Trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện có 59 tổ chức thuộc 04 tôn giáo chính là (Phật giáo, Công giáo, Cao Đài và Tin Lành); 739 cơ sở thờ tự; trên 521 chức sắc, 1.394 chức việc và hơn 41 vạn tín đồ (chiếm 21% dân số thành phố).
Đến nay, có 502/739 cơ sở tôn giáo được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; được cấp phép xây dựng sửa chữa, nâng cấp, cải tạo cơ sở thờ tự khang trang đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của chức sắc, tín đồ và nhân dân.
Tăng cường phổ biến pháp luật
Do số lượng cơ sở tín ngưỡng tôn giáo ngày càng tăng, việc quản lý Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo ngày càng phức tạp, đòi hỏi sự nhạy bén, năng động của người cán bộ quản lý. Thời gian qua, Ban Tôn giáo thành phố đã tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều nội dung, hình thức phổ biến khác nhau. Thông qua, các hội nghị tuyên truyền, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại nhân dịp lễ trọng của các tôn giáo, giúp cho các nhà tu hành, tín đồ nhận thức, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tạo được sự đồng thuận, lan tỏa trong xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Tôn giáo tổ chức 03 hội nghị phổ biến, hướng dẫn đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 90 người đứng đầu điểm nhóm Tin lành chưa được công nhận tư cách pháp nhân và 150 cán bộ cấp xã về thực hiện các quy định của pháp luật.
Đại biểu các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng tham dự Chương trình phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. |
Phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức 02 hội nghị phổ biến chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 600 chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ đại diện các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người đại diện, Ban Quản lý cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn thành phố.
Các Hội nghị đã cung cấp các chuyên đề về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; Những nội dung cơ bản về quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo; Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; Khó khăn trong quá trình thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn và giải pháp; Giải đáp thắc mắc liên quan đến một số quy định của Luật, Nghị định 162/2017/NĐ-CP và thủ tục hành chính liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo…
Việc phổ biến pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng được thực hiện thường xuyên, liên tục tại Hải Phòng. |
Ông Dương Ngọc Anh, Trưởng Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) TP. Hải Phòng cho biết: Những hội nghị phổ biến pháp luật như vậy là rất cần thiết, giúp công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ đại diện các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; người đại diện, Ban Quản lý các cơ sở tín ngưỡng nắm được những kiến thức pháp luật cần thiết để điều chỉnh hành vi, hoạt động theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đối với quê hương, đất nước.
Lắng nghe tâm tư của các tín đồ, chức sắc tôn giáo
6 tháng đầu năm, Ban Tôn giáo thành phố đã ban hành 100 văn bản và 01 kế hoạch hướng dẫn nghiệp vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đối với các quận- huyện, trong đó chú trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng tư gia; các hoạt động tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên đán, Lễ Phục sinh, Đại lễ Phật đản, An cư kiết hạ, các khóa tu mùa hè...
"Chúng tôi đã phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê số nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài; các hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo để nắm bắt và kịp thời xử lý – nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ban đã tiếp nhận và chấp thuận phong phẩm cho 18 chức sắc, chức việc tôn giáo và chấp thuận đề nghị tổ chức lễ Phục sinh ngoài cơ sở tôn giáo của Hội thánh Tin lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam. Đồng thời phối hợp đẩy mạnh việc Cấp chứng nhận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho các điểm nhóm Tin lành tư gia nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của tín đồ, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn..." - Ông Dương Ngọc Anh, Trưởng Ban Tôn giáo TP Hải Phòng trao đổi với phóng viên.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã phối hợp với địa phương có liên quan kiểm tra tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại 100 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Thông qua đó, kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý các vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
06 tháng đầu năm 2023, Ban Tôn giáo tiếp nhận và chuyển 05 lượt đơn thư phản ánh, kiến nghị liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo đến UBND các huyện Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Cát Hải và UBND quận Ngô Quyền, Hồng Bàng theo quy định.
Khóa tu vào dịp hè cho các em học sinh do Chùa Mét (huyện Vĩnh Bảo) tổ chức thường nhà chùa không thu bất kỳ kinh phí gì của phụ huynh và các em đến tham gia (ảnh tư liệu). |
Đặc biệt, từ khi thành lập Ban Tôn giáo thành phố đến nay, Ban Tôn giáo luôn làm tốt vai trò là cầu nối giữa các tôn giáo với chính quyền các cấp và giữa các tôn giáo với nhau, Ban Tôn giáo đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp thu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, các nhu cầu, cũng như khó khăn của các tín đồ, chức sắc các tôn giáo để từ đó cùng với các cấp, ngành có liên quan kịp thời tháo gỡ, giải quyết.
Có thể nói, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng, sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương, sự đoàn kết, nỗ lực, kỷ cương, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cùng với sự đồng hành, gắn bó, chia sẻ, đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân chức sắc... Tín đồ các tôn giáo trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã góp phần giữ ổn định an ninh trật tự, chung tay phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Thanh Vân