Nhờ có chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, vùng cao Thuận Châu (Sơn La) đã có sự khởi sắc. |
Nhờ những chính sách hợp lòng dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào mà huyện Thuận Châu đã nhận được sự đồng lòng trong toàn dân. Điều này thể hiện sự đoàn kết - sức mạnh của thành công trong công tác xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ chính sách phù hợp
Cũng như nhiều địa phương miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Thuận Châu là một trong những huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Sơn La. Huyện có 1 thị trấn, 28 xã thì có tới 5/29 xã khu vực II, 21/29 xã khu vực III (khu vực đặc biệt khó khăn).
Mặc dù địa hình rộng, hiểm trở nhưng Thuận Châu cũng có 6 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó dân tộc Thái chiếm nhiều nhất với 102.788 người; dân tộc Mông: 15.643 người; dân tộc Kinh: 5.019 người; dân tộc Khơ Mú: 1.956 người; dân tộc Kháng: 3.388 người; dân tộc La Ha: 2.399 người.
Để bộ mặt nông thôn miền núi có sự thay đổi, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 01/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc giai đoạn 2016-2020, huyện Thuận Châu đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo báo cáo của UBND huyện Thuận Châu, giai đoạn 2017-2019, huyện đã phân bổ gần 20 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình 135 thực hiện 85 dự án với 2.547 hộ gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đăng ký tham gia.
Trong số 85 dự án có 28 mô hình nuôi bò sinh sản; 5 mô hình nuôi cá với quy mô diện tích mặt nước lên đến 21,7 ha; 6 mô hình trồng chè quy mô 47ha; 20 mô hình trồng xoài quy mô 213 ha và nhiều mô hình trồng sơn tra, nhãn, mắc ca, bưởi da xanh...
Việc triển khai các dự án, đã giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển sản xuất nông nghiệp theo lợi thế từng vùng, nâng cao giá trị nông sản, đi vào chất lượng, hiệu quả.
Sản xuất nông, lâm nghiệp dần hình thành các vùng tập trung, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 4-5%/năm.
Đến hiệu quả chất lượng
Ghi nhận tại các xã như Long Hẹ, Co Tòng, Pá Lông, Co Mạ, É Tòng, Mường Bám… nơi đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các chương trình, dự án hỗ trợ đã tạo động lực để nhân dân phát triển kinh tế.
Xuất hiện nhiều tấm gương sáng như bà Lò Thị Mai, Lò Thị Ván (dân tộc La Ha), bà Sùng Thị Húa, ông Lò Văn Xôm (dân tộc Mông)… đây là những tấm gương điển hình của việc thực hiện chính sách xoá đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, xuất hiện các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao, HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị… Điều này đã tạo nên một vùng nông nghiệp có chất lượng, tạo công ăn việc làm cho bà con dân tộc thiểu số.
Chính sách dân tộc, tôn giáo đã tác động tích cực đến đời sống của đồng bào dân tộc ở Thuận Châu. |
Ông Bạc Cầm Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Co Mạ cho biết, từ nguồn vốn các chương trình giảm nghèo bền vững, nhiều hộ gia đình trong xã được hỗ trợ giống cây ăn quả, sa nhân để trồng thay thế cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc, góp phần nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo cho xã Co Mạ từ 72,84% năm 2017 xuống 50,3% năm 2020.
Song song với phát triển kinh tế, huyện đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, thúc đẩy phát triển sản xuất, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào.
Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có 368 công trình, dự án thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 75 công trình về giao thông, 69 công trình về thủy lợi, 13 dự án điện, 48 dự án nước sinh hoạt, 12 công trình trạm y tế, 56 công trình nhà văn hóa xã, bản và nhiều công trình khác, với tổng vốn đầu tư trên 896 tỷ đồng.
Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, hiện trên địa bàn huyện có 30/84 trường học đạt chuẩn quốc gia, 24 trường tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú. Có 21/29 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, 23 trạm y tế có bác sỹ.
Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện tính đến hết năm 2019 còn 34,03%.
Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và các xã tăng cường nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng trong đồng bào dân tộc thiểu số, kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở.
Tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Bài 2: Người La Ha rút ngắn khoảng cách nghèo
Hải Sơn