Các nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, mặc đồ dệt thổ cẩm là truyền thống của người Hrê. Theo quan niệm của đồng bào Hrê, màu đen và trắng tượng trưng cho đất và nước, màu đỏ tượng trưng cho thần linh nên màu sắc chủ đạo của thổ cẩm là đen, đỏ, trắng.
Sản phẩm mang sắc thái truyền thống
Mỗi sản phẩm thổ cẩm của người Hrê chính là sản phẩm tinh thần mang sự sáng tạo, tài năng và khiếu thẩm mỹ của người thợ dệt, được lưu truyền từ lâu đời.
“Nghề dệt và sản phẩm dệt truyền thống của người Hrê khẳng định sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình qua cách tạo hình hoa văn trên sản phẩm dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống của người Hrê”, bà Nguyễn Thị Đú, thợ dệt làng Teng (xã Ba Thành) chia sẻ.
Nghề dệt và sản phẩm dệt truyền thống của người Hrê khẳng định sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình (Ảnh:TL) |
Các hoa văn, họa tiết trên tấm thổ cẩm chủ yếu theo dạng hình học được liên kết thành ô nối tiếp nhau. Hoa văn có đường thẳng, đường lượn sóng tạo nên hình dáng cách điệu là con sông, con suối..., hoặc hoa văn có hình giống các loại vật trong thiên nhiên như cỏ cây, hoa lá, chim muông... Tất cả hoa văn trên thổ cẩm đều tái hiện lại cuộc sống hằng ngày, văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào Hrê.
Để dệt nên một tấm thổ cẩm thì việc dùng nguyên liệu, tạo màu, công đoạn làm khung dệt và kỹ thuật dệt đòi hỏi rất công phu. Do đó, “muốn trở thành một nghệ nhân thành thạo nghề dệt thổ cẩm không phải ai cũng làm được, hơn nữa để phát huy các mẫu hoa văn đẹp và phong phú lại càng khó”, bà Đú cho biết thêm.
Theo các già làng, thời gian và những thay đổi của lịch sử, đặc biệt là qua thời kỳ chống Pháp đến thời chống Mỹ đã làm cho nghề dệt thổ cẩm của bà con nơi đây đã bị mai một rất nhiều.
Bên cạnh đó, nghề dệt vải từ sợi bông đến nay đã không còn, và nghề dệt vải bông cũng rất khó khôi phục vì sợi dệt công nghiệp ngày nay đã phát triển và thịnh hành hơn.
“Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê ở đây đã có từ thời xa xưa. Trước đây, sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Hrê dệt thủ công, nguyên liệu chủ yếu là bông trồng trên rẫy. Tuy nhiên, vài năm nay, cây vải bông đã không còn, những thợ dệt làng Teng lấy chỉ sợi nhiều màu sắc và dệt vải”, già Phạm Thị Triều (làng Teng) cho biết.
Làng Teng là nơi duy nhất của những người Hrê còn giữ nguyên bản sắc văn hóa truyền thống dệt thổ cẩm độc đáo. Hiện, làng Teng có khoảng 10 nghệ nhân dệt vải thủ công nhưng công việc không thường xuyên do nghề dệt gặp nhiều khó khăn về đầu ra và giá thành.
“Giá thành sản phẩm mỗi bộ thổ cẩm khá cao, khoảng 800.000 đồng/bộ nên rất hiếm người mua, mặc dù công dệt vải rất nhiều và làm thủ công. Người thợ chỉ dệt vải khi có yêu cầu và khách hàng đặt mua”, đại diện UBND xã Ba Thành thông tin.
Giữ màu cho nghề dệt
Trước nguy cơ nghề dệt thổ cầm ở làng Teng nói riêng và toàn huyện Ba Tơ nói chung dần bị mai một, những người phụ nữ làng Teng đã nỗ lực khôi phục và quyết tâm gìn giữ nghề.
Một trong những nghệ nhân có công lưu giữ những nét văn hóa thổ cẩm là chị Phạm Thị Găm, dân tộc Hrê ở thôn Làng Teng. Chị Găm là người dệt thổ cẩm rất điêu luyện, giỏi nhất nhì thôn, với những mẫu hoa văn phong phú và đẹp mắt, nắm bắt nhanh các xu hướng dệt “thời thượng".
“Trang phục trước đây đa phần là họa tiết hình học như hình thoi, chữ nhật, hình vuông và họa tiết mây núi, sông suối, lá cây, thiên nhiên… Ngày nay, những họa tiết cũ được ghép thêm những họa tiết mới theo hướng “thời thượng” để phù hợp với xu hướng phát triển thị trường, mà vẫn giữ nguyên bản sắc vải dệt”, chị Găm nói.
Với niềm say mê hoa văn thổ cẩm, chị Găm đã miệt mài sưu tầm và phát huy các hoa văn trên thổ cẩm của đồng bào Hrê. Chị đã được mời đi tham dự Hội chợ triển lãm làng nghề truyền thống Việt Nam tại Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, tham gia giao lưu và giới thiệu thổ cẩm tại Làng văn hóa các dân tộc ở Hà Nội. Nhờ vậy, các sản phẩm do chị dệt được nhiều người, nhiều nơi trong cả nước biết và tìm đến đặt hàng.
Các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Hrê được nhiều nhà thiết kế thời trang đánh giá cao (Ảnh: TL) |
Trong khi đó, là một người H’rê khéo buôn bán, chị Phạm Thị Sinh (làng Teng) đã đưa những tấm thổ cẩm của bà con nơi đây đi rất xa khắp trong Nam ngoài Bắc.
“Nghề dệt của làng mình giờ đang hồi sinh lại rồi. Nhiều khung dệt của bà con đã bắt đầu hoạt động lại. Cuộc sống bây giờ khá giả hơn trước nên bà con đòi hỏi màu sắc phải phù hợp, đường dệt phải đều phải đẹp hơn thì mới bán được. Nhiều người dưới xuôi, hay cả người nước ngoài thích những tấm thổ cẩm này lắm”, chị Sinh phấn khởi nói.
Bên cạnh những đóng góp của các nghệ nhân, những người phụ nữ dân tộc Hrê, những năm qua, các sở, ngành, địa phương liên quan trong tỉnh cũng đã khuyến khích và hỗ trợ để phát triển nghề dệt thổ cẩm.
Để có cơ sở bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê huyện Ba Tơ, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và chính thức được công nhận theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/1/2019.
Tiếp đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Văn bản số 890/UBND-KGVX về việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê. Đồng thời, triển khai Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn làng Teng”. Dự án được xây dựng trên diện tích 1,48ha tại xã Ba Thành với vốn 10,5 tỷ đồng. Đây là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Hrê.
“Dự án được các nghệ nhân, già làng rất quan tâm. Qua đó, thế hệ con cháu sau này sẽ biết và hiểu hơn về phong tục tập quán dân tộc Hrê, những nét văn hóa ngày xưa của ông bà tổ tiên”, đại diện UBND xã Ba Thành nhận xét.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học và dự án bảo tồn nghề dệt thổ cẩm. Đồng thời, tích cực hỗ trợ người dân tham gia các cuộc liên hoan, lễ hội trong tỉnh và toàn quốc nhằm góp phần quảng bá rộng rãi sản phẩm dệt thổ cẩm.
“Các sản phẩm thổ cẩm làng Teng đã được quảng bá, giới thiệu tại nhiều nơi trong nước. Đặc biệt, sản phẩm trưng bày tại Festival Nghề truyền thống Huế được nhiều nhà thiết kế thời trang đánh giá rất cao”, đại diện UBND xã Ba Thành cho biết.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn có chính sách hỗ trợ làng Teng mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm nhằm đẩy lùi nguy cơ mai một của nghề dệt thổ cẩm, giải quyết thời gian nhàn rỗi, cải thiện đời sống cho bà con nơi đây. Theo đó, Huyện Đoàn Ba Tơ đã tổ chức lớp dạy nghề dệt thổ cẩm dân tộc Hrê cho đồng bào trong vùng và mời chị Phạm Thị Găm làm giảng viên truyền dạy nghề cho bà con.
“Đến nay, nhiều hộ gia đình ở làng Teng đã tập trung đầu tư dệt thổ cẩm, phát triển nghề và đã có 70 hộ Hrê làm nghề dệt thổ cẩm”, ông Lữ Đình Tích, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ thông tin.
Hiện, làng Teng đã thành lập được tổ dệt với 5 người. Hàng tháng, Tổ dệt này tổ chức sinh hoạt định kỳ tại nhà văn hóa để trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm dệt, liên kết làm sản phẩm cho khách hàng. Nhờ đó, số lượng phụ nữ ở làng Teng biết dệt đã tăng lên đáng kể.
“Bây giờ, các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Hrê làng Teng được đồng bào Ba Tơ và các huyện Minh Long, Sơn Hà mua sử dụng trong các dịp lễ hội. Nhiều du khách đến Ba Tơ cũng mua một số sản phẩm dệt thổ cẩm để làm quà lưu niệm”, ông Lữ Đình Tích cho biết.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi định hướng phát triển làng nghề truyền thống này gắn với phát triển du lịch để có thể vừa bảo tồn, vừa phát huy, gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc H’rê, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.
Hải Giang