![]() |
Các HTX thu mua chè của bà con tại xã Phổng Lái, Phổng Lập, Chiềng La... về sản xuất chế biến, nhờ đó đã nâng cao được giá trị của cây chè. |
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã tạo ra một vùng trồng trái cây trù phú ở Thuận Châu (Sơn La). Để tìm đầu ra sản phẩm trái cây cho bà con không phải chịu cảnh được mùa mất giá, chính quyền địa phương đã triển khai liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng nông sản. Đây là hướng đi được triển khai sớm và mang lại hiệu quả tích cực cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Thuận Châu.
Hiệu quả từ mô hình liên kết
Những năm qua, HTX Nông nghiệp Nong Ten, xã Nậm Lầu (Thuận Châu) tích cực đổi mới phương thức hoạt động, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các thành viên, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.
Với quy mô hơn 40 ha cây cà phê, cùng các loại cây ăn quả mận tam hoa, mận hậu, xoài, cam trồng xen diện tích cây cà phê, ngay từ khi được thành lập năm 2019, HTX đã liên kết đồng bào dân tộc nơi đây để sản xuất. HTX hoạt động trên nguyên tắc các hộ thành viên tự sản xuất trên diện tích đất canh tác của gia đình, HTX hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tỉa cành, phun thuốc và hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Chia sẻ với báo chí, anh Cà Văn Hạnh, thành viên HTX Nông nghiệp Nong Ten cho biết, hộ anh hiện có hơn 3 ha cây cà phê trồng xen cây mận và 1,5 ha mận trồng riêng, sản lượng mỗi năm đạt gần 40 tấn quả cà phê tươi. Bán cà phê và mận quả mỗi năm gia đình anh thu trên 300 triệu đồng.
“Trước đây chưa tham gia HTX, thiếu kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc, nên năng suất thấp, sản lượng chỉ đạt trên 25 tấn quả/năm. Từ khi tham gia HTX, tôi được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tỉa cành, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng... nhờ vậy, năng suất cao gấp 1,5 lần so với trước”, anh Hạnh nói.
Với sản phẩm cá trắm hun khói Chiềng La, đạt sản phẩm OCOP đạt xếp hạng 3 sao của HTX nông nghiệp Chiềng La cũng là một câu chuyện về liên kết hiệu quả để nâng cao giá trị nông sản.
Trước đây bà con nuôi cá chủ yếu để phục vụ sinh hoạt gia đình. Với mong muốn phát triển nghề cá theo hướng sản xuất hàng hóa, năm 2018, anh Quàng Văn Xoàn đã cùng với một số thanh niên trong xã đứng ra thành lập HTX nông nghiệp Chiềng La. Đến nay, HTX có 11 thành viên, với diện tích nuôi trên 2,5 ha theo quy trình VietGAP, chủ yếu là cá trắm cỏ, sản lượng đạt trên 12 tấn, năm 2020, doanh thu HTX đạt 600 triệu đồng, thu nhập các thành viên từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Cá trắm hun khói Chiềng La có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn trong tỉnh. Qua đó, từng bước quảng bá, đưa sản phẩm vươn ra thị trường toàn quốc, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX và đồng bào dân tộc ở Chiềng La.
Thêm cơ hội làm giàu
Bên cạnh đó, tại Thuận Châu đã hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đối với chanh leo, chè, cao su, na... Trong đó, cây chanh leo được CTCP Nafoods Tây Bắc thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm 136,8 ha với HTX Chanh leo Thuận Châu.
Sản phẩm chè được HTX sản xuất và kinh doanh dịch vụ Bình Thuận (xã Phổng Lái), Công ty TNHH kinh doanh nông sản Thân Nga, Công ty TNHH Trà Thu Đan thực hiện trồng và liên kết 850 ha chè tại 4 xã Phổng Lái, Phổng Lập, Chiềng Pha, Mường É, sản lượng mỗi năm tiêu thụ trên 950 tấn chè khô.
Huyện còn xây dựng mô hình trồng cây na Thái với quy mô 1 ha cho THT trồng na tại bản Co Ké, xã Chiềng Pấc và HTX Thanh Sơn (Mai Sơn) thực hiện cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm na cho THT khi có sản phẩm.
![]() |
Một số HTX và doanh nghiệp trên địa bàn liên kết với bà con trồng chanh leo, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm được ổn định. |
Thuận Châu còn phấn đấu thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho đồng bào dân tộc và tạo vùng nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La với tổng diện tích 722 ha bao gồm chanh leo, dứa, ngô ngọt, đậu tương…
Hiện nay, huyện Thuận Châu đang chỉ đạo xây dựng và hình thành 3 chuỗi giá trị quả: Cam, xoài, bơ tại các xã có điều kiện với diện tích tập trung gắn với quy hoạch vùng sản xuất; thực hiện lựa chọn đơn vị chủ trì dự án để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, địa phương còn huy động nguồn vốn từ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản; hỗ trợ huyện trong việc phát triển các loại cây, con chủ lực và xây dựng thương hiệu một số sản phẩm đặc thù trên địa bàn.
Đến nay, huyện có 4.114 ha cây ăn quả; 8.434 ha cây công nghiệp; 212 ha cây ăn quả được chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 21 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; 10 chuỗi liên kết sản xuất; 8 mã số vùng trồng cây ăn quả.
Để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện hơn 300 mô hình kinh tế, quy mô trên 4.000 ha và thống nhất định mức hỗ trợ một số loại cây trồng để các hộ dân thực hiện mô hình. Hướng dẫn người dân ký hợp đồng cung ứng giống, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, HTX (chanh leo, chè), bàn giao giống và hướng dẫn, tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây giống cho hộ dân. Những hoạt động này đang giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây ngày một phát triển, làm giàu trên chính quê hương, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Hải Sơn