Thực tế, việc chuyển đổi cây trồng hợp lý đã từng bước đưa nhiều hộ dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La thoát nghèo, làm giàu trên quê hương. Có thể nói rằng, quá trình chuyển đổi cây trồng ở tỉnh Sơn La đi đúng hướng là nhờ xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, HTX với doanh nghiệp.
HTX trở thành 'đầu kéo' kinh tế
Ông Lê Xuân Hòa, Giám đốc HTX Thanh Sơn, Tiểu khu 32, Cò Nòi (huyện Mai Sơn, Sơn La) cho biết, trước khi chuyển sang trồng cây ăn quả, người nông dân ở đây chủ yếu trồng cây ngô, sắn, mía và các loại cây ngắn ngày nhưng thu nhập không cao, lợi nhuận chỉ 5-7 triệu đồng/ha. Tuy nhiên từ khi các thành viên HTX chuyển đổi sang trồng cây ăn quả thì thu nhập đem về rất cao, trung bình 100 triệu đồng/ha.
Quả na Thanh Sơn được nhiều người tiêu dùng đón nhận, giá bán 40.000 - 50.000 đồng/kg tại vườn. |
"Riêng gia đình tôi có 7ha đất, trồng các loại cây ăn quả như na, nhãn, xoài, thanh long. Mỗi năm đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng", ông Hòa chia sẻ.
Với HTX Thanh Sơn, ngay từ ban đầu, các thành viên Ban quản trị HTX xác định, luôn phải thay đổi, đưa cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao để phát triển kinh tế, phân tích thị trường đầu ra của sản phẩm trước khi sản xuất. Ban đầu, việc đưa cây trồng mới vào rất khó khăn, cũng có nhiều lần thất bại, sau đó dần dần mới tìm được loại cây trồng phù hợp.
Giám đốc HTX Thanh Sơn cho biết, năm 2020 dù chịu ảnh hưởng tác động nặng nề từ dịch bệnh COVID - 19, nhưng đầu ra tiêu thụ các loại trái cây như nhãn, xoài, na không bị ảnh hưởng. Đặc biệt, quả na Thanh Sơn được nhiều người tiêu dùng đón nhận, giá bán 40.000 - 50.000 đồng/kg tại vườn. Vì vậy, người dân mong muốn mở rộng thêm vùng cây ăn quả.
Ông Hòa cho biết, có được kết quả tích cực trên là nhờ UBND tỉnh Sơn La có nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ chính sách phù hợp với người dân. Những hỗ trợ này là "đòn bẩy" để người dân tiếp cận thị trường, khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây ngắn ngày sang trồng cây có hiệu quả.
Để đảm bảo tiêu thụ bền vững đầu ra, về xúc tiến thương mại, HTX bỏ kinh phí cử cán bộ kỹ thuật sang Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) để tìm kiếm thị trường. "Chúng tôi tiếp cận dần dần đối tác nước ngoài để sản phẩm của mình có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Sản phẩm trái cây nào phù hợp với thị trường nào thì sẽ ưu tiên trồng theo tiêu chuẩn của thị trường đó", ông Hòa chia sẻ.
Điều này cho thấy, khu vực HTX đang có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng phát triển cây ăn quả ở tỉnh Sơn La. TS. Nguyễn Tiến Định, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đánh giá, HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng trong liên kết chuỗi giá trị. Cụ thể, HTX giúp tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, phát triển vùng sản xuất hàng hóa; thúc đẩy liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị; đầu mối tiếp nhận, chuyển giao chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác.
Sản phẩm sạch, giá trị thu về cao
Lấy ví dụ điển hình là tỉnh Sơn La, ông Định cho biết, hiện tỉnh này có hơn 300 HTX nông nghiệp, trong đó có 200 HTX chuyên về sản xuất trái cây. Việc đẩy mạnh phát triển mô hình HTX đã giúp Sơn La trở thành một trong những vùng sản xuất cây ăn trái lớn nhất cả nước.
Muốn xuất khẩu được trái cây thì phải tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. |
Đặc biệt, HTX cũng chính là "bà mối" kết nối người nông dân với DN. Thống kê cho thấy đang có khoảng 37 DN đầu tư nhà máy chế biến trái cây ở Sơn La. "Rõ ràng việc tổ chức sản xuất nông nghiệp thông qua các HTX đã trở thành lực hấp dẫn, tự kéo DN vào tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, hình thành chuỗi giá trị nông sản", ông Định nhấn mạnh.
Đồng thời chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi cây trồng, ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La), cho biết hiện nay trên địa bàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây nông nghiệp ngắn ngày là sắn, ngô sang cây ăn quả giá trị kinh tế cao, trong đó chủ yếu tập trung trồng cây ăn quả chủ lực là nhãn, xoài, thanh long.
"Chuyển sang cây trồng khác, chúng tôi xây dựng kế hoạch chi tiết về phát triển vùng nguyên liệu, làm sao thu nhập bà con phải tăng lên. Đồng thời, hỗ trợ sản xuất cho bà con theo hướng giống, vật tư và giải pháp bao tiêu cho bà con. Bà con vui mừng đầu ra sản phẩm đảm bảo ổn định, không được mùa mất giá, được giá mất mùa", ông Hùng chia sẻ.
Theo đó, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, Phòng NN&PTNT huyện Thuận Châu đã cử cán bộ đến tận bản để cùng bà con chuyển giao kỹ thuật, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV mang tính chế phẩm sinh học, đảm bảo an toàn chất lượng cho sản phẩm.
"Để nông dân miền núi chuyển đổi cây trồng thì trước hết phải làm sao định hướng cho bà con hiểu sản xuất ra trái cây phải đảm bảo tiêu chuẩn sạch. Muốn xuất khẩu được thì phải tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bởi thị trường nội địa, siêu thị ngày càng yêu cầu cao", ông Hùng chia sẻ.
Bài cuối: Khát vọng trở thành vùng cây ăn quả lớn nhất nước
Thy Lê