Theo quan điểm của Bộ Tài chính trong phương án mới chỉ tăng thuế GTGT từ 10% lên 11% là để giảm tác động đến sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Bởi lẽ, thuế GTGT là sắc thuế tiêu dùng và đối tượng chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam.
Cho nên, chính Bộ Tài chính cũng thừa nhận là việc điều chỉnh thuế suất có thể tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và tác động đến tiêu dùng của người dân.
Chưa khuyến khích tiêu dùng
Nên biết rằng xét về cơ cấu thuế hiện nay, thuế GTGT đang trở thành nguồn thu thuế chính của Việt Nam, vượt cả nguồn thu từ thuế DN.
Ba loại thuế DN, GTGT và xuất nhập khẩu chiếm đến hơn 70% tổng nguồn thu ngân sách từ thuế và phí của Việt Nam. Kể từ năm 2013, tỷ trọng nguồn thu thuế từ GTGT đã tăng lên mức 30% và đến năm 2014 chính thức lớn hơn tỷ trọng thu từ DN.
Tuy nhiên, như chia sẻ của luật sư Trần Xoa, Giám đốc công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang, mức thuế suất thuế GTGT của Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực lân cận là thuộc dạng cao.
Đơn cử như Đài Loan (5%), Malaysia (6%), Singapore, Thái Lan (7%). Trong khi đó, Việt Nam cùng với Indonesia, Lào, Campuchia có mức thuế suất đến 10%, còn Philipines là 12%.
Cho nên, vào tháng 9/2017, khi Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% thì khi ấy, nhiều DN và giới chuyên gia, luật sư đã phản ứng là tăng khá cao so với các nước trong khu vực và làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ, không khuyến khích tiêu dùng, không phù hợp với thu nhập của đa số người dân Việt Nam trong tình hình kinh tế hiện nay.
Trong khi đó, theo Luật Ngân sách nhà nước 2015, các sắc thuế gián thu (như thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt) hiện đang được tính cho các địa phương có cơ sở sản xuất ra các mặt hàng chịu thuế. Vì các sắc thuế này được nộp bởi người tiêu dùng ở nhiều địa phương khác nhau nên giới chuyên gia khuyến nghị là thuế cần được phân chia theo cách công bằng hơn.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy một số quốc gia đã tập trung nguồn thu từ thuế GTGT để phân bổ lại cho các địa phương theo công thức. Ví dụ dựa trên dân số, GDP và/hoặc mức tiêu dùng theo đầu người ở từng địa phương
Có một điểm đáng ghi nhận trong dự thảo mới của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế mà Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định, đó là Bộ Tài chính đã chính thức bỏ đề xuất đánh thuế GTGT với chuyển quyền sử dụng đất.
Rõ ràng, đề xuất trước đó của Bộ Tài chính trong chuyện đánh thuế này đã từng vấp phải sự phản ứng từ nhiều giới. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, cho rằng việc này chỉ dẫn đến tình trạng “thuế chồng thuế”.
![]() |
Phương án tăng thuế GTGT từ 10% lên 11% có thể tác động đến tiêu dùng của người dân
Ai chịu thiệt?
Còn theo quan điểm của phía công ty Deloitte Việt Nam, quyền sử dụng đất có thể không được coi là một hàng hóa thông thường. Như định nghĩa về hàng hóa quy định tại Luật Thương mại (khoản 2 Điều 3) thì quyền sử dụng đất (không phải là động sản cũng không phải làm vật gắn liền trên đất) không thỏa mãn điều kiện để được coi là hàng hóa, do đó không thuộc đối tượng điều chỉnh của thuế GTGT.
Qua trao đổi với Thời báo Kinh Doanh từ phương án nâng thuế suất thuế GTGT lên 11%, nhiều DN cho biết họ cũng hiểu những khó khăn về nguồn thu ngân sách nhà nước khi thực hiện cam kết lộ trình giảm thuế quan trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới với các hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương.
Đồng thời, Nhà nước còn phải trang trải các khoản chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, cần phải hiểu thuế GTGT có tác động rất lớn đối với nền kinh tế, tất cả DN, cũng như cuộc sống của người dân. Chẳng hạn như trong thị trường bất động sản, đặc biệt là nhà ở sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, thi công xây dựng, kinh doanh, dịch vụ.
Việc đề xuất tăng thuế GTGT theo phương án của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công… tăng lên, giá bán nhà tăng lên. Do vậy, nếu giữ nguyên thuế suất thuế GTGT là 10% từ nay đến năm 2021 thì phù hợp hơn.
Được biết, Bộ Tài chính đánh giá việc tăng thuế suất thuế GTGT sẽ làm tăng thu ngân sách nhà nước khoảng 1% GDP vào năm 2019. Còn theo Ths. Trần Minh Hiệp (Đại học Luật Tp.HCM), trong bối cảnh ngân sách nhà nước bị thâm hụt, việc tăng thuế để đảm bảo nguồn thu là cần thiết.
Tuy nhiên, nên tăng thu theo hướng mở rộng các loại thuế khác như thuế tài sản, mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Còn việc tăng thuế đối với loại thuế gián thu có phạm vi điều tiết rộng như thuế GTGT là một bước lùi trong thực hiện chính sách công bằng trong điều tiết thuế tại Việt Nam.
Cần thấy, việc tăng thuế GTGT (từ 10% lên 11%) sẽ gia tăng gánh nặng về thuế cho người có thu nhập thấp, cho những người nông dân. Họ phải trả thuế GTGT gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa, dịch vụ mà họ tiêu dùng và sử dụng. Đây là đối tượng dễ tổn thương cần phải chia sẻ gánh nặng về thuế.
Thế Vinh