Homestay của bà con dân tộc ở Lâm Bình mang đậm nét văn hoá truyền thống. Tại đây, du khách được trải nghiệm cuộc sống của đồng bào và thưởng thức những món ăn độc đáo, đặc sắc. |
Là một huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, Lâm Bình được thiên nhiên ưu đãi cho phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, những dãy núi kỳ vĩ, rừng đại ngàn xanh thẳm, nơi có sóng nước, mây trời… Vì thế, có thể nói đây là “kho báu” mà Lâm Bình chưa khai thác hết.
Vượt qua bỡ ngỡ ban đầu
Lâm Bình là huyện vùng cao với 98% số dân là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo trước năm 2015 hơn 70%. Dù nổi tiếng bởi những phong cảnh nên thơ, những dãy núi trùng điệp, những hang động kỳ ảo, với những nếp nhà sàn truyền thống thanh bình nhưng nỗi lo cái ăn, cái mặc, làm sao thoát đói nghèo luôn đè nặng lên tâm trí của nhiều người.
Ngoài việc tái cơ cấu vật nuôi, cây trồng, làm thế nào để phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo luôn là sự trăn trở của cấp ủy, chính quyền huyện. Với tiềm năng lợi thế của tự nhiên, lãnh đạo huyện đánh giá đây chính là “lối mở” giúp bà con có thêm công ăn việc làm.
Tuy nhiên, để triển khai thì không hề dễ, vì kinh nghiệm làm du lịch của địa phương không có, bà con đơn thuần là đồng bào dân tộc hàng ngày còn lo bữa ăn. Nhưng bằng sự quyết tâm, lãnh đạo huyện Lâm Bình vừa học hỏi ở địa phương khác, vừa hướng dẫn bà con “tay ngang” làm du lịch cộng đồng. Nhưng cái thuận nữa là ở Lâm Bình các dân tộc sinh sống trên địa bàn cơ bản còn giữ nguyên vẹn được những nét văn hóa truyền thống, đa dạng, đậm đà bản sắc riêng, như: trang phục, dân ca, phong tục cưới hỏi, lễ hội.
Theo đó, về kiến trúc nhà ở có nhà sàn của người Tày, nhà đất của người Dao, Pà Thẻn, nhà trình tường của người Mông; lễ hội có lễ Lồng tồng của người Tày; Lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn; các làn điệu dân ca có hát then, hát páo dung, hát cọi, múa khèn… Trên địa bàn huyện cũng có nhiều làng nghề truyền thống: trồng bông, dệt thổ cẩm, đan lát mây, tre, giang, guột thu hút được du khách.
Các mô hình du lịch cộng đồng (homestay) ở Lâm Bình như tiếp thêm “sinh lực” cho mảnh đất vốn giàu tiềm năng này. Đó là câu chuyện homestay A Phủ ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm là căn nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày 5 gian 2 trái, rộng rãi, thoáng mát. Ở đây, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc, được tắm lá thuốc, đi khám phá hồ thủy điện…
Chị Ðặng Vân Anh - chủ cơ sở cho biết, chị còn mời một số người dân trong xã có năng khiếu hát then, hát cọi, đánh đàn tính để cùng giao lưu với du khách. Hiện nay, homestay A Phủ tạo việc làm thường xuyên cho 6 nhân viên, với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Còn theo ông Chẩu Minh Vỹ, chủ homestay Anh Thế, thôn Nặm Ðíp, xã Lăng Can, gia đình ông làm homestay được 4 năm, đã đón nhiều lượt khách trong nước và nước ngoài. Gia đình sử dụng các chất liệu gần gũi trong đời sống như gỗ, tranh, tre, nứa nên du khách rất thích trải nghiệm tại đây.
Du lịch là mũi nhọn
Theo thống kê của huyện Lâm Bình, năm 2016, huyện có 16 hộ làm homestay, đến nay đã có 24 hộ làm homestay. Du khách đến với Lâm Bình sẽ được trải nghiệm tham quan lòng hồ Na Hang bằng thuyền, chèo thuyền kayak, trecking rừng, thăm thác, khám phá nghề dệt thổ cẩm, dịch vụ cưỡi ngựa, thăm quan bản làng, mua sắm các sản phẩm quà lưu niệm từ tre, thổ cẩm, đặc sản địa phương. Cùng với đó là khám phá các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tồng, nhảy lửa, nghi lễ cấp sắc…
Năm 2016, huyện Lâm Bình thu hút trên 13.500 khách, năm 2019 đạt hơn 120.000 lượt khách. Đây là con số còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Thời gian tới, huyện Lâm Bình sẽ đẩy mạnh du lịch trên lòng hồ Na Hang. Đây sẽ là sức bật cho phát triển kinh tế du lịch của địa phương và tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc. |
Bà Vân Anh, Chủ tịch HĐQT Falamingo Redtour đánh giá, Lâm Bình có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lữ hành còn thiếu quá nhiều thông tin về du lịch Lâm Bình. Do đó, huyện cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, đặc biệt là làm sao khoe ra được những thông tin về điểm đến, trải nghiệm, sản phẩm độc đáo. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông đến Lâm Bình còn nhiều khó khăn, trong tương lai cần cải thiện để du khách thuận lợi hơn.
Có thể nói, nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch nên đời sống của người dân trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện, góp phần giúp huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 70% (năm 2015) xuống còn 31% (năm 2020).
Mới đây, huyện Lâm Bình đã có 2 điểm du lịch Homestay Nặm Đíp, xã Lăng Can và Homestay Nà Muông, xã Khuôn Hà được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Tổ hợp tác Homestay 99 ngọn núi tại xã Thượng Lâm đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình chia sẻ, xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, bền vững, thời gian tới, huyện sẽ lập quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, huyện quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và nâng cao kỹ năng làm du lịch cho nguồn nhân lực tại chỗ. Xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm, các tour du lịch đặc trưng của huyện như du lịch cộng đồng; du lịch trải nghiệm, khám phá hồ sinh thái Na Hang-Lâm Bình; khám phá hang động, thác nước, rừng nguyên sinh.
Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường bảo vệ, chỉnh trang cảnh quan, môi trường sinh thái, trồng bổ sung cây xanh, cây hoa lá màu, xây dựng không gian du lịch Lâm Bình "Sạch-xanh-đẹp-an toàn"..., phấn đấu đến năm 2025 đón trên 200.000 lượt khách du lịch.
Bài cuối: Tạo bước đột phá
Hải Sơn