Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La |
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La về định hướng phát triển cây ăn quả của Sơn La trong thời gian tới.
Thưa ông, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi từ cây trồng ngắn ngày sang cây ăn quả của tỉnh Sơn La thời gian qua đã đạt được những kết quả như thế nào?
Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Sơn La, quá trình chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh đã thay đổi rõ rệt. Giai đoạn 2015-2016, tỉnh Sơn La có diện tích cây trồng trên đất dốc như ngô 200.000 ha, sắn 37.000 ha... chiếm đa số diện tích cây trồng trên đất dốc. Điều này buộc tỉnh phải tính đến phương án nâng cao hiệu quả, hiệu suất cây trồng.
Theo đó, tỉnh đã thực hiện chuyển một phần diện tích cây nông nghiệp ngắn ngày sang cây ăn quả, tăng diện tích cây ăn quả cho hiệu suất kinh tế cao hơn. Đến nay, tỉnh chỉ còn còn 95.000 ha cây ngô, đặc biệt có trên 75.000 ha cây ăn quả. So với các tỉnh miền núi phía Bắc, tỉnh Sơn La là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất, với các loại trái cây chủ lực như xoài, nhãn, thanh long, bơ, chanh leo.
Hiệu quả của chuyển dịch sang cây ăn quả rõ rệt nhất là thu nhập của bà con nông dân trên 1 ha cao hơn. Thu nhập bình quân của cây ăn quả là hàng trăm triệu/ha, đặc biệt loại Na Hoàng hậu doanh thu 700-1 tỷ đồng/ha. Các hộ gia đình trồng cây ăn quả, HTX, doanh nghiệp liên kết với nhau tạo thành chuỗi sản xuất.
Đồng thời, tỉnh Sơn La cũng tập trung đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại. Thời gian qua, trái thanh long của Sơn La được xuất khẩu sang Nga, Nhật Bản... Điều này cho thấy, tín hiệu sản phẩm thanh long Sơn La được sản xuất theo quy trình, chất lượng đã đáp ứng thị trường nhập khẩu. Điều này là "lực đẩy" cho sự quyết tâm của nông dân và sự vào cuộc mạnh mẽ của HTX, DN.
Vậy đâu là những điểm còn hạn chế trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi sang cây ăn quả ở Sơn La, thưa ông?
Tôi cho rằng khâu đầu tiên cần phải đẩy mạnh là giải bài toán liên kết giữa DN với HTX để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, chúng ta có sản lượng lớn, nếu không làm tốt bao bì, mẫu mã thì khó cạnh tranh. Đây vẫn là khâu yếu của trái cây Sơn La.
Đồng thời, bảo quản sau thu hoạch vẫn còn yếu, ví dụ nếu có nhà máy, kho lạnh để bảo quản thì giá trị trái cây sẽ ổn định hơn. Chúng tôi cần phải đẩy mạnh công nghiệp sơ chế, không làm được điều này mà vẫn giữ tư duy sản xuất rồi bán tươi thì sẽ thất bại. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX và DN cần chủ động làm điều này. Mấu chốt cuối cùng là sản phẩm nông sản không bị mất giá, chất lượng không đi xuống.
Tỉnh Sơn La đã có kế hoạch gì trong việc phát triển các loại trái cây trong thời gian tới, thưa ông?
Dự kiến, trong thời gian lớn, tỉnh Sơn La sẽ mở rộng vùng trồng cây ăn quả lên 100.000 ha, trở thành vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, cây ăn quả phải đạt tiêu chí vùng sản xuất tập trung, không trồng đại trà tất cả loại cây ăn quả mà chỉ tập trung vào loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, gắn với giá trị gia tăng.
Đặc biệt, tỉnh Sơn La sẽ đẩy mạnh phát triển HTX nông nghiệp - tạo thành vùng sản xuất tập trung. HTX là đầu mối tiếp nhận ứng dụng khoa học kỹ thuật, là đầu mối liên kết với DN trong xuất khẩu nông sản, tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, Sơn La có hơn 300 HTX trồng cây ăn quả và các HTX đang phát triển rất tốt.
Chúng tôi tính toán nâng cao chất lượng, giải được những "bài toán" trên để không bao giờ xảy ra tình trạng mất giá, giải cứu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời đẩy mạnh chế biến sâu.
Ông vừa nhắc tới đầu tư chế biến sâu, nhưng thực tế nguồn lực của các HTX còn yếu, vậy tỉnh có chính sách hỗ trợ gì để các HTX xây dựng nhà sơ chế, kho lạnh... thưa ông?
Để đầu tư, điều đầu tiên cần phải làm là sự tích lũy về vốn, kinh nghiệm của HTX. Tức là sau quá trình sản xuất, HTX tích lũy vốn rồi cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để tự đứng ra xây dựng các nhà xưởng, kho lạnh sơ chế, chế biến trái cây.
Cùng với chính sách hỗ trợ chung của Chính phủ, thời gian qua tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết 128, trong đó có nhiều khâu hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển nông nghiệp, có thể hỗ trợ bằng tiền mặt khi HTX xây dựng cơ sở chế biến. Điều này có nghĩa, cơ quan chức năng sẽ kiểm soát quá trình xây dựng nhà máy sơ chế, kho lạnh của HTX, sau đó sẽ đánh giá và thực hiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt.
Điều quan trọng là sự quyết tâm của chính HTX để nâng tầm sản phẩm của mình, tôi tin các HTX ở Sơn La sẽ thành công.
- Xin cảm ơn ông!
Thy Lê