Bà con đồng bào dân tộc ở huyện Lâm Bình thành công với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. |
Huyện Lâm Bình có nhiều thế mạnh phát triển chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Nhờ có các chính sách phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số, các ngành nghề cũng được tạo điều kiện phát triển. Điều này không chỉ góp phần giúp người dân xoá đói giảm nghèo, mà còn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá.
Hiệu quả từ tái cơ cấu
Lâm Bình là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, có độ che phủ rừng đạt trên 75%, thảm rừng nhiệt đới xanh quanh năm, hệ động vật, thực vật đa dạng, phong phú… Thời gian qua, nhờ có chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quyết tâm đồng lòng của địa phương cùng người dân trong huyện, Lâm Bình đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách, khuyến khích hỗ trợ người dân tái cơ cấu vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc.
Xác định địa phương là huyện có tiềm năng thế mạnh về phát triển chăn nuôi dê, huyện Lâm Bình đã lồng ghép các nguồn vốn nhằm hỗ trợ và khuyến khích người dân chăn nuôi. Cụ thể, từ năm 2018 - 2020 trên địa bàn huyện đã có 140 hộ gia đình được hỗ trợ 1.013 con dê. Bên cạnh đó, nhận thấy dê là loại gia súc dễ chăn nuôi, không tốn nhiều thức ăn và công chăm sóc, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện cũng đã chú trọng tự bỏ vốn mua dê về nuôi để phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần nâng số lượng đàn dê của toàn huyện lên 3.700 con.
Không chỉ phát triển đàn dê, huyện còn tổ chức tập huấn cho 8 hộ nuôi dê nòng cốt, tặng 2 con dê đực giống lai Bo và giống Bách Thảo cho hộ gia đình anh Ma Duy Mân ở thôn Nà Mỵ, xã Thổ Bình về nuôi, hướng tới xây dựng truy xuất nguồn gốc, quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm thịt dê Lâm Bình.
Bên cạnh đó, với diện tích đất nông nghiệp lớn, xã Bình An đã tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi từ các loại cây trồng hiệu quả kém sang trồng chuyên các loại cây rau màu, cây ăn quả, trong đó có cây dưa hấu đem lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập.
Đơn cử như hộ bà Bàn Thị Nhân, dân tộc Dao ở thôn Tát Ten, xã Bình An, với diện tích 3.000m2, từ đầu vụ xuân đến nay, với giá bán 10.000 đồng/kg đã mang lại nguồn thu khá cao so với những cây trồng trước đây.
Chị Ma Thị Hậu, dân tộc Tày, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình An chia sẻ, sau thời gian đưa vào trồng, cây dưa hấu rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, nên quả to, ngọt… Vì vậy, hiện nay, một số hộ gia đình trên địa bàn xã Bình An đã chuyển đổi dần sang trồng cây dưa hấu, nhất là ở thôn Tát Ten.
Phát triển kinh tế rừng
Để thực hiện đề án phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2025, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế rừng, huyện Lâm Bình đã tuyên truyền vận động người dân đưa những loại giống cây trồng hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất gắn với chế biến lâm sản.
Qua đó, không chỉ giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình với mức thu nhập ổn định, mà còn góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn huyện thực hiện tốt công tác giảm nghèo.
HTX Nhật Minh thôn Nà Khẹm, xã Khuôn Hà là một trong những đơn vị phát huy tốt lợi thế tiềm năng của “rừng vàng”. Xuất phát từ tâm niệm luôn giữ gìn nét văn hoá đặc sắc của người Tày và tạo thêm việc làm cho bà con khi nông nhàn, cô gái Tày Trịnh Thị Thảo, Giám đốc HTX Nhật Minh cùng những người bạn đã khôi phục nghề mây tre đan và định hướng sinh kế bền vững cho bà con dân tộc.
HTX Nhật Minh tạo việc làm cho bà con dân tộc trong những ngày nông nhàn |
Trịnh Thị Thảo chia sẻ, bà con trong xã Khuôn Hà chủ yếu làm nương rẫy, những ngày nông nhàn thì trồng rau, nuôi gà. 2 vụ mùa chỉ chiếm khoảng 2-3 tháng, phụ nữ, người trung niên ở địa phương có nhiều thời gian rảnh rỗi nhưng không có việc làm. Nhờ có du lịch cộng đồng, HTX mây tre đan cũng tạo được nhiều việc làm cho phụ nữ và người trung niên.
Bà Trịnh Thị Phòng, thôn Cà Nò, xã Khuôn Hà mặc dù đã 60 tuổi nhưng năng suất làm việc không kém bất cứ một lao động trẻ nào trong xã, trung bình thu nhập của bà từ 180.000 đồng/ngày. Bà Phòng cho biết, trước đây gia đình làm rẫy chỉ đủ ăn, giờ đan giỏ, đan làn có thêm tiền tiết kiệm, gửi ngân hàng lấy lãi.
Không chỉ giúp phụ nữ có thêm đồng ra đồng vào, HTX tạo cơ hội cho các thanh niên trụ cột gia đình làm việc tại xưởng với thu nhập ổn định so với vùng núi mà không phải bôn ba mưu sinh nơi xứ người.
Anh Hoàng Văn Nhiệm, thôn Cà Nò chia sẻ, trước đây, anh từng làm rất nhiều nghề nhưng ở nông thôn thì chẳng có nghề nào cố định, gặp gì làm nấy nên thu nhập gia đình bấp bênh. Nay vào HTX, cả ngày làm việc với máy móc tuy có vất vả nhưng đem lại thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng, cao điểm như tháng Tết Nguyên đán, anh kiếm được hơn 10 triệu đồng. “Với mức thu nhập này, tôi có thể yên tâm lập nghiệp ở quê hương", anh Nhiệm tâm sự.
Sau gần 3 năm thành lập, trung bình mỗi tháng HTX cung cấp cho thị trường từ 6.000-7.000 sản phẩm các loại, đem lại doanh thu từ 70-100 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng.
Những kết quả bước đầu đạt được trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng rừng gắn với chế biến lâm sản không những đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu.
Bài 3: Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng
Hải Sơn