, nếu có cũng khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Chúng tôi buộc phải tìm mua nguyên liệu từ các cánh rừng của Campuchia”, Hòa thượng Chau Sơn Hy, trụ trì chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) chia sẻ.
Không chỉ vậy, giới trẻ hiện nay không còn quan tâm và muốn học kỹ thuật viết chữ trên là buông nên nguy cơ nghề làm kinh lá sẽ thất truyền là khó tránh khỏi.
Truyền dạy kinh lá
Theo quý sư sãi tại khu vực Nam Bộ, để bảo tồn kinh lá buông, trước hết phải gìn giữ và sưu tầm các bản kinh lá buông còn lại tại các chùa. Ðồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư và các vị sư ở các chùa.
Theo sư Kim Chane Tha, học viên Cao học ngành Văn hóa học, Trường Ðại học Trà Vinh: Cần số hóa dữ liệu kinh lá buông, từ đó có thể lưu lại được tất cả các kinh lá buông hiện còn được lưu giữ tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer và có thể dễ dàng nghiên cứu về ý nghĩa của văn bản được khắc chạm trên lá buông.
“Đặc biệt, cần chú ý đào tạo nghệ nhân khắc chữ trên lá buông. Song song với việc truyền dạy kỹ thuật khắc chạm trên lá buông, cần phải tính đến việc giảng dạy đọc chữ trên tài liệu lá buông cổ để thế hệ sau có thể nghiên cứu, tìm hiểu rõ hơn các đặc trưng văn hóa Khmer thời kỳ trước”, sư Kim Chane Tha cho biết thêm.
Hòa thượng Chau Ty hướng dẫn các sư sãi viết kinh trên lá buông (Ảnh:TL). |
Thời gian qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã tạo mọi điều kiện cho Hòa thượng Chau Ty mở lớp học để truyền dạy bí quyết làm kinh lá cho 16 vị sư trẻ ở các chùa Khmer trong tỉnh. “Đây là dịp phổ biến rộng rãi, lưu truyền cho các thế hệ sau này. Bằng không, chỉ nghe nói thì đâu ai biết”, hòa thượng Chau Ty nhận định.
Đến nay, tỉnh đã mở thêm 2 lớp cho gần 20 sư sãi, nhằm bảo tồn, phát huy, nâng cao giá trị di sản, phục vụ bạn bè các dân tộc trong nước và quốc tế chiêm ngưỡng.
Sư Chao Mênh, hiện đang tu học tại chùa Làng Chai (huyện Tân Biên), chia sẻ: Cái khó nhất là sự kết hợp thật nhịp nhàng, đều đặn giữa hai tay và nét viết phải có cùng một độ sâu. Nói là viết chứ thực ra chẳng khác gì khắc họa, không đơn giản như chữ viết trên giấy.
“Không chỉ phải học khắc chữ trên lá, chúng tôi còn được sư Ty hướng dẫn làm sao để có một bản kinh đẹp, bền qua các công đoạn sau đó kết nối từng lá lại thành bộ kinh sách, tuân thủ quy tắc riêng để khi mở kinh ra đọc, nội dung không bị xáo trộn”, sư Chao Mệnh chia sẻ thêm.
Bên cạnh việc mở những lớp truyền dạy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cũng thành lập Ban quản lý cấp tỉnh để giữ gìn bảo quản lâu dài. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, giữ gìn và phát huy di sản cho người dân. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng bảo vệ và bảo tồn lâu dài Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này.
Bằng những nỗ lực không mệt mỏi để lưu giữ kỹ thuật viết chữ trên lá buông, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa Xvay Ton, Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia là “Ngôi chùa lưu giữ bộ kinh lá buông nhiều nhất Việt Nam”. Hòa thượng Chau Ty được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú và tháng 3-2019 được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Nhân dân. Đây là niềm vui lớn nhất đối với sư sãi, tà cha và đồng bào phật tử theo đạo Phật giáo Nam Tông Khmer ở An Giang.
Mỗi bộ sách được lưu giữ bảo tồn không chỉ phục vụ cho việc truyền đạt kinh Phật mà thông qua những câu chuyện dân gian, những thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca…đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, góp phần bảo tồn chữ viết và tiếng mẹ đẻ của cộng đồng người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh An Giang nói riêng.
Có thể nói, việc gìn giữ nét văn hóa viết kinh và chữ trên lá buông là vấn đề cấp thiết hiện nay. Qua đó, Hòa thượng Chau Ty cũng như đồng bào dân tộc thiểu số Khmer hi vọng Đảng và nhà nước quan tâm và tạo điều kiện hơn trong việc đào tạo, mở nhiều lớp viết chữ trên lá buông.
“Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, bảo quản và nhân giống cây buông, làm dồi dào nguồn nguyên liệu để phục vụ cho việc mở các lớp khắc chữ trên lá buông. Bên cạnh đó, tạo điều kiện trong việc bảo quản, phục hồi các bộ kinh còn lại trong hệ thống chùa Khmer, để lưu truyền nét văn hóa độc đáo này cho thế hệ sau”, Hòa thượng Chau Ty kiến nghị.
Hải Giang