Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên xuyên suốt 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và thuộc các dân tộc: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai...
Nguy cơ mai một "tiếng nói của tâm hồn"
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần, luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Cồng, chiêng nối kết những con người trong cùng một cộng đồng.
Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên (Ảnh: TL) |
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, cồng chiêng có nguồn gốc từ đàn đá; là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20cm đến 60cm, loại cực đại từ 90cm đến 120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi từ 18 đến 20 chiếc.
Cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian và không gian, là tài sản vô giá. Đó là thứ âm nhạc thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng và kỹ năng chế tác.
“Trong tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu.. . hay trong một buổi nghe khan... quanh ngọn lửa thiêng, bên vò rượu cần đều phải có tiếng cồng chiêng. Đây cũng chính là nền tảng tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên”, già làng Siu Phyin (làng Gòong, xã Ia Púch, huyện chư Prông, tỉnh Gia Lai) chia sẻ.
Tuy nhiên, “do sự biến đổi lớn về môi trường và tự nhiên - xã hội, văn hóa cồng chiêng đã bị tác động không nhỏ”, PGS.TS. Lưu Hùng, nhà nghiên cứu Di sản văn hóa nhận định.
Theo đó, cuộc sống hiện đại với tác động của nền kinh tế thị trường khiến không gian văn hóa cồng chiêng với những bến nước, nương rẫy, nhà mồ, không gian rừng… đang bị mất dần trong đời sống cộng đồng các dân tộc bản địa.
Bên cạnh đó, đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng phong phú, với sự xuất hiện nhiều loại hình giải trí mới thu hút giới giới trẻ, khiến cồng chiêng và các loại hình văn hóa dân tộc khác không còn hấp dẫn giới trẻ như trước. Lớp trẻ chưa thật sự yêu thích, quan tâm đến cồng chiêng, trong khi nhiều nghệ nhân giỏi do tuổi tác cao, đã quên hoặc mất dần.
Đáng chú ý, do tác động của kinh tế thị trường, cồng chiêng trở thành... hàng hóa và được giới buôn cổ vật săn lùng ráo riết. Vì vậy, số lượng cồng chiêng ở Tây Nguyên đã giảm đi rất nhiều.
Theo GS. Oscar Salemink (Đại học VU Amsterdam, Hà Lan), người có nhiều nghiên cứu về Tây Nguyên, căn cứ vào sự biến đổi lớn về môi trường và trong bối cảnh Tây Nguyên hiện thời, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng có thể thực hiện được hay không là do chính con người Tây Nguyên.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng nhận định: "Việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là tất yếu, song không hề đơn giản. Do đó, để bảo tồn và phát huy một cách thực chất và bền vững văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, việc bảo tồn ở các cộng đồng dân cư thiết nghĩ là điều quan trọng nhất".
Tăng vai trò chủ thể của người dân
Những năm qua, việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của các cấp, chính quyền địa phương.
Từ những khuyến nghị của các nhà khoa học, những người làm văn hóa ở Gia Lai đã khuyến khích các hoạt động văn hóa có sử dụng cồng chiêng; nghiên cứu phục dựng các lễ hội nguy cơ mai một; huy động các đội chiêng, các nghệ nhân chỉnh chiêng, múa xoang, điêu khắc gỗ, kể khan…, duy trì tổ chức các liên hoan cồng chiêng thường niên ở cấp xã, huyện và tỉnh.
Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương và trường phổ thông dân tộc nội trú truyền dạy cồng chiêng theo hướng bài bản để bảo tồn các bài chiêng cổ. Đồng thời, sát sao hơn trong việc sân khấu hóa làm biến dạng các thể thức biểu diễn cồng chiêng. Đặc biệt, chú trọng các hoạt động văn hóa cồng chiêng trong phát triển du lịch.
Là người tâm huyết với việc gìn giữ văn hóa cồng chiêng của dân tộc, Nghệ nhân Ưu tú Đinh Keo, người Ba Na ở làng Pyang (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: “Để giúp người dân địa phương và các xã lân cận giữ gìn tiếng chiêng truyền thống, nhiều năm nay tôi đã truyền dạy các bài chiêng cho nhiều thế hệ trong và ngoài làng. Đến nay, tôi có khoảng hơn 300 học trò”.
Trong khi đó, tại huyện Đăk Đoa, những năm qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, đội chiêng của xã Glar được mời đi lưu diễn ở rất nhiều nơi. "Nhờ đó, đồng bào thêm yêu bản sắc văn hóa dân tộc và giúp chúng tôi đưa văn hóa của đồng bào mình đến đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh", Nghệ nhân Ưu tú A Lip vui mừng nói.
Tương tự, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã mở nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Nhờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cũng như ý thức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các nghệ nhân mà giờ đây tiếng cồng, chiêng được vang lên đều đặn trong các lễ hội tại các buôn, làng.
Các em gái dân tộc Êđê tham gia lớp học cồng chiêng ở huyện Cư Kuin (Ảnh: TL) |
Nổi bật trong đó là lớp học cồng chiêng ở huyện Cư Kuin với khoảng 40 thanh thiếu niên dân tộc Êđê. Tham gia lớp học, các em được 2 nghệ nhân lớn tuổi, am hiểu cồng chiêng truyền dạy một số kiến thức cơ bản về giá trị của cồng chiêng và cách đánh chiêng.
"Được theo học lớp cồng chiêng này, em rất vui. Qua đó, em cùng các bạn hiểu thêm được những phong tục, văn hóa của dân tộc mình”, em Y Ny Phan Bkrông, xã Ea Ktur nói.
Cùng tâm trạng với Y Ny Phan Bkrông, chị H’Yenh AYun (buôn Êa Đun, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) chia sẻ thêm cảm nhận của mình: “Hiện nay, còn ít người biết đánh cồng chiêng, nếu không có các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy lại thì cồng chiêng sẽ bị thất truyền. Tôi rất lo ngại, sợ tiếng chiêng của dân tộc mình không còn nữa. Vì thế, tôi hy vọng từ lớp cồng chiêng này sẽ có nhiều nơi học hỏi làm theo và cùng lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Vừa qua, tại tỉnh Kon Tum, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với các địa phương tổ chức Hội nghị-hội thảo đánh giá thực trạng quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Tai Hội nghị, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã cùng ngành văn hóa 5 tỉnh Tây Nguyên thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản, qua đó góp phần ngăn chặn nạn “chảy máu” không gian văn hóa cồng chiêng.
Song song với đó, các địa phương đã tổ chức hàng trăm lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, kỹ năng chỉnh chiêng… với sự tham gia của hàng nghìn người. Như ở tỉnh Kon Tum, trong số 622 làng đồng bào dân tộc thiểu số thì có tới trên 500 làng có cồng chiêng, với số lượng lên tới hơn 2.100 bộ.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung cho công tác truyền dạy, chú trọng tổ chức truyền thông. Thêm vào đó, tạo mọi điều kiện, bố trí nguồn lực để các địa phương thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển nâng cao đời sống người dân”, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.
Hải Giang