"Hành trình đưa trái thanh long lên trồng ở đất dốc nói thì dễ nhưng quả thực, nếu không có quyết tâm, đam mê thì có lẽ đã bỏ buộc từ lâu", ông Vinh mở đầu câu chuyện.
Con đường không trải đầy hoa hồng
Ông Vinh bảo rằng, chính bản thân ông cũng không nghĩ được thanh long lại phù hợp với khí hậu nơi đây, chuyện loại cây này trở thành đặc sản của địa phương lại càng chưa bao giờ nghĩ tới.
Sau một thời gian tìm hiểu, ông bắt đầu đưa về trồng thử, nhưng phải tới năm 2009 trái thanh long mới bắt đầu bén duyên với đất Sơn La. Thời gian đầu trồng bị thất bại do lựa chọn sai giống, sau đó, HTX liên hệ với Viện Rau quả (Bộ NN&PTNT) đề nghị cấp giống. Đến năm 2013 bắt đầu trồng lại, diện tích trồng ban đầu 1,5 ha, đến năm 2016 đạt 5 ha và đến nay đạt 200 ha trên toàn tỉnh.
Những cây thanh long vươn mình ở địa hình hiểm trở. |
"Khó khăn nhất của HTX là chuyển từ vô cơ sang hữu cơ, nói tới đầu ra khi mình thông báo, bà con chỉ sợ không sản xuất được chứ làm hữu cơ thì không lo đầu ra. Đơn cử, 1kg ngô bán chỉ 5.000 đồng, trong khi 1kg phân đạm là 9.000 -10.000 đồng. Như vậy, lợi nhuận còn đâu. Trong khi làm hữu cơ, bà con có thể bán 1kg thanh long với giá thấp nhất 16.000 đồng/kg, cao nhất tới 35.000 đồng/kg, mà chi phí phân bón, thuốc trừ sâu không có", ông Vinh chia sẻ.
Vì vậy, ngay từ khi bắt tay vào làm, HTX hướng đến sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của phân khúc thị trường khó tính. Thanh long được trồng theo hướng hữu cơ, không bón phân vô cơ, không dùng thuốc hóa học, hoàn toàn sử dụng các loại thuốc sâu bệnh tự tạo từ tỏi, gừng… Phân bón cũng được ngâm ủ từ đậu tương, ngô, cá con… Không chong đèn nhằm thúc cây ra hoa trái vụ nâng cao năng suất. Đây là một trong những điều kiện làm nên những nét đặc trưng của trái thanh long Sơn La.
Ông Vinh cho hay, việc thay đổi tập quán thói quen của người sản xuất không phải diễn ra trong một sớm một chiều. Làm theo hướng hữu cơ, mẫu mã không thể đẹp bằng vô cơ, trong khi đó, những năm đầu năng suất kém hơn, vấn đề sâu bệnh, người dân trồng thanh long tỏ ra lo lắng.
Cùng với "cầm tay chỉ việc", hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi cho bà con, khi các vườn có sâu bệnh, sẽ có cán bộ kỹ thuật của HTX đến tận nơi "thăm khám và điều trị". Điều này khiến người trồng yên tâm, tin tưởng. Trồng theo hướng hữu cơ mất 3 năm đầu, từ năm thứ 4 trở đi, cho năng suất vượt trội so với làm vô cơ.
"Qua quá trình hướng tới sản xuất hữu cơ, HTX đã tẩy rửa đất, dần dần khôi phục lại môi trường sinh thái. HTX cũng ra quy định với các thành viên, nếu phát hiện ra ai phun thuốc trừ cỏ, dùng phân bón vô cơ thì sẽ cho ra khỏi HTX", ông Vinh chia sẻ.
Để đưa trái thanh long "bay xa"
Theo ông Vinh, cùng với yếu tố thổ nhưỡng, tầng đất canh tác rất dày, chất hữu cơ còn tương đối nhiều, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn là những yếu tố giúp thanh long Sơn La có “chất” riêng. Độ giòn, độ thơm ngon, ngọt hơn hẳn thanh long vùng khác.
Hiện nay, HTX Ngọc Hoàng cũng đang hướng tới chế biến sâu các sản phẩm thanh long. Ông Vinh cho biết, thanh long sấy sử dụng ngâm nước uống rất tốt cho sức khỏe. Năm 2019, HTX cũng đã xuất khẩu thanh long sấy sang thị trường Hàn Quốc.
Thanh long Sơn La được sản xuất theo quy trình hữu cơ. |
Hiện HTX có hơn 200 thành viên, cho thu nhập trên 60 triệu/người/năm. Thị trường rất rộng mở đối với các sản phẩm sạch. Ước tính mở rộng diện tích trồng thanh long lên 500 ha mới đủ nhu cầu các đơn hàng.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, hiện nay rào cản lớn nhất trong việc nhân rộng trái thanh long cũng như các loại cây ăn quả là những mảnh đồi trồng loại quả này còn manh mún, không đồng bộ. Vì vậy, HTX mong muốn cơ quan Nhà nước vào cuộc, xây dựng những vùng sản xuất theo quy mô lớn, hướng đến sản xuất tập trung.
"Hàng chục mảnh vườn nhỏ nên người dân rất khó khăn trong việc sản xuất, mở rộng canh tác. Năng lực sản xuất của HTX không đủ đáp ứng các đơn hàng, chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, sau đó mới xuất khẩu. Trong khi nhu cầu thanh long Sơn La rất lớn", ông Vinh nói.
Đồng thời, ông Vinh cho biết hiện vướng mắc của HTX là nguồn lực để xây dựng nhà sơ chế, chế biến, đóng gói, kho lạnh. Nếu làm được điều này sẽ giúp giá trị quả thanh long nâng cao rất nhiều.
Bài 3: Người dân khấm khá nhờ cây trồng mới
Thy Lê