Những con đường, những bản làng ở huyện Lâm Bình nay đã không còn bị chia cắt bởi đồi núi hiểm trở, thay vào đó là những cung đường uốn lượn, bản làng trù phú của 12 dân tộc anh em quần tụ bên nhau. Cuộc sống của đồng bào dân tộc ngày một nâng lên.
Vươn lên từ gian khó
Huyện Lâm Bình như một bức tranh phong cảnh hữu tình với đồi núi điệp trùng, dòng suối trong vắt uốn lượn, bản làng trù phú.
Anh Vàng Seo Kính, người Mông ở xã Xuân Lập - điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương cho biết, Lâm Bình cách đây gần chục năm còn khó khăn lắm, bởi đây là huyện có địa hình hiểm trở, núi đất và núi đá xen kẽ lẫn nhau, giao thông bị chia cắt mạnh, nhiều vùng gần như biệt lập, sự gắn kết giữa các vùng dân cư, các điểm kinh tế - xã hội hạn chế. Bù đắp lại, Lâm Bình có độ che phủ của rừng còn khá lớn, không chỉ rừng nguyên sinh mà còn rừng cây tre nứa, nguyên liệu cho nghề thủ công; nương trồng bông, nguyên liệu phục vụ cho nghề dệt vải…
Mặc dù là vùng có thế mạnh trồng nhiều loại cây nguyên liệu nhưng do chỉ bán thô, nên thu nhập của người dân thấp, cuộc sống bấp bênh. Như gia đình anh Kính trước đây chỉ trồng lúa, ngô năng suất không cao, nên thuộc diện hộ nghèo.
Huyện Lâm Bình có nhiều lợi thế để phát triển cây trồng vật nuôi, cây lâm nghiệp và du lịch cộng đồng. |
Còn gia đình chị Vàng Thị Mẩy sinh sống phụ thuộc vào mấy nương rẫy trồng bông, trồng lúa, thu nhập cả năm chỉ khoảng 20 triệu đồng, các con phải nghỉ học để giúp việc nương rẫy.
Không chỉ gia đình anh Kính, gia đình chị Mẩy khó khăn, mà rất nhiều hộ gia đình trong các xã, bản làng của huyện cũng trong tình cảnh tương tự.
Do địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông chia cắt nên đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Bình canh tác đều thủ công, năng suất và hiệu quả cây trồng không cao. Trước thực tế đòi hỏi không chỉ tái cơ cấu cây trồng, lãnh đạo huyện Lâm Bình đã chú trọng việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giúp người nông dân giảm sức lao động, chi phí sản xuất và nâng cao mức thu nhập.
Từ chủ trương này, nhiều hộ gia đình đã rút ngắn được thời gian trồng, thu hoạch lúa, giảm sức lao động để tham gia các ngành nghề kinh tế khác, nâng cao thu nhập cho gia đình. Vì thế, trong những lúc nông nhàn, đồng bào dân tộc đã tham gia các HTX tiểu thủ công nghiệp, du lịch cộng đồng...
Xác định rõ thế mạnh
Mấy năm gần đây, cuộc sống của Lâm Bình như thay đổi từng ngày, khi Đảng và Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới, triển khai các chương trình giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số… Đặc biệt, phát huy điều kiện thế mạnh sẵn có, huyện Lâm Bình đã đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Từ đây đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình làm kinh tế như anh Vàng Seo Kính là một trong những hộ làm mô hình kinh tế có hiệu quả được người dân học tập và làm theo; chị Vàng Thị Mẩy đã tận dụng được lòng hồ Na Hang nuôi cá nước ngọt cho thu nhập cao; HTX sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ có sản phẩm đạt OCOP 4 sao...
Đặc biệt, huyện Lâm Bình có những thắng cảnh hấp dẫn như hồ sinh thái Na Hang – Lâm Bình, động Song Long, thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Nặm Me và hang Phia Vài…; khí hậu mát mẻ, dễ chịu trong các mùa, phù hợp cho du khách ghé thăm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Sự đa dạng về nét văn hoá đặc trưng của các dân tộc bản địa cũng tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách gần xa. Qua đó cho thấy, tiềm năng phát triển du lịch của huyện rất lớn.
Những năm qua, huyện Lâm Bình đã hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả. |
Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP được đánh giá là tiềm năng mới để người nông dân làm giàu trên chính làng quê của mình. Trong thời gian tới, huyện Lâm Bình xác định ngành du lịch sẽ là mũi nhọn để phát triển kinh tế vùng cao. Đồng thời, huyện sẽ đầu tư về nguồn lực, vật lực để xứng đáng với tiềm năng được thiên nhiên ban tặng, thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Bình nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Nâng cao chất lượng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông kết nối vùng, hạ tầng du lịch; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Đồng thời, huyện Lâm Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép các dự án, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Bài 2: Phát huy nguồn lợi đất đai tạo sinh kế
Hải Sơn