Một vài năm trở lại đây, cây thanh long đã dần trở nên quen thuộc với đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương tỉnh Sơn La. Sắc xanh đầy sức sống và sắc đỏ trù phú của thanh long dần phủ kín, thay thế nhiều cây trồng ngắn ngày. Đặc biệt, gần đây trái thanh long Sơn La đã xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Quyết tâm chuyển đổi
Nhắc đến trái thanh long, người ta thường nghĩ ngay tới Bình Thuận, vùng đất của nắng và gió. Thế nhưng, người dân Sơn La đã “cõng” thanh long lên núi và biến loại quả này là một đặc sản của mảnh đất vùng cao này.
Trái thanh long Sơn La được trồng giữa đồi núi. |
Đến xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, bản vùng cao nhưng những con đường nhỏ đã được trải bê tông vào tận thôn, bản. Đang miệt mài làm cỏ cho thanh long, chị Hoàng Thị Thảo, bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha chia sẻ, đất Quỳnh Thuận rất xấu, người dân nơi đây xoay sở với đủ các loại cây từ cam, bưởi, cà phê… nhưng vẫn không đủ ăn. Sau đó, "cái duyên" đã đưa chị Thảo cũng như bà con vùng cao này đến với cây thanh long ruột đỏ.
Chị Thảo kể, sau một buổi đi thăm mô hình trồng thanh long hữu cơ tại HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng ở huyện Mai Sơn vào năm 2016, chị được cán bộ kỹ thuật HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, hướng dẫn trồng, cách làm phân bón hữu cơ và được bao tiêu đầu ra sản phẩm. Thấy việc chuyển sang trồng cây thanh long dù phải bỏ vốn nhiều, nhưng giá trị thu về nhiều hơn cây cà phê nên chị đã quyết tâm chuyển đổi, trồng cây thanh long.
Chị Thảo nhớ lại, so với trước đây trồng sắn, ngô, cà phê thì trồng thanh long hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 5-8 lần. Từ diện tích trồng ban đầu khoảng 500 trụ thanh long, đến nay đã mở rộng lên đến gần 9.000 trụ. “Tây Bắc vốn trước không trồng thanh long, tiếp cận với cây trồng này, chúng tôi mới đầu cũng chỉ suy nghĩ trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, thành quả mang đến ngoài mong đợi”, chị Thảo nói.
"Làm cây thanh long phải bỏ vốn nhiều hơn cây ngô, nhưng giá trị thu về nhiều hơn cây cà phê. Vì vậy, tôi đã quyết tâm và bắt đầu chuyển đổi đất sang trồng thanh long từ tháng 4/2017. Sau đó, được chị em trong Hội Phụ nữ của huyện lên thăm quan, động viên hỗ trợ để mở rộng mô hình. So với cây bưởi, cây cam, cây thanh long thu hoạch rải vụ, chống chọi được nắng hạn, năng suất cao hơn so với cây trồng trước đây", chị Thảo chia sẻ.
Đưa thanh long 'xuất ngoại'
Cùng chung niềm vui này, chị Lò Thị Dưng, dân tộc Thái (bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha) chia sẻ, trước đây chị chủ yếu phát nương làm rẫy, trồng cà phê, ngô, sắn nhưng cũng rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa, cuộc sống cũng như thu nhập bấp bênh.
Cây thanh long đã dần trở nên quen thuộc với đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương của Sơn La. |
Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình chị đã đổi thay khi quyết định chuyển sang trồng cây thanh long. Chị Dưng cũng là người đi đầu trong mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc. Từ diện tích lúc đầu 400 trụ (năm 2016), sau 4 năm, gia đình chị đã mở rộng diện tích trồng ra 1.700 trụ. Đến thời điểm này, chưa hẳn là quá thành công nhưng đối với người dân ở bản Quỳnh Thuận là rất hiệu quả. Chị Dưng đã thu về tổng thu nhập hơn 600 triệu/năm và tạo việc làm cho nhiều chị em, hội viên phụ nữ tại địa phương.
Chị Lò Thị Đạo, ở bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu - một trong những hộ phụ nữ nghèo tại địa phương cho biết, gia đình chị trước đây chỉ trông chờ vào nương ngô nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ được chị Dưng vận động, giúp hướng dẫn chuyển đổi sang trồng cây thanh long ruột đỏ mà kinh tế gia đình chị dần khấm khá, đã trả được nợ, vươn lên thoát nghèo, con cái được ăn học đầy đủ, có của ăn của để.
Niềm vui nhân đôi đối với những người dân bản Quỳnh Thuận khi lần đầu tiên, những trái thanh long được xuất khẩu sang thị trường Nga. “Chưa bao giờ tôi nghĩ trái thanh long mà mình trồng có thể xuất khẩu đến nước Nga xa xôi. Năm 2020, bà con rất mừng vì đã xuất khẩu sang được thị trường này 2 chuyến với khối lượng 12 tấn. So với cây trồng khác, giá thanh long khá ổn định, mức giá từ 16.000 đồng/kg trở lên là người trồng có lãi”, chị Dưng chia sẻ.
Trước câu hỏi trồng thanh long sạch có khó không? Chị Hoàng Thị Thảo cho biết: nói không khó cũng không đúng nhưng phải quyết tâm thì sẽ thành công. Người nông dân đang làm vô cơ, hóa học chuyển sang hữu cơ rất khó nên cần cố gắng làm.
Có thể nói, việc trái thanh long ở Sơn La xuất khẩu sang được các thị trường khó tính đã và sẽ là động lực khích lệ đồng bào vùng cao quyết tâm sản xuất sạch, đưa sản phẩm vươn tầm ra thị trường quốc tế.
Bài 2: Người tiên phong trồng thanh long ở bản vùng cao.
Thy Lê