Huyện Lâm Bình tạo điều kiện hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm |
Phát triển kinh tế nhưng đi đôi với phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà huyện Lâm Bình đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 để đưa huyện phát triển theo chiều sâu.
Hướng sản xuất hàng hoá
Có thể nói, từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng, quyết tâm của đồng bào dân tộc, huyện Lâm Bình đã đưa ra nhiều giải pháp để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương như phát triển kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch cộng đồng, phát triển giáo dục, văn hoá…
Với 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, việc tái cơ cấu vật nuôi - cây trồng cho bà con là một trong những công việc tương đối khó. Nhưng để hướng tới sản xuất theo hướng hàng hoá, nông nghiệp hữu cơ thì công việc còn khó hơn gấp nhiều lần.
Ngay từ nhiệm kỳ 2015-2020, huyện cũng hình thành một số vùng, chuỗi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa như: duy trì đàn trâu trên 7.600 con, đàn bò gần 2.000 con, đàn dê trên 4.600 con, trên 480 ha cây lạc, phát triển trên 10 ha rau bò khai và trồng thử nghiệm hơn 7 ha cây dược liệu.
Bên cạnh đó, với lợi thế về hồ thủy điện Na Hang - Lâm Bình huyện đã tập trung phát triển, nuôi trồng thủy sản với trên 230 lồng nuôi cá và đã tạo ra tổng sản lượng thủy sản toàn huyện bình quân đạt trên 400 tấn/năm. Huyện Lâm Bình đã tạo điều kiện để hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, từ đó xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Trong đó, hiện nay, huyện đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý với sản phẩm Dê núi Thổ Bình và trứng vịt hồ Lâm Bình.
Phát huy thế mạnh về diện tích rừng, giai đoạn 2015 - 2020, toàn huyện trồng mới trên 3.600 ha rừng, khai thác trên 1.200 ha rừng trồng. Với nhiều biện pháp nhằm bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng của huyện ngày càng tăng từ 70% năm 2015 lên 79% năm 2019.
Không chỉ phát triển sản xuất, huyện chú trọng phát triển hạ tầng xã hội, giao thông. Đơn cử như tại xã Xuân Lập có gần 500 hộ với trên 2.300 nhân khẩu, trong đó có hơn 60% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Từ các nguồn vốn, các chương trình dự án đã có nhiều công trình được xây dựng tại địa bàn xã như xây dựng nhà lớp học mầm non, làm đường bê tông, xây dựng nhà văn hóa thôn Nà Lòa, Lũng Giềng, Khuổi Trang...
Với việc thực hiện động bộ các chính sách, huyện Lâm Bình những năm qua đã góp phần tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn Lâm Bình có nhiều khởi sắc mới.
Cụ thể hóa mục tiêu
Kinh tế du lịch của huyện có nhiều khởi sắc trở thành hướng phát triển kinh tế quan trọng của huyện. Doanh thu xã hội khoảng 4 tỷ đồng năm 2015, trên 70 tỷ đồng năm 2019. Huyện đã tập trung phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn như: Phục dựng, duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực, các di tích, danh lam, thắng cảnh. Huyện xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch cộng đồng homestay; du lịch sinh thái khu hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình; lễ hội Lồng tồng và Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình; lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn...
Ðại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra khâu đột phá phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng.
Huyện Lâm Bình phấn đấu đến năm 2022 có từ 50 - 70 ha cây nông nghiệp được sản xuất theo quy trình hữu cơ. |
Để cụ thể hóa mục tiêu này, huyện Lâm Bình đang hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó huyện đã hợp tác với Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ đối với các giống lúa đặc sản, lạc hữu cơ, chè shan Khau Mút, chăn nuôi dê, lạc, rau đặc sản, vườn rừng dược liệu… Huyện phấn đấu đến năm 2022 có từ 50 - 70 ha cây nông nghiệp được sản xuất theo quy trình hữu cơ.
Ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, phát huy kết quả đạt được, để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết, nhiệm kỳ tới, huyện Lâm Bình tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị giai đoạn 2020 - 2025.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng khai thác những thế mạnh của địa phương về du lịch, nông, lâm nghiệp, thủy sản, nhất là cây trồng vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ mới.
"Đây sẽ là nền tảng vững chắc để bà con dân tộc trên địa bàn có đời sống ấm no, toàn huyện phát triển theo hướng bền vững", ông Nguyễn Thành Trung cho hay.
Hải Sơn