Những hoa văn độc đáo, tinh tế trên trang phục của phụ nữ Dao Tiền chứa đựng nhiều điều thú vị về văn hóa của dân tộc này. Đặc biệt, kỹ thuật in sáp ong với cắt may, thêu và nhuộm chàm vẫn được giữ gìn, tạo được dấu ấn riêng của dân tộc Dao Tiền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng.
Sản phẩm của "nghệ sĩ"
Theo thời gian, đến nay, người Dao Tiền vẫn giữ thói quen tự may cho mình những bộ trang phục truyền thống để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền gồm áo dài, dây lưng, váy, khăn đội đầu và phụ kiện đi kèm là chiếc túi đựng trầu, trang sức bằng bạc. Trong đó, chiếc túi đựng trầu ẩn chứa giá trị sâu xa về văn hóa từ những họa tiết trên túi. Chiếc túi không chỉ là vật trang sức mà còn biểu thị vị thế, giá trị của người phụ nữ.
Trang phục của người Dao Tiền được làm bằng tay mọi chi tiết một cách rất tỉ mẩn và cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo (Ảnh: Int) |
Tiến sĩ nhân học Bàn Tuấn Năng, hiện đang công tác tại Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, người chuyên nghiên cứu về văn hóa các dân tộc thiểu số cho biết: “Túi trầu vừa là trang sức, vừa là túi đồ để đựng nhiều vật dụng khác nhau, như là trầu cau, thuốc cảm khi đi rừng của phụ nữ Dao. Họa tiết trang trí trên túi là ký ức văn hóa, thể hiện thế giới quan của người Dao. Trên túi trầu còn có hình con cá, điều đó gợi nhớ về nguồn gốc của tộc người này”.
Bây giờ, việc ăn trầu không còn phổ biến trong lớp trẻ, chiếc túi đựng trầu truyền thống của người Dao không còn xuất hiện nhiều trong cuộc sống hiện đại.
“Sẽ là sự tiếc nuối lớn nếu mai này không ai còn nhìn thấy, không ai còn biết chế tác túi trầu và còn hiểu về những giá trị văn hóa ẩn chứa trong đó nữa”, TS Bàn Tuấn Năng chia sẻ.
Trang phục của người Dao Tiền được làm bằng tay mọi chi tiết một cách rất tỉ mẩn và cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo. Nét đặc sắc trong trang phục người Dao Tiền chính là họa tiết hoa văn trang trí dựa trên sự kết hợp nghệ thuật in sáp ong với cắt may, thêu và nhuộm chàm.
Theo đó, sau khi nấu chảy sáp ong sẽ dùng bút vẽ, nhúng vào sáp ong rồi trực tiếp vẽ lên vải hoặc dùng khuôn in. Khi hoàn thành bức vẽ mới bắt đầu mang vải đi nhuộm chàm. Mặc dù cùng là một kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong, song do làm hoàn toàn bằng thủ công nên mỗi tấm vải do mỗi người làm ra sẽ có phong cách riêng, mang nhiều ý nghĩa khác nhau.
“Phụ nữ Dao Tiền đều biết làm trang phục truyền thống. Chúng tôi tự tay dệt vải, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, cắt, khâu... Khó nhất là công đoạn thêu hoa văn bởi chúng tôi dựa trên trí nhớ, thêu trên mặt trái của vải để hoa văn hiện lên mặt phải. Người phụ nữ phải khéo tay và cẩn thận mới làm đẹp được”, bà Chu Thị Sai, 60 tuổi, ở xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình chia sẻ.
Hiện nay, kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong người Dao Tiền ở Cao Bằng vẫn được gìn giữ, bảo tồn. Tuy nhiên, “Trong quá trình di cư, văn hóa truyền thống của người Dao dần bị mờ đi. Họ hành xử theo thói quen chứ không tìm hiểu, ghi nhớ lại ý nghĩa. Như việc thêu thùa, phụ nữ Dao thường truyền dạy cho con gái kỹ năng thêu, khâu các hình trang trí thuyền thống và họ làm theo thói quen là chính, đa phần không chú trọng tìm hiểu, không giải thích được ý nghĩa của nó”, TS Bàn Tuấn Năng lý giải.
Thực tế cho thấy, do công việc này đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn nên một số phụ nữ Dao Tiền không biết thêu thùa quần áo truyền thống. Nếu thế hệ trẻ người Dao Tiền không biết thêu và không hiểu ý nghĩa của các hoa văn thì nguy cơ mai một giá trị của bộ trang phục truyền thống là không tránh khỏi.
“Trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập, trang phục truyền thống của dân tộc cũng bị chính cộng đồng sáng tạo ra nó dần lãng quên. Vì vậy, việc bảo tồn những mẫu hoa văn truyền thống của dân tộc Dao là điều cần thiết trong giai đoạn hội nhập về kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn hiện nay”, TS Bàn Tuấn Năng nhấn mạnh.
Gắn nghề với du lịch cộng đồng
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc cho rằng, cần giáo dục thế hệ trẻ người Dao Tiền nhận thức, trân trọng những giá trị văn hóa dân tộc. Không chỉ khuyến khích cộng đồng mặc trang phục truyền thống, mà còn cần tạo ra môi trường để họ có cơ hội phô diễn trang phục với niềm vinh dự, tự hào.
Hiện nay, lưu giữ nghề truyền thống bằng cách làm du lịch bền vững mà nhiều địa phương trong cả nước đang thực hiện.
Các mặt hàng của Nhóm thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn (Ảnh: TL) |
Thời gian qua, để khôi phục, gìn giữ nghề, chính quyền và người dân tại xã Hoa Thám (huyện Nguyên Bình) đã nỗ lực phát huy hiệu quả nghề dệt gắn với phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững cho người dân nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao Tiền.
Từ đó, UBND xã Hoa Thám đã quyết định thành lập Nhóm thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn với 17 thành viên. Các chị em thực hiện thêu các hoa văn, cách chấm sáp ong và giới thiệu các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các viên hộicòn cùng nhau chia sẻ, trao truyền lại nghề truyền thống.
Là hội viên nhiều tuổi nhất trong Nhóm thêu, bà Đặng Thị Xuân chia sẻ: “Từ khi tham gia Nhóm thêu, chúng tôi đến nhà văn hóa xóm cùng nhau trò chuyện, trao đổi, thêu, may trang phục và làm một số sản phẩm lưu niệm cho du khách. Chúng tôi cũng thường xuyên giảng giải về ý nghĩa của từng nét hoa văn trên trang phục truyền thống. Giới trẻ bây giờ có nhiều cháu gái cũng thích thêu lắm, nhưng phải động viên các cháu hơn nữa”.
Bên cạnh đó, Nhóm còn cử một số chị em đi các nơi có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng để học hỏi, sáng tạo nên những mẫu mã mới, cách làm mới. Đến nay, sản phẩm làm ra ngày càng nhiều, mẫu mã đa dạng được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ưa thích.
Khi dịch Covid-19 chưa xảy ra, đều đặn hàng tháng, Nhóm tổ chức đến các điểm di tích, danh lam thắng cảnh trong tỉnh hoặc tuyến phố đi bộ Kim Đồng (TP Cao Bằng) để trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm và được nhiều tổ chức, cá nhân đặt hàng. Đáng chú ý, Nhóm đã được chọn làm đối tác trong tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay” huyện Nguyên Bình.
“Việc tiêu thụ được sản phẩm góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho các thành viên, bình quân mỗi thành viên đạt trên 2 triệu đồng hàng tháng. Song, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên ảnh hưởng ít nhiều đến việc bán sản phẩm. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ để Nhóm duy trì hoạt động lâu dài”, chị Triệu Thị Ním, Tổ trưởng Nhóm thêu bày tỏ.
Đại diện UBND huyện Nguyên Bình cho biết, Nhóm thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn duy trì hoạt động hiệu quả đã và đang góp phần để nghề dệt thổ cẩm truyền thống “sống lại”, tạo thêm thu nhập cho đồng bào. Vì thế, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để chị em yên tâm với nghề thêu thổ cẩm này.
"Hiện, huyện đang xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền đến các xóm, xã còn lưu giữ những nét văn hóa thêu thổ cẩm thành lập các tổ, nhóm sở thích. Đồng thời, huyện cũng sẽ hỗ trợ các nhóm sở thích mang sản phẩm tham gia tại các hội chợ triển lãm, học hỏi cách tiếp cận thị trường", UBND huyện Nguyên Bình thông tin.
Có thể nói, việc phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang có nhiều triển vọng và đi đúng hướng. Thời gian tới, huyện Nguyên Bình tiếp tục phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng để tạo sự đột phá, nâng cao mức sống cho người dân, góp phần bảo tồn văn hóa của người Dao Tiền.
Hải Giang