Hơn 30 năm trước, ông Ksor Phước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội là sĩ quan an ninh phụ trách việc chống FULRO tại địa bàn xã Glar, huyện Đak Đoa. Vừa làm nhiệm vụ chiến đấu, vừa làm công tác dân vận nên ông gần như thông thuộc từng con đường, ngôi nhà, cái rẫy nơi đây. Đó là một thời đầy gian khó không chỉ riêng Glar, riêng Gia Lai mà của cả Tây Nguyên.
Hết lòng vì buôn làng
Vùng đất khó khăn ngày nào giờ đã khoác trên mình một diện mạo tươi sáng với những con đường làng được bê tông hóa, những vườn cây tươi tốt và những ngôi nhà sàn, nhà xây khang trang, sạch đẹp... Sự phát triển của buôn làng có phần đóng góp không nhỏ của người có uy tín trong cộng đồng. Còn với ông Ksor Phước, bây giờ ở tuổi già làng, ông càng hiểu rõ hơn vai trò của những người có uy tín. Họ là chiếc cầu nối tạo nên sức mạnh đại đoàn kết, là chỗ dựa tin cậy cho mỗi buôn làng.
Ông Ksor Phước chia sẻ: “Không dễ gì mà trở thành người uy tín trong đồng bào dân tộc được đâu, họ phải có tấm lòng rất thương người và nhất là đối với đồng bào của mình. Họ luôn luôn có ý thức làm sao giúp đỡ cộng đồng của mình, để làm sao vượt qua những khó khăn thách thức”.
Nhiều năm qua, người có uy tín đã phát huy tối đa vai trò của mình trong công tác vận động, tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, giữ vững ANTT tại địa phương. |
Như ở xã H’ra, huyện Mang Yang, từng là điểm nóng vì bị đạo Hà Mòn xâm nhập, nhiều người không chịu làm ăn mà bỏ lên núi cầu nguyện, nghe lời kẻ xấu chống lại chính quyền… Chứng kiến những hệ lụy do đạo Hà Mòn gây ra, ông Y Thành, dân tộc Ba Na, Người có uy tín của thôn Kdung 2, xã H’ra đã phối hợp với các cấp chính quyền vận động, tuyên truyền người dân tránh đi lầm đường lạc lối.
Ông đã trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động quần chúng được trên 30 buổi với hơn 1.000 lượt người tham dự, vận động các đối tượng trước đây đã từng tham gia đạo nêu cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế.
“Ngày trước, đạo Hà Mòn xâm nhập đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, vợ chồng ly tán, con cái không được đến trường. Trước tình hình đó, tôi đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu để bài trừ”, ông Y Thành cho biết.
Còn ở làng Mook Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, già làng Siu Deo hơn 10 năm nay cần mẫn đến từng gia đình tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức, không vượt biên; từ bỏ các hành vi lấn chiếm đất làm rẫy tại các khu vực biên giới; phát huy tinh thần đoàn kết, xóa bỏ tập quán lạc hậu, thi đua sản xuất, làm cao su, cà phê để kinh tế gia đình phát triển đi lên. Bám thôn, bám làng, già Siu Deo biết rõ từng gốc cây, con đường nơi đây. Với già, bảo vệ đường biên cột mốc, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia là việc làm ý nghĩa và thiêng liêng.
Bằng cái tâm và uy tín của mình, già Siu Deo và dân làng đã phối hợp với chính quyền, bộ đội Biên phòng tham gia tuần tra; cung cấp hàng trăm tin có giá trị về tình hình an ninh nông thôn, an ninh biên giới, giúp lực lượng Biên phòng nắm bắt được thông tin để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời hành vi gây rối trật tự xã hội, góp phần đem lại bình yên cho vùng biên giới Việt Nam-Campuchia.
Chỗ dựa vững chắc của dân làng
Nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, vai trò Người có uy tín ngày càng được phát huy. Nhờ vậy bộ mặt thôn, làng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống người dân được nâng cao, các hoạt động văn hóa - xã hội ngày càng phát triển, tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững.
Người có uy tín ở Gia Lai tuyên truyền, vận động người dân đeo khẩu trang để phòng chống Covid-19. |
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có 44 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 43 DTTS chiếm 46%. Trong đó người Gia Rai chiếm 30%, người Ba Na chiếm 12%, các dân tộc khác chiếm 3,35%.
Năm 2020, toàn tỉnh Gia Lai có 995 Người có uy tín, họ có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, ngày đêm tâm huyết, nỗ lực không mệt mỏi, khát khao thay đổi cuộc sống đã tạo ra hình ảnh quê hương tươi đẹp hơn, là hành trang để đồng bào dân tộc thiểu số thành công trên con đường xóa đói nghèo, vươn lên làm giàu. Đồng thời, họ còn tiếp thêm sức mạnh cho tinh thần dám nghĩ, dám làm đến thế hệ trẻ biến khó khăn thành tiềm năng để khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công.
Người có uy tín, già làng, trưởng thôn cùng hệ thống chính trị ở thôn, làng còn là những tấm gương sáng trong phong trào hiến đất làm đường, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế, gây quỹ giúp người nghèo; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để chủ động phòng, chống dịch Covid-19…
Ông Kpă Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết, già làng, người có uy tín là cầu nối giữa chính quyền, đoàn thể với người dân; có vai trò quan trọng trong công tác dân vận, tạo nên khối đại đoàn kết ở khu dân cư.
"Trong chương trình hoạt động, chúng tôi luôn duy trì việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn học tập kinh nghiệm, đồng thời động viên khen thưởng để đội ngũ này là những nhân tố làm nên sức lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống” ông Kpă Đô nói.
Phương Nam