Đến bây giờ, anh Lâm Văn Thông, người dân tộc Cơ Tu ở thôn Ga Dong, xã Tư vẫn chưa tin là mình trở thành ông chủ của trang trại chè dây Ra Zéh rộng hơn 1,2ha.
Làm giàu cùng cây chè dây
Với sự mạnh dạn, bản lĩnh, cách đây 3 năm, anh Thông đã cải tạo vườn keo của mình để trồng chè. Cả gia đình đã bỏ công sức, miệt mài đổ mồ hôi chăm bẵm.
“Mới đầu trồng cũng lắm vất vả, nhưng tôi quyết tâm làm bằng được", anh Thông nói.
Chuyên gia quốc tế đến thăm vườn chè dây Ra Zéh của bà con Cơ Tu là thành viên HTX nông nghiệp xã Tư. |
Anh Thông cho rằng, chè dây là cây trồng rất hiệu quả, cao hơn nhiều lần những cây khác. Dù mới trồng hơn một năm, vườn chè của anh đã đạt doanh thu từ 100-120 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi tháng gia đình anh có lãi khoảng 8-10 triệu đồng, là nguồn thu nhập đáng mơ ước của đồng bào Cơ Tu.
Hoặc như ông Phạm Quốc Phòng, người dân tộc Cơ Tu, 51 tuổi, ở thôn Pa Nang thuộc xã Tư, cũng đang sở hữu đồi chè dây hơn 1ha mỗi năm cho 15-20 tấn, doanh thu 170-180 triệu đồng/năm. Trừ đi chi phí, một năm ông "bỏ túi" ngót nghét 100-120 triệu đồng
Ông Phong là một trong số những người dân tiên phong trong bản khi trồng thử nghiệm cây chè dây. Ai ngờ trồng thử mà cây này lại cho năng suất tốt, có đầu ra, thu được lợi nhuận, nên từ 0,5ha ban đầu nay đã phát triển lên 1ha.
Những đồi chè dây của đồng bào Cơ Tu ở xã Tư bạt ngàn, người dân có thu nhập cũng nhờ một phần tham gia vào HTX nông nghiệp xã Tư. Hiện, HTX có hơn 20 thành viên người Cơ Tu, chuyên cung cấp giống cho bà con, làm đầu mối thu mua nguyên liệu, chế biến thành các sản phẩm trà, dược liệu rồi tìm đầu ra, cung cấp cho thị trường.
Ông Lê Duy Trường, Giám đốc HTX nông nghiệp xã Tư cho biết, công suất chế biến chè của HTX là 1,5 tạ/ngày. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đang tiến tới đầu tư máy móc, thiết bị, kỹ thuật nâng cao năng lực sản xuất.
Lâu nay, đồng bào Cơ Tu ở xã Tư chủ yếu thu hoạch chè dây rồi sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm mang tính nhỏ lẻ, truyền thống. Gần đây, lượng tiêu thụ chè dây trên thị trường rất khá, giá dao động từ 100 - 140 nghìn đồng/kg chè khô. Chè dây được trồng tại xã Tư khoảng 3 - 4 năm nay, toàn xã có hơn 300 hộ trồng.
Ts. Nguyễn Hồ Lam (Trường Đại học Nông lâm Huế) đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu, phát triển và chế biến sản phẩm chè dây (Ra Zéh) trên địa bàn xã Tư, huyện Đông Giang” cho biết, trước kia đa số hộ dân Cơ Tu trồng chè dưới dạng vườn tạp, rất ít hộ trồng chè dây thương phẩm. Họ cũng chưa có quy trình kỹ thuật hướng dẫn sản xuất chè dây thương phẩm, kênh tiêu thụ bao tiêu sản phẩm chưa phát triển.
Tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến
Còn hiện nay, để giúp đồng bào Cơ Tu ở xã Tư có sinh kế thoát nghèo bền vững với cây chè dây, việc tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến, đa dạng sản phẩm là vô cùng quan trọng. Nhất là cần mạnh dạn thay đổi cách thức sản xuất, chủ động đẩy mạnh xây dựng thương hiệu “chè dây Ra Zéh” đã trở thành “tiềm lực” kinh tế của huyện Đông Giang.
Chè dây Ra Zéh đang được huyện Đông Giang định hướng là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Cơ Tu. |
Trong 2 năm trở lại đây, nhóm nghiên cứu của Ts. Nguyễn Hồ Lam phối hợp với HTX Nông nghiệp xã Tư và UBND xã Tư khảo sát vị trí, xây dựng xưởng chế biến sản phẩm chè dây, sản phẩm đóng gói trong bao bì PE.
Đề tài này đã bàn giao các quy trình kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản chè dây, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, các quy trình kỹ thuật chế biến chè dây tươi và khô đến địa phương, HTX và người dân. Một số hộ dân Cơ Tu đã được bàn giao, hướng dẫn kỹ thuật trồng, sản xuất chè dây thương phẩm và chế biến chè khô...
Đồng bào Cơ Tu gọi cây chè dây là Ra Zéh. Từ lâu, Ra Zéh đã được đồng bào sử dụng chữa các loại bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột. Ở xã Tư của huyện Đông Giang, loại cây này mọc phát tán tự nhiên dưới tán rừng.
Qua khảo sát, loại cây này sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng các thôn trên địa bàn xã Tư và một số thôn của các xã vùng giáp ranh, đặc biệt là ở các vườn đồi, rừng tái sinh sau nương rẫy. Chè dây thu hoạch sau thời gian sinh trưởng 10-12 tháng, thu hoạch 3-4 lần trong năm, năng suất bình quân 6-8 tấn/ha/năm
Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là loài cây có khả năng tiêu thụ lớn, ổn định và có giá trị kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Nếu xây dựng thành công vùng sản xuất chè dây Ra Zéh chuyên canh tập trung sẽ tạo sản phẩm hàng hóa, khai thác tốt các nguồn lực, tiềm năng đất đai, lao động. Qua đó giúp người dân Cơ Tu phát triển kinh tế hộ, cải thiện đời sống, thu nhập, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đông Giang.
Chè dây Ra Zéh đang được huyện Đông Giang định hướng là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo cùng với trồng keo nguyên liệu. Theo đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho bà con Cơ Tu lấy cây này làm cây trồng chủ lực trong thời gian tới.
Điều đó cũng nhằm mục tiêu bảo tồn loại cây quý hiếm của đồng bào Cơ Tu và hướng tới xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, tạo sản phẩm hàng hóa, giúp người dân Cơ Tu phát triển kinh tế hộ, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Thanh Loan
Bài 3: Đổi đời cùng HTX trồng cây đẳng sâm