Đầu tháng Ba vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 825 công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021. Tại quyết định này, nghề làm tranh thờ của người Dao đỏ thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nguy cơ thất truyền
Nghề làm tranh thờ là một trong những nghề thủ công độc đáo nhất, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người Dao nói chung và người Dao đỏ nói riêng. Theo truyền thống, trong nghi lễ thờ cúng, người Dao luôn sử dụng rất nhiều tranh thờ, và trong mỗi nghi lễ, như ngày Tết, lễ Cấp sắc, tết Nhảy… lại có những loại tranh riêng.
Người Dao cho rằng, nhờ các vị thần mà cuộc sống được bình yên, thuận lợi nên họ đã vẽ những bức tranh của các vị thần và coi đó là vật linh thiêng, dùng trong các lễ cúng.
“Trong các nghi lễ thì Lễ Tẩu sai - nghi lễ quan trọng nhất trong vòng đời của người Dao được treo nhiều bộ tranh thờ nhất. Những bộ tranh này có tuổi đời hàng chục năm, thậm chí hơn 100 năm và được truyền từ đời này qua đời khác”, nghệ nhân dân gian Lê Hải Thanh, dân tộc Dao Quần Trắng ở thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết.
Tranh thờ của người Dao đỏ không chỉ thể hiện sự khéo léo ở kỹ thuật làm tranh, mà còn chứa đựng yếu tố giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật. Một bộ tranh thờ gồm nhiều bức tranh khác nhau và được vẽ rất kỳ công, từ khâu làm giấy vẽ, lựa chọn mực vẽ.
Những bức tranh thờ của người Dao bị hư hại. (Ảnh: TL). |
So sánh những bức tranh cũ hằn rõ dấu ấn thời gian với những bức tranh rất mới có sự khác biệt rất lớn. Những bức tranh cũ được vẽ trên giấy gió đã ngả màu, nét vẽ mềm mại, sắc nét, có hồn, biểu cảm của các nhân vật trong tranh rất sinh động, màu sắc rất đẹp, mang lại cho người xem cảm giác chân thực. Trong khi những bức tranh mới, nét vẽ không được tinh tế, giấy vẽ không phải giấy dó.
Bên cạnh đó, kỹ thuật vẽ tranh thờ của người Dao không phải ai cũng vẽ được. Người vẽ tranh cũng phải tuân thủ những nguyên tắc, luật lệ nhất định, nên việc hoàn thành một bộ tranh thường mất khoảng vài tháng đến 1 năm. Do đó, giá của mỗi bộ tranh thờ lên tới hàng chục triệu đồng nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện có được một bộ tranh thờ theo đúng cách vẽ truyền thống. Đây cũng là lý do số lượng tranh thờ không còn nhiều.
“Đối với người vẽ cũng như học vẽ tranh thờ luôn phải có những quy tắc riêng, đó là phải sống thanh sạch, không sát sinh... nên rất ít người theo nghề, nguy cơ bị mai một là khó tránh khỏi”, nghệ nhân anh Bàn Văn Sâm, người Dao Tiền, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng chia sẻ.
Thực tế cho thấy, nhiều bức tranh thờ của người Dao đã bị mục nát, hư hại nghiêm trọng. Nhiều bức đã bị bong tróc hết các lớp giấy lót, chỉ còn mặt tranh và nhiều khả năng sẽ bị hỏng hoàn toàn. Hay như có bức đã bị ẩm mốc, mối mọt ăn rách gần hết. Thậm chí có bức chỉ còn lớp giấy lót, mặt tranh bị nhàu nát, không còn nhìn được hình vẽ trên tranh và màu sắc trên các bức tranh bị phai nhạt, biến đổi khá nhiều.
Đáng lo ngại hơn, số lượng nghệ nhân vẽ được tranh hiện nay cũng chỉ còn lại trên đầu ngón tay. Ngoài ra, nhiều gia đình đã mất hẳn tục thờ tranh, mất dần bản sắc văn hoá độc đáo.
Nỗ lực để bảo tồn
Theo tìm hiểu, hiện nay người biết vẽ tranh thờ trong đồng bào Dao tại các tỉnh mặc dù khá hiếm nhưng những việc làm thiết thực của họ để bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình rất đáng trân trọng.
Có thể nhắc đến như nghệ nhân dân gian Lê Hải Thanh. Là người say mê học chữ Nôm Dao, vẽ tranh thờ từ khi còn nhỏ, đến nay ông là một trong số ít người trong cộng đồng người Dao hiện nay biết vẽ tranh thờ. Nhiều năm qua, người Dao ở nhiều nơi như Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ… đều tìm đến nhờ ông vẽ một bộ tranh để đặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên.
Tâm huyết với việc lưu giữ, bảo tồn và duy trì những tư liệu, văn hóa tín ngưỡng của người Dao, ông Thanh vẫn luôn giữ tâm nguyện truyền đạt lại kiến thức, kinh nghiệm của mình cho thế hệ mai sau.
Với suy nghĩ tranh thờ là một báu vật của người Dao, ai cũng phải có trách nhiệm gìn giữ và lưu truyền đến muôn đời sau để văn hóa Dao luôn trường tồn cùng thời gian, ông đã mở lớp truyền dạy cho những người muốn tìm hiểu và học hỏi môn nghệ thuật này.
Theo học ông Thanh gần 20 năm nay, anh Đặng Văn Chiển chia sẻ: “Học vẽ tranh thờ khó nhất là phần hồn và để thể hiện đúng thần thái của từng bức tranh, các vị thần là điều không đơn giản, phải có sự tập trung cao. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để có thể tạo ra những bức tranh nhằm bảo tồn và lưu giữ cho thế hệ sau này”.
Những bức tranh mới trên chất liệu vải toan của nghệ nhân Bàn Văn Sâm. (Ảnh: TL). |
Nhắc đến vấn đề gìn giữ tranh thờ của người Dao, nghệ nhân Bàn Văn Sâm đã chia sẻ những suy nghĩ của mình. Theo anh việc phục chế các bức tranh đã hư hại là rất khó, bằng những kiến thức hiện đại đã học được, hiện anh đang giúp các thầy cúng vẽ tranh thờ. Anh đã chọn chất liệu vẽ là vải toan để những bức tranh có thể lưu giữ được lâu hơn.
“Vẽ tranh thờ rất khó, không phải cứ vẽ đẹp là được! Vải toan rất bền nên tranh có thể giữ được hơn 100 năm. Tôi cũng chọn mực acrylic để vẽ, mực này tốt và bền với thời gian hơn”, anh Sâm nói, đồng thời cho biết, trong 7 năm qua, anh luôn ý thức sưu tầm, chụp lại hình ảnh các bức tranh cổ để làm tư liệu phục vụ cho việc vẽ tranh của mình.
Anh Sâm cho biết thêm, trong điều kiện hiện nay, việc bảo quản những bức tranh thờ hiện có của người Dao là điều rất quan trọng. Do đó, anh làm với mong muốn giữ gìn di sản vô giá của người Dao, vì để bảo quản một bức tranh đúng cách đòi hỏi những điều kiện hết sức khắt khe.
“Cần có dự án thống kê, sưu tầm số lượng tranh thờ hiện có để có phương án bảo tồn, bảo quản và phát huy giá trị của dòng tranh đặc sắc này”, anh Sâm nêu ý kiến.
Ở Lào Cai, thời gian qua, chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng luôn dành sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để có thể hỗ trợ nghệ nhân mở lớp truyền dạy kỹ năng vẽ tranh thờ nhằm tìm người kế cận, lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình.
Nghệ nhân Chảo Sành Nhàn, thôn Pờ Si Ngài, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Mặc dù còn ít người theo học nhưng hi vọng rằng với sự quan tâm của chính quyền, thời gian tới sẽ có nhiều học viên quan tâm và theo học hơn nữa”.
Bên cạnh đó, các trưởng thôn, bản ở đây cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có nghề truyền thống vẽ tranh thờ của người Dao.
Hải Giang