Mặc dù đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, các hình thức sinh hoạt hát Then đã được sự quan tâm của chính quyền các cấp, nhưng so với trước đây đã bị mai một phần nào, không còn nguyên vẹn, đầy đủ. Thậm chí, một bộ phận người dân tộc Tày, đặc biệt là giới trẻ không còn nói được tiếng mẹ đẻ...
Nỗ lực gìn giữ của các nghệ nhân
Theo các nhà bảo tồn văn hóa dân tộc, để gìn giữ và chuyển tải những giá trị hát Then truyền thống, cổ xưa cho thế hệ tương lai thì những nghệ nhân Then là yếu tố vô cùng quan trọng. Do đó, cần phải mở nhiều lớp học hát Then – đàn Tính, đặc biệt là việc truyền dạy Then cổ cho lớp trẻ.
Nhắc đến nghệ nhân hát Then ở Bắc Kạn, ít ai không biết nghệ nhân Nông Trọng Quyết (huyện Chợ Đồn). Nhiều năm qua, anh vẫn miệt mài tìm kiếm những điệu Then cổ để truyền dạy cho những người mê hát.
Đặc biệt, có nhiều lời Then cổ tưởng chừng đã mất đã được anh tìm lại và trở thành “di sản” trong kho tàng văn hoá dân tộc Tày. Không chỉ vậy, anh còn sáng tác, đặt lời cho những làn điệu Then ca ngợi tình yêu lao động, lứa đôi và tình yêu quê hương đất nước. Từ đó đã khơi dậy tình yêu, sự đam mê ở nhiều thanh niên dân tộc Tày.
Tham gia lớp học hát Then - đàn Tính của nghệ nhân Nông Trọng Quyết, chị Hoàng Thị Yến chia sẻ: "Vốn đã đam mê những làn điệu Then của dân tộc mình, nay được theo học anh Quyết và hiểu rõ hơn về những làn điệu Then tôi cảm thấy rất tự hào về văn hóa dân tộc mình. Tôi sẽ cố gắng lan tỏa những hiểu biết của mình để những người trẻ cũng có niềm đam mê, chung tay giữ gìn những làn điệu Then".
Nghệ nhân Dương Thục bên chiếc đàn Tính 12 dây (Ảnh: TL) |
Hay như nói về cây đàn Tính, nhiều người dân ở Bắc Kạn đều biết đến “Vua tính tẩu”, nghệ nhân Dương Văn Thục (thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể), ở thời điểm hiện tại, ông là người duy nhất ở Bắc Kạn chế tạo và đánh được cây đàn Tính 12 dây.
Nghệ nhân Dương Văn Thục có hơn 20 năm tìm hiểu, nghiên cứu về cây đàn Tính, ông bảo: "Cây đàn tính tẩu 12 dây được thiết kế cực kỳ phức tạp, nó có thể đánh được tất cả các làn điệu dân ca của Bắc - Trung - Nam với những âm thanh khác nhau, không dây nào giống dây nào. Giờ đây, đàn tính tẩu 12 dây đã thành hiện thực, không còn là sự tích nữa".
Đến nay, ông đã làm được 3 chiếc đàn, một chiếc đã được đưa vào Bảo tàng Bắc Kạn, một chiếc được mang về Hà Nội trưng bày, còn lại một chiếc ông đang sử dụng. Ông cũng đang truyền dạy cách đàn Tính và hát Then cho lớp trẻ để giữ gìn nét đẹp của cây đàn Tính cùng với những làn điệu Then.
“Cây đàn Tính 12 dây được đưa vào bảo tàng Bắc Kạn chính là cơ hội để quảng bá cây đàn Tính, làn điệu Then đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn nét văn hóa đang dần mai một”, đại diện Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể nói.
Cũng như các nghệ nhân khác, mang trong mình niềm đam mê với điệu hát Then - đàn Tính, nghệ nhân Văn Tiến Khởi (thôn Khuổi Tặc, xã Bằng Lãng, Chợ Đồn) đã tự mày mò học hỏi nhiều người để biết cách chơi đàn Tính và luyện giọng hát Then từ những người già ở địa phương.
Anh đã tham gia biểu diễn, biên soạn nội dung chương trình văn nghệ và dần trở thành cộng tác viên tích cực tham gia các chương trình văn nghệ, các hội thi, hội diễn ở địa phương từ cấp huyện, tỉnh đến thành phố và đạt được nhiều thành tích, giải thưởng đáng tự hào.
Cùng với sưu tầm, biên soạn, anh Khởi còn sáng tác, đặt lời hàng chục bài Then có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước và tình yêu đôi lứa. Nhiều năm nay, anh đã truyền dạy nghệ thuật hát Then - đàn Tính cho những người có đam mê với loại hình nghệ thuật này, nhất là các thanh, thiếu niên ở trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, trong quá trình gắn bó với loại hình nghệ thuật này, anh Khởi còn tự tìm hiểu để chế tác cây đàn Tính theo phương pháp thủ công truyền thống. Từ chiếc đàn bằng ống bơ hai dây, rồi anh mượn được cây đàn tính 3 dây của Phòng văn hóa, anh đã mày mò tự đục, đẽo làm hoàn chỉnh cây đàn tính 3 dây của chính anh.
“Để cây đàn Tính vang ra những âm thanh chuẩn, gỗ được sử dụng phải là gỗ thừng mực. Đây là loại gỗ nhẹ, khi tách ra không mẻ và mỏng đẹp, bầu làm đàn đủ già, khoảng cách từ trôn bầu đến điểm cần cắt chừng 17 phân, vì nếu ngắn hơn hoặc dài hơn, âm sẽ không thoát được. Bên cạnh đó, đàn Tính âm thanh chìm hay nổi là do mặt đàn nên gỗ làm mặt đàn tốt nhất là gỗ đinh thối hay gỗ dẻ trắng”, anh Khởi cho hay.
Đến nay, những cây đàn Tính do anh làm ra ngày càng hoàn thiện cả về hình thức, cấu trúc kỹ thuật, mỹ thuật và âm thanh nên được nhiều người ưa thích. Tiếng lành đồn xa, nhiều nghệ nhân đã tìm đến anh để đặt làm đàn. Hiện, anh đã làm được khoảng trên 300 trăm cây đàn Tính phục vụ cho các nghệ nhân ở nhiều nơi.
"Hoạt động sưu tầm, biên soạn, biểu diễn, truyền dạy kỹ thuật hát Then - đàn Tính và sản xuất, cung ứng những cây đàn Tính của anh Văn Tiến Khởi đã đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Vì thế, những cá nhân có nhiều tâm huyết, có nhiều đóng góp như anh Văn Tiến Khởi là rất đáng trân trọng", đại diện Văn hóa và Thông tin huyện Chợ Đồn cho biết.
Thành lập nhiều câu lạc bộ
Có thể nói, những hoạt động của các nghệ nhân đã đóng góp tích cực vào việc gìn giữ, thổi hồn vào điệu hát Then độc đáo này. Song để phát huy việc bảo tồn Di sản này vẫn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp chính quyền.
Thời gian qua, để khắc phục và phát huy những thế mạnh của những nghệ nhân cao tuổi, Sở VH - TT&DL Bắc Kạn đã tổ chức mời các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy loại hình nghệ thuật này cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, có chế độ chính sách đãi ngộ các nghệ nhân xứng đáng để công tác truyền dạy hát Then - đàn Tính đạt hiệu quả.
Biểu diễn hát Then - đàn Tính tại Hội xuân xã Xuân Dương, huyện Na Rì (Ảnh: TL). |
Bên cạnh đó, hàng năm Sở còn tổ chức những hoạt động liên hoan giao lưu hát Then - đàn Tính ở mọi cấp và có sự biểu dương, khen thưởng kịp thời những đơn vị làm tốt. Đồng thời, cùng nhân dân phục dựng những lễ Then cấp sắc, Then chữa bệnh…
Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng phát triển việc gắn hát Then - đàn Tính với làm du lịch, vừa góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giúp đồng bào có công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống, vừa tăng thêm phần hấp dẫn đối với du khách khi đến với Bắc Kạn. Năm 2021, Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Kạn phấn đấu xây dựng mô hình CLB hát Then - đàn Tính trên địa bàn các huyện Na Rì, Chợ Đồn, Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn, số lượng mỗi CLB từ 20 hội viên trở lên.
"Việc xây dựng mô hình các CLB hát Then - đàn Tính cấp huyện góp phần tạo nên sân chơi văn hóa lành mạnh, bổ ích dành cho những người yêu thích làn điệu Then, truyền dạy hát Then cho thế hệ trẻ có lòng đam mê và tham gia phục vụ, biểu diễn tại các chương trình, lễ hội lớn của tỉnh, huyện", đại diện sở VH- TT&DL tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh.
Hải Giang