Bảo Yên ngày nay đang đổi thay từng ngày. Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn đã tạo cơ hội để hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Nông nghiệp, nông thôn "khoác áo mới”
Hành trình lên Tây Bắc theo đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chỉ mất 3 tiếng đồng hồ, khi thấy ven đường là những vườn cam sành trĩu quả, những địu măng tươi hay gùi khoai sọ tím dẻo thơm được chào mời, biết đã tới đất Bảo Yên - huyện cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh Lào Cai.
Bảo Yên có 11 dân tộc: Kinh, Tày, Mông, Dao, Giáy, Thái, Nùng, Mường, Hoa, Phù Lá, Sán Chay cùng sinh sống, trong đó người Tày đông nhất, chiếm khoảng 33% dân số toàn huyện.
Mặc dù nằm ở vị trí thấp nhất của tỉnh, nhưng trước đó khi chưa có đường cao tốc chạy qua, các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa được triển khai rộng khắp, thì bà con nơi đây vẫn “một nắng hai sương”, chỉ lo đủ ăn hàng ngày đã là rất khó khăn.
Mô hình trồng chanh leo đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào Bảo Yên |
Nhưng từ năm 2016, các chương trình về xoá đói giảm nghèo như chương trình 30a, chương trình 135 và Đề án tái cơ cấu nông lâm nghiệp… cho đồng bào dân tộc ít người, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn được triển khai thì Bảo Yên như được "khoác một tấm áo mới".
Đơn cử như ở xã Việt Tiến, đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông, giao thông thuận lợi, khu vực trung tâm xã được quy hoạch hiện đại, nhiều hộ phát triển kinh doanh, mua bán sầm uất, nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đang góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc.
Những năm trước đây, với hơn 1 mẫu đất sản xuất ven sông, gia đình ông Hà Chí Thanh ở Bản Cóc chủ yếu trồng ngô và đậu tương, thu nhập khoảng 18 triệu đồng/năm. Từ năm 2017, ông Thanh mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất này sang trồng cây dâu tằm. Sau 14 ngày chăm nuôi, tằm cho thu hoạch kén, đem lại thu nhập khoảng 6 triệu đồng/lứa.
Đại diện UBND xã Việt Tiến đánh giá, hiện cây dâu tằm đang là một trong những cây trồng chủ lực của người dân trong xã, cho thu nhập ổn định với giá trị cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống. Theo thống kê của ngành chức năng, 1ha trồng dâu mang lại thu nhập cho người dân 250 - 300 triệu đồng.
Nhiều điển hình tiên tiến
Không chỉ trồng dâu nuôi tằm, các hộ dân còn được chính quyền huyện hướng dẫn cách trồng khoai môn, măng hóc, trồng chuối cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với cây trồng truyền thống như ngô, lúa, sắn… Nhờ những loại cây trồng này mà giá trị trên mỗi ha canh tác hiện nay đã đạt gần 77 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm, tăng 14 triệu đồng so với năm 2015.
Anh Hầu Mìn Diu, sinh năm 1994, dân tộc Phù Lá ở bản Mo 2, nhờ được sự tư vấn hỗ trợ của cán bộ xã, đã tìm ra hướng phát triển kinh tế mới trên đất vườn đồi ở bản khó khăn nhất của xã Xuân Hòa, với mô hình trồng chuối mô và chuối tiêu hồng.
Anh Diu đã tuyên tuyền, vận động bà con dân bản cùng trồng và thuê lại một số diện tích đất còn bỏ hoang của các hộ dân khác trong bản để triển khai thực hiện canh tác. Hiện, anh Diu đã thuê được 8 ha đất và trồng được trên 20.000 cây chuối, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 lao động trong bản.
Cây chuối cũng được huyện Bảo Yên lựa chọn trong Đề án tái cơ cấu nông lâm nghiệp giúp đồng bào thoát nghèo |
Bên cạnh đó, dự án phát triển trồng chanh leo thực hiện từ năm 2019 tại 3 xã Điện Quan, Thượng Hà, Phúc Khánh cũng cho hiệu quả rõ rệt. Tham gia dự án này, người dân được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% giá mua cây giống, kinh phí khảo sát địa điểm thực hiện, tập huấn kỹ thuật từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia.
Cùng với đó, huyện cũng hỗ trợ 300 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Đến nay, cây chanh leo sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu của địa phương, cho năng suất trung bình 20 tấn/ha, với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg cho thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm.
Một đơn vị điển hình ở Bảo Yên là HTX nông nghiệp Thanh Phong, đã mạnh dạn đưa bò vàng - giống bò thuần Việt, vào nuôi theo hướng quy mô lớn. HTX là đơn vị cung cấp lượng bò thịt và bò giống lớn trong huyện, thường xuyên tạo công ăn việc làm cho bà con trong xã, trong huyện có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, các chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp người dân thay đổi nhận thức, giúp hộ nghèo tự tin, giải quyết kịp thời những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống. Từ các chính sách giảm nghèo bền vững này, người dân tại các thôn bản, tại các xã trên địa bàn huyện đã ứng dụng hiệu quả, đi đúng hướng vào chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Bài 2: Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc
Phạm Minh