Cao Lan là một trong số các dân tộc khá ít người nhưng sở hữu bề dày văn hóa hơn 400 năm với nhiều phong tục truyền thống mang bản sắc riêng, trong đó có nghệ thuật trình diễn dân gian như: Hát Sình ca, múa Chim gâu, Xúc tép…
Lo văn hóa, tín ngưỡng bị thất truyền
Là người rất tâm huyết với văn hóa Cao Lan, ông Trần Minh Quang (thôn 14, xã Kim Phú) là người có thể đọc, dịch và chép được sách cổ của người Cao Lan.
“Ở Tuyên Quang, chúng tôi là dân tộc thiểu số đông thứ ba, sau dân tộc Tày, Dao. Văn hóa của người Cao Lan phong phú, nghiên cứu tìm hiểu mãi tôi vẫn thấy cái sâu lắng vô tận của văn hóa cha ông để lại”, ông Trần Minh Quang chia sẻ.
Trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Cao Lan, hát Sình ca là nét đẹp không thể thiếu, được hát vào tất cả những lễ tiết quan trọng của năm và “đang đóng góp một phần quan trọng vào kho tàng văn hóa phi vật thể của đại gia đình các dân tộc Việt Nam”, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Yên Phú cho biết.
Để Sình ca thêm hấp dẫn người xem, những điệu múa như: múa Nón, múa Quạt, múa Tung Còn, múa Khai Đèn... được biểu diễn là điều không thể thiếu.
“Những động tác nhịp nhàng, vui tươi trong các điệu múa hòa cùng làn điệu Sình ca tạo nên sức hút vô cùng đặc biệt”, bà Vi Thị Sửu, chủ nhiệm CLB hát Sình ca của thôn Trại Khách, xã Kim Phú cho biết.
Những món ăn đặc sản của dân tộc Cao Lan (Ảnh:TL). |
Bên cạnh đó, những phong tục truyền thống của dân tộc như lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ tang... cũng mang những nét riêng đầy tự hào của cộng đồng dân tộc Cao Lan nơi đây.
Ngoài ra, những ngôi nhà sàn cổ cũng là một trong những nét đặc sắc của người Cao Lan. “Hiện thôn Trại Khách còn giữ được khoảng 70% nhà sàn truyền thống”, ông Hoàng Liên Sơn, trưởng thôn 15 Trại Khách cho hay.
Không chỉ vậy, nét đẹp văn hóa của bà con dân tộc Cao Lan còn được thể hiện qua những món ăn dân tộc như bánh chưng, bánh dày, bánh dợm, bánh mật...
Dù sở hữu những nét văn hóa phong phú như vậy, nhưng ảnh hưởng của phát triển kinh tế, xã hội nên nét văn hóa dân tộc Cao Lan lại đang dần biến mất khi những người kế cận dần thờ ơ với những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Có thể nói đến nghề thủ công dệt vải, đan lát, nông – công cụ độc đáo đã bị bỏ hoàn toàn. Tiếng nói, chữ viết, hát Sình ca, điệu múa truyền thống, trang phục, phong tục cưới hỏi đang dần biến mất trong cuộc sống của người Cao Lan.
Các kho truyện cổ, tư liệu nghiên cứu, sách đọc về văn hóa dân tộc đang bị thất truyền. Hiện tại, duy nhất tục thờ cúng tổ tiên là được người Cao Lan giữ nguyên.
“Điều lo lắng nhất của chúng tôi là các cuốn sách cổ của cha ông để lại bị thất lạc, mục nát, ít người đọc được. Như vậy, nhiều tư liệu quý sẽ bị mai một, mất dần”, ông Vũ Đức Lợi, Bí thư chi bộ, trưởng thôn 14 nói.
Thêm vào đó, thế hệ trẻ người Cao Lan đang sống và học cùng nhiều đồng bào dân tộc khác, giao tiếp bằng tiếng Việt phổ thông khiến chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình bị lấn át.
“Thế hệ tôi yêu văn hóa của dân tộc mình mới có tâm huyết với sình ca, với tiếng nói dân tộc Cao Lan. Nhưng rồi đây nếu không được lưu truyền về sau, thế hệ con cháu không còn biết đến tiếng nói dân tộc thì có bao nhiêu tài liệu cũng thành vô dụng”, ông Sầm Văn Dừn - người được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Cao Lan tâm sự.
Không chỉ vậy, dân tộc Cao Lan cũng đang thiếu những người am hiểu và lưu giữ những tài liệu. Nếu các thầy cúng trẻ không được đào tạo thì sớm muộn tín ngưỡng của dân tộc cũng mất dần.
Người người gìn giữ, nhà nhà gìn giữ
Trước nguy cơ bản sắc văn hóa của dân tộc bị mai một, người Cao Lan ở Kim Phú đã thành lập nhiều đội văn nghệ không chuyên tại các thôn, bản, huyện theo phương châm “Người người gìn giữ, nhà nhà gìn giữ”.
Bên cạnh đó, xã cũng khuyến khích thành lập CLB giữ gìn bản sắc dân tộc, duy trì hoạt động thường xuyên để bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Cao Lan truyền thống.
CLB giữ gìn bản sắc dân tộc Cao Lan ở thôn 14 xã Kim Phú (Ảnh:TL). |
Đơn cử, cộng đồng dân tộc Cao Lan ở thôn 14 xã Kim Phú đã thành lập CLB giữ gìn bản sắc dân tộc, đến nay đã thu hút được 64 thành viên.
Tham gia CLB, các thành viên tự nguyện đóng góp tiền mua trang phục, dụng cụ. “Hàng quý, CLB duy trì sinh hoạt tại nhà văn hóa thôn, cùng nhau giao lưu văn hóa, văn nghệ, truyền dạy cho thế hệ trẻ những điệu hát, điệu múa của dân tộc mình và giao tiếp, trò chuyện với nhau bằng tiếng Cao Lan, đồng thời giữ gìn trang phục truyền thống dân tộc mình”, chị Vi Thị Sình, thành viên CLB chia sẻ.
Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, CLB còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để giúp bà con dân tộc Cao Lan hiểu rõ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Hiện, toàn xã có 5 CLB gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan được thành lập tại các thôn: 12, 14, 16, 17, 18 với hơn 200 thành viên”, ông Vũ Đức Lợi thông tin.
Không chỉ khuyến khích thành lập các CLB giữ gìn bản sắc dân tộc, thời gian qua xã còn tăng cường phổ biến sâu rộng Luật Di sản văn hóa cùng với tuyên truyền giáo dục pháp luật để chính quyền, các tổ chức xã hội, đoàn thể nhân dân thấy rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc thiểu số.
Hướng tới bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Cao Lan, xã cũng thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa - văn nghệ giữ gìn bản sắc dân tộc, tổ chức các lễ hội Xuân mang đặc sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan như nhảy sạp, đánh cù, chơi yến, biểu diễn “trồng chuối”…, thu hút nhiều CLB, nghệ nhân người Cao Lan trong và ngoài huyện, tỉnh tham gia.
“Nhận thức được việc bảo tồn và lưu giữ loại hình văn hóa truyền thống trước nguy cơ văn hóa của người Cao Lan trong xã dần mai một do phát triển của xã hội hiện đại là việc vô cùng quan trọng, Hội LHPN xã luôn khuyến khích các thế hệ trẻ học tập loại nhạc cụ, điệu hát, múa… góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Cao Lan”, chị Nông Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Phú nói.
Theo đại diện của UBND xã Kim Phú, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục kết hợp bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến nhưng vẫn đậm bản sắc. Từ đó, vừa có thể giữ được truyền thống dân tộc, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Hải Giang