Dân tộc Raglai có một kho tàng lịch sử, văn hóa, nhạc cụ... Tuy nhiên, cũng như những dân tộc ít người khác, nét văn hóa này đứng trước nguy cơ dần bị quên lãng.
Thực trạng đáng báo động
Người Raglai cho rằng nhà dài là hồn cốt, là không gian văn hóa không thể thiếu bao đời. Tại đó, người dân thực hiện những nghi lễ quan trọng của làng bản, hát Ma Diêng thâu đêm, suốt sáng. Song hiện nay, cả huyện miền núi Khánh Vĩnh, nhà dài truyền thống dần vắng bóng, thay vào đó là những căn nhà cấp 4 mái tôn.
“Bản thân người dân từ lâu cũng chẳng mặn mà với những nếp nhà sàn được làm từ lồ ô và lá cọ. Không còn nhà dài, đời sống tinh thần của người Raglai dường như cũng bị nghèo đi”, anh Pi năng Lydin, cán bộ văn hóa xã Khánh Thượng nói.
Thanh thiếu niên hiện nay hầu như không còn biết chế tác, sử dụng được các loại nhạc cụ dân tộc Raglai. (Ảnh: TL). |
Không chỉ mất đi nếp nhà dài mà hiện con em Raglai chỉ thích nghe các loại nhạc ngoại lai, thích ăn mặc theo mốt chứ không thích nghe các loại nhạc, mặc các loại trang phục của dân tộc mình.
“Có lẽ, những điệu hát này, sau này sẽ không ai hát nữa, khi lứa con cháu không mấy mặn mà với lời hát xưa”, già Pi Năng Thị Thi ở thôn Tà Gộc, xã Khánh Thượng nhận xét.
Theo thống kê, dân tộc Raglai có khoảng 30-40 loại nhạc cụ cổ truyền. Song, nhiều loại nhạc cụ đã vắng bóng do những người biết chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ này không còn nhiều và đã lớn tuổi. Thanh thiếu niên hiện nay hầu như không còn biết chế tác, sử dụng được các loại nhạc cụ dân tộc.
Về vấn đề chữ viết, hiện còn rất ít người đồng bào Raglai còn biết đọc, viết chữ của dân tộc mình. Đa số thanh niên người Raglai dần tiếp thu văn hóa người Kinh và quên văn hóa dân tộc mình. Nhiều trường hợp còn không nói tiếng Raglai trước mặt người lạ, kể cả khi hai người Raglai nói chuyện với nhau.
Đáng chú ý, nhiều lễ hội của đồng bào đang bị dần mai một do đồng bào không có kinh phí để tổ chức, hoặc đã bị lai căng, lợi dụng như những trò mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ không biết dựng nhà sàn truyền thống, không biết ý nghĩa của cây nêu, thậm chí là không biết ý nghĩa của các điệu mã la trong từng lễ hội. Trong khi đó, số lượng nghệ nhân dân gian không còn nhiều.
“Khi thế hệ kế cận không còn muốn tiếp nối nữa, e rằng những nỗ lực bảo tồn cũng khó có thể cứu vãn”, một nhà nghiên cứu văn hóa nhận định.
Đóng góp của những người con buôn làng
Theo các nhà nghiên cứu, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Raglai, chính người Raglai phải vừa là người hưởng thụ, vừa là khách thể, vừa là chủ thể của các giá trị văn hóa đó. Vì vậy, việc lưu giữ phải bắt nguồn từ gốc, từ đời sống, sinh hoạt của đồng bào, không qua sân khấu hóa.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, mở các lớp dạy sử thi, đánh mã la và đặc biệt là chữ viết cho thanh thiếu niên tại các địa phương.
Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, những người con buôn làng đã và đang đóng góp sức mình nhằm “giữ lửa” cho nền văn hóa Raglai.
Nghệ nhân Cao Điệp Phới đang dạy hát cho các em học sinh. (Ảnh: TL). |
Điển hình như nhà nghệ nhân Cao Điệp Phới ở làng Hóc Gia, thôn Giải Phóng xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh). Trước sự mai một văn hóa Raglai trong lớp trẻ, ông đã tự mở lớp dạy học tiếng Raglai cho các em học sinh trong thôn.
“Trước kia, do không biết chữ Raglai nên khi nhắn tin hoặc nói chuyện với bạn bè, có khi em phải sử dụng kèm một số tiếng Kinh. Giờ thì em có thể sử dụng hoàn toàn tiếng Raglai để trò chuyện”, em Bo Thị Vĩnh Linh học viên lớp học chia sẻ.
Cùng tâm trạng với em Linh, em Cao Ninh Cuông cho biết: "Không chỉ được học chữ, em và các bạn còn được dạy hát sử thi, các làn điệu hát ru… Qua đó em mới biết văn hóa của dân tộc mình rất phong phú và càng thấy yêu quý, trân trọng hơn văn hóa của dân tộc mình".
Được sự hỗ trợ của TP. Cam Ranh, ông Phới đã cùng với một số người đứng lớp dạy tiếng Raglai cho gần 200 học viên là giáo viên, cán bộ, công viên chức của thành phố. Không chỉ vậy, ông còn tham gia tập huấn dạy các làn điệu mã la cho thanh niên người Raglai. Nhờ đó, các xã, phường đã thành lập được đội mã la và sử dụng thành thạo các làn điệu trong các lễ hội.
Đặc biệt, ông còn tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về các làn điệu dân ca, thành ngữ, tục ngữ người Raglai ở Khánh Hòa. Đáng chú ý, ông còn tự sáng tác lời cho 5 bài hát ru kể về tình yêu đôi lứa, quê hương, tình mẫu tử; soạn thảo cuốn tài liệu tập huấn hướng dẫn cách đánh mã la; thiết kế đồ truyền thống dân tộc Raglai.
Hay như nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến (huyện Khánh Sơn). Với niềm trăn trở "không để sử thi Raglai rơi dần vào quên lãng", ông đã dành gần 30 năm đến từng thôn làng của người Raglai và ghi lại những câu hát sử thi Raglai. Đến nay ông đã biên soạn, xuất bản hơn 300 băng ghi âm của 4 bộ sử thi Raglai khác nhau.
Để thế hệ trẻ hiểu hơn về văn hóa Raglai, ông còn dịch ra 2 thứ tiếng Raglai và Việt một loạt các tác phẩm khác và đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cấp bằng chứng nhận.
Theo đại diện UBND huyện Khánh Sơn: “Huyện đánh giá rất cao những công trình về sử thi Raglai do ông Tiến biên soạn, phiên âm, dịch nghĩa. Đó thực sự là một kho tàng đồ sộ về nền văn hóa truyền thống Raglai”.
Là người có thể chơi được hầu hết các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai, nghệ nhân trẻ Cao Dy ở xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh) được vinh dự đi thi nhiều hội thi văn hóa văn nghệ các dân tộc cấp tỉnh, cấp khu vực và giành nhiều huy chương.
Hiện anh là đội trưởng đội văn nghệ truyền thống của Khu du lịch Yangbay (huyện Khánh Vĩnh). Trước khi có dịch Covid-19, anh thường xuyên cùng đội biểu diễn cho du khách đến tham quan trong nước và quốc tế thưởng thức những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai.
“Ngày càng ít người chế tác và chơi được các loại nhạc cụ truyền thống. Nếu ai đam mê nhạc cụ Raglai, tôi sẵn lòng truyền dạy, với mong muốn gìn giữ vốn văn hóa của dân tộc mình”, anh Dy chia sẻ.
Bên cạnh nỗ lực của những người con buôn làng, tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Raglai, chú trọng giữ gìn, văn hóa Raglai thông qua các hoạt động giao lưu, tôn vinh, hội thảo.
Đại diện Sở VHTT&DL tỉnh cho biết, trước khi có dịch Covid-19, hằng năm tỉnh đều tổ chức các chương trình giao lưu để giúp ôn lại truyền thống văn hóa dân tộc Raglai; tổ chức hội thi hoặc lồng ghép vào các hội thi, hội diễn biểu diễn trang phục, trang sức truyền thống của dân tộc Raglai. Đồng thời, mở nhiều lớp và mời các nghệ nhân dạy đánh mã la, hát dân ca, dạy chữ viết Raglai … thu hút nhiều học viên tham gia.
Đặc biệt, tổ chức triển khai thực hiện nhiều đề tài khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca tộc người Raglai nhằm thống kê, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào người Raglai.
“Thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng nâng chất lượng chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Raglai trên Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, xây dựng chương trình truyền thanh bằng tiếng Raglai đối với các xã, phường có người Raglai cư trú…”, vị đại diện này nhấn mạnh.
Hải Giang