Ngọc Chiến là xã vùng 3 của huyện Mường La, nằm trên tuyến đường tỉnh lộ 106, toàn xã có 15 bản, với trên 11 nghìn nhân khẩu, với ba dân tộc Thái, H’Mông, La Ha cùng sinh sống.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; tình hình an ninh chính trị, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh địa phương được giữ vững ổn định. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thì tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nhiệm vụ trọng tâm
Do vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn được xác định là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận thông tin về pháp luật. Qua đó, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, từ đó xây dựng ý thức “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Cán bộ các xã, huyện Mường La gương mẫu tham gia các lớp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, từ đó tăng cường công tác tuyên truyền đến với đồng bào dân tộc trên địa bàn. |
Để làm tốt công tác tuyên truyền Huyện Mường La đã thành lập nhiều tổ công tác phối hợp với các thành viên hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật xã Ngọc Chiến đến các bản, để vừa có thể gặp gỡ, nắm bắt tình hình trong nhân dân, đồng thời vừa trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.
Ông Lò Văn Xây, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến cho biết, các hình thức tuyên truyền cũng được đa dạng hóa bằng tiếng Mông; trình chiếu video, với các hình ảnh minh họa sát thực, gần gũi với nhân dân... qua đó đã thu hút sự chú ý lắng nghe của bà con, giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ, từ đó thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong cuộc sống.
Đồng thời, với cách làm như vậy cũng giúp bà con nâng cao ý thức cảnh giác với các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng ngừa tội phạm vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Tòng Văn Máy, Trưởng phòng Tư pháp huyện Mường La cho biết, Mường La là huyện có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với 5 dân tộc sinh sống gồm: Mông, La Ha, Kháng, Mường, Thái… Trên cơ sở nhận định rõ tình hình địa bàn, Huyện đã giao Phòng Tư pháp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó tập trung triển khai tuyên truyền, phổ biến các luật, quy định mới ban hành; tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.
Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được trên 100 buổi thông qua hệ thống loa truyền thanh; tổ chức cấp phát cho các xã, thị trấn và các đơn vị trường học trên địa bàn 8.000 tờ gấp, quyển hỏi và đáp pháp luật các loại; phối hợp tham gia trợ giúp pháp lý cho người nghèo, các gia đình chính sách, phổ biến kiến thức pháp luật tại 8 xã: Pitoong, Mường Trai, Hua Trai, Chiềng Lao, Nặm Păm, Ngọc Chiến, Chiềng San, Tạ Bú; tham gia bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa theo quy định.
Phát huy vai trò của các cấp
Ngoài ra, phát huy vai trò hoạt động hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải ở cơ sở đã trực tiếp hòa giải 94 vụ, trong đó hòa giải thành công 67 vụ. Công tác hòa giải đã góp phần góp phần giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, củng cố tình làng, nghĩa xóm và làm giảm tình trạng khiếu kiện ở cơ sở, khiếu kiện vượt cấp, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
Tích cực tham gia các hoạt động truyền thống cũng là phương pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các tầng lớp nhân dân ở huyện Mường La. |
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện còn có sự vào cuộc tích cực của các tổ chức hội đoàn thể. “Tủ sách phụ nữ” của Hội LHPN huyện Mường La là một ví dụ.
Bà Hà Thị Chum, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mường La cho biết, qua 5 năm triển khai, Hội LHPN Mường la đã xây dựng được 25 tủ sách, ngăn sách tại 6 cơ sở Hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Trường THCS Mường Bú, với trên 6.000 cuốn sách, báo, tạp chí các loại. Mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức mọi mặt cho cán bộ, hội viên phụ nữ, giúp họ thay đổi hành vi trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước và biết cách tự bảo vệ mình.
Với phương châm hướng về cơ sở, thời gian tới, huyện Mường La tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bảo đảm chất lượng, hiệu quả, nhất là ở các xã, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Đồng thời củng cố, nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cơ sở... nhằm đưa công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện thực sự đạt hiệu quả rõ nét, thiết thực... Từ đó, tạo bước chuyển rõ nét về nhận thức và hành động của nhân dân trong quá trình thực thi các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong đời sống xã hội.
Phương Nam