Với người Mường, tập tục ở nhà sàn đã trở thành nét độc đáo của văn hoá vật chất, là một không gian tinh thần chứa đựng những giá trị tín ngưỡng, phong tục tập quán lâu đời của nhiều thế hệ người Mường.
Kho tàng những giá trị văn hóa
Nhà sàn Mường là sự tiếp nối kiểu kiến trúc nhà sàn vốn có của người Việt cổ. Tuy nhiên, do điều kiện sinh sống ở vùng đồng bằng nên đã chuyển dần từ nhà sàn sang nhà đất, song tên gọi các bộ phận chính trong ngôi nhà vẫn được lưu giữ, chẳng hạn: cột cái, cột con, vì kèo, đòn nóc, đòn tay, rui mè...
Phụ nữ Mường trong trang phục truyền thống (Ảnh:TL). |
Về trang phục phụ nữ Mường, nhìn chung là những màu tự nhiên, không quá rực rỡ, có tính chất thủ công của nghề dệt truyền thống. Một bộ trang phục nữ Mường gồm nhiều yếu tố như: áo, yếm, khăn bịt đầu, thắt lưng (tênh) và váy.
Điểm nổi bật nhất trên bộ trang phục nữ Mường chính là cạp váy. Tất cả cạp váy của phụ nữ Mường đều được mô phỏng cấu trúc và hoa văn trên trống đồng Đông Sơn một cách tinh tế, cầu kỳ nhưng không hề phô trương.
Thêm vào đó là bộ trang sức độc đáo của phụ nữ Mường, chủ yếu là bằng bạc trắng, chia thành nhiều loại: dây xà tích, hộp quả đào, vuốt hổ bọc bạc, vòng đeo tay, chuỗi hạt cườm...
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay tỉnh Hòa Bình có trên 4.000 chiếc cồng chiêng, trong đó có rất nhiều bộ cồng chiêng cổ, quý giá. Cồng chiêng có vai trò rất quan trọng với người Mường. Tiếng cồng chiêng đem lại không khí vui tươi trong những ngày hội, không khí trang nghiêm trong các cuộc tế lễ… và tác động đến nhiều mặt trong đời sống người Mường.
Bên cạnh đó, trong kho của Bảo tàng Hòa Bình đang lưu giữ hơn 70 chiếc trống đồng các loại, trong đó có gần 60 chiếc trống loại II Heger (trống Mường).
Ngoài ra, nền văn hoá độc đáo của dân tộc Mường còn được thể hiện qua ngôn ngữ Mường, những làn điệu dân ca, những áng Mo - Sử thi, những lễ hội, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo lâu đời ... Tất cả đều cần được bảo tồn và phát huy.
Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều yếu tố lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức người dân, không dễ dàng loại bỏ ngay được như: tục cưới xin tảo hôn, ép duyên, thách cưới nặng nề, sinh đẻ không có kế hoạch, tục lệ tang ma phiền phức tốn kém, mê tín dị đoan, thói quen để chuồng trại gia súc gần nơi sinh hoạt làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Trong xu thế hội nhập và phát triển chung, nền văn hoá của dân tộc Mường đang dần biến đổi. Đó là những ngôi nhà sàn thưa dần và cũng đã có những thay đổi về kiểu dáng theo hướng hiện đại.
Thêm vào đó, còn rất ít người Mường mặc trang phục dân tộc, kể cả trong đám cưới truyền thống. Đặc biệt, tiếng Mường đang trong tình trạng báo động, những gia đình Mường ở thị trấn, thành phố đã không còn sử dụng tiếng Mường để giao tiếp hàng ngày.
Thành quả đáng ghi nhận
Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa Mường trước nguy cơ đang dần bị mai một, thời gian qua tỉnh Hòa Bình đã tập trung phát triển du lịch cộng đồng, tạo điều kiện để các làng bản truyền thống của người Mường đón khách đến tham quan, nghiên cứu về cuộc sống của người dân để tạo ra các sản phẩm dịch vụ du lịch đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống người Mường.
Bên cạnh đó, chú trọng phổ cập hóa về giá trị văn hoá Mường tới toàn thể cán bộ, nhân dân trong tỉnh và các tỉnh có người Mường sinh sống. Đồng thời, duy trì những lớp tập huấn ngắn ngày về nghệ thuật cồng chiêng, nghề truyền thống dệt thổ cẩm (cạp váy Mường) và một số lĩnh vực khác.
Mo Mường đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Ảnh:TL). |
Thống kê của ngành VH-TT&DL cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 50 bản, làng du lịch - văn hoá. Trong đó có một số bản làng thu hút đông khách tham quan như: Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong), mỗi năm đón trên 1 vạn khách đến tham quan...
Từ đó, tỉnh đã đề ra một số giải pháp, trong đó, mỗi địa phương chọn một vài xóm, bản còn giữ được nhà sàn theo phong cách Mường cổ để đầu tư, giữ gìn, tìm ra các phương án thay thế để không làm mất đi bản sắc ngôi nhà Mường.
Thực hiện chủ trương, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án bảo tồn, phục dựng làng truyền thống tiêu biểu dân tộc Mường nằm trên địa bàn xóm Ải (xã Phong Phú, Tân Lạc) - một trong những làng cổ xưa nhất ở tỉnh.
Nội dung chính của dự án là phục dựng, lưu giữ quần thể kiến trúc làng Mường cổ, nếp sống, sinh hoạt của cư dân bản địa, khôi phục các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ, đặc biệt là phục dựng các lễ hội truyền thống của người Mường Bi.
“Từ việc khai thác nguồn lợi tự nhiên của quần thể di tích, danh lam thắng cảnh độc đáo của làng Mường, dự án đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào Mường, đảm bảo cho nhân dân được tham gia hoạt động du lịch cộng đồng và khôi phục lại các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần...”, đại diện UBND huyện Tân Lạc cho biết.
Ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian qua tỉnh đã đạt được những kết quả đáng mừng, phục dựng 1 làng văn hóa truyền thống; hàng chục làng văn hóa du lịch cộng đồng cấp tỉnh; thực hiện được gần 30 đề tài khoa học về văn hóa, dân tộc; đầu tư thực hiện được gần 50 lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian, hàng trăm lớp dạy chữ dân tộc; phục dựng, duy trì 59 lễ hội.
“Đặc biệt, mo Mường và nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, mo Mường được Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ VH-TT&DL phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể mo Mường Hòa Bình trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cần bảo vệ khẩn cấp”, ông Linh nói.
Hiện, tỉnh đã thành lập được 2 câu lạc bộ mo Mường ở Tân Lạc và Lạc Sơn; có 18 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, 27 nghệ nhân đang lập hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa đợt 3. Trong đó, 1 nghệ nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân; tổ chức xây dựng bộ chữ phiên âm tiếng Mường từng bước đưa vào giảng dạy.
Ngoài ra, Sở VH-TT&DL cũng đang tiến hành sưu tầm, lập hồ sơ nghệ thuật múa keeng loóng của người Thái và tri thức dân gian lịch Đoi của người Mường để trình Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hải Giang