Sình ca là hình thức diễn xướng dân gian của dân tộc Cao Lan, được sáng tác theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Có thể nói, Sình ca giống như một linh hồn văn hóa của dân tộc Cao Lan, mang một giá trị nhân văn sâu sắc phản ánh đầy đủ hiện thực cuộc sống và thế giới tâm hồn của người Cao Lan.
Nét văn hóa có nguy cơ mai một
Sình ca có thể là các khúc hát ru của mẹ cho con, bà cho cháu; hát mừng năm mới của làng xóm láng giềng với nhau mỗi độ xuân về. Hay như hát đố, hát giao duyên đối đáp giữa các nam thanh, nữ tú với nhau. Hay là hát trong đám cưới của các vị khách để mừng cho cô dâu, chú rể...
Sình ca có thể là những câu hát đố, hát giao duyên đối đáp giữa các nam thanh, nữ tú với nhau (Ảnh:TL) |
Sình ca được chia thành Sình ca ban ngày và Sình ca ban đêm. Sình ca ban ngày là loại hình có môi trường diễn xướng rộng hơn, được tổ chức trong lễ hội đầu xuân năm mới, trong đám cưới, đám tang, trong lao động sản xuất.
Còn Sình ca ban đêm là thể loại phong phú nhất, có tính chất bao trùm của hát Sình ca. Môi trường diễn xướng chủ yếu ở trong nhà, thường kéo dài từ 11 đến 12 đêm, tùy theo sự hấp dẫn và thể hiện của từng nhóm...
Hiện nay, người dân Cao Lan tuy vẫn giữ được làn điệu Sình ca cổ truyền của dân tộc mình, song lại chưa thực sự đi sâu vào các tầng lớp trẻ trong công cuộc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Thực tế cho thấy, trong xu thế hội nhập, lớp thanh niên trẻ dân tộc Cao Lan không còn biết chữ Hán để đọc được những lời hát Sình ca cổ. Mặc dù lớp người trung niên và mới lớn vẫn hát kiểu “thuộc lòng” nhưng vì không biết chữ Hán nên không hiểu về nội dung của những câu hát.
“Trước đây, người dân thường được nghe những làn điệu Sình ca từ các cặp đôi trai gái, thì nay chỉ có người già hát và lũ trẻ hay lẩm nhẩm trên đường đi học. Làn điệu Sình ca đang bị lớp trẻ lãng quên dần”, ông Sầm Văn Dừn ở thôn Mãn Hóa (xã Đại Phú, huyện Sơn Dương) chia sẻ.
Hơn nữa, sự phát triển trong cuộc sống hiện đại, sự lai tạp giữa người Kinh và người Cao Lan dẫn tới đời sống văn hoá, xã hội và tinh thần của người Cao Lan cũng có nhiều biến đổi, thế hệ trẻ không còn say mê Sình ca như trước. Đây chính là nguyên nhân khiến cho dân ca Cao Lan đang dần bị mai một.
Phát huy vai trò các đội văn nghệ
Trước nguy cơ bị giới trẻ quên lãng, tại các lễ hội diễn ra hàng năm, Sình ca vẫn được diễn xướng. Nhiều nghệ nhân đã thành lập các câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ để vừa có thể biểu diễn giao lưu, vừa có thể thoả mãn nhu cầu văn hóa của mình. Qua đó, giúp cho thế hệ trẻ hiểu biết thêm về loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.
Nghệ nhân Sầm Văn Dừn đang truyền dạy Sình ca cho đội văn nghệ của mình (Ảnh:TL) |
Ở Sơn Dương, nói đến Sình ca là người ta nhắc ngay đến nghệ nhân Sầm Văn Dừn. Tuy đã bước qua tuổi 70 nhưng ông vẫn luôn tâm nguyện truyền vào lớp trẻ tình yêu văn hóa Cao Lan cùng làn điệu Sình ca. Ông muốn mọi người hiểu sâu hơn về làn điệu Sình ca để bản sắc văn hóa của dân tộc không bị mai một, đồng thời được nhiều bạn bè, dân tộc biết đến hơn.
Ông Dừn đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng nét văn hóa, cái chữ cho đồng bào dân tộc Cao Lan ở Sơn Dương. Hơn nữa, ông còn ngày đêm miệt mài sáng tác mới để làm phong phú thêm làn điệu Sình ca, hết mình hướng dẫn người trẻ học hát Sình ca, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
“Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình cùng công sức của già Sầm Văn Dừn, người dân ở đây đã học được cách yêu, trân trọng làn điệu Sình ca hơn trước. Phong trào văn hóa văn nghệ của bản cũng vì thế mà phát triển sôi nổi dần lên. Đến nay, điệu Sình ca đang dần quen thuộc trở lại với người Cao Lan”, chị Lê Thị Mừng, thôn Mãn Hóa nói.
Được sự ủng hộ và khuyến khích của các cấp, ngành văn hóa trong tỉnh, ông Dừn đã thành lập CLB hát Sình ca. Đến nay, CLB đã có tới 40-50 hội viên tham gia tích cực và được sự quan tâm của mọi người trong thôn bản. CLB đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của người dân trong thôn.
“Em tham gia CLB được 2 năm. Ở đây, em học được rất nhiều bài hát hay bằng tiếng dân tộc Cao Lan. Em mong muốn giữ gìn và phát huy những nét văn hóa của dân tộc mình”, em Sầm Văn Diễn, học sinh Tiểu học Mãn Hóa, xã Đại Phú chia sẻ.
Đặc biệt, ông Dừn còn lập ra nhiều đội Sình ca, đã truyền dạy hát Sình ca và múa cho 4 thế hệ diễn viên quần chúng với gần 80 người. Những đội Sình ca này đã đi biểu diễn ở nhiều nơi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.
Còn tại huyện Yên Sơn, những năm qua, các đội văn nghệ xã Kim Phú đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị làn điệu Sình ca.
Hiện, xã Kim Phú đã thành lập được 4 đội văn nghệ hát Sình ca, với 52 thành viên thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Nổi bật trong đó có thể kể đến là đội văn nghệ hát Sình ca thôn 15. Khi mới thành lập, đội chỉ có 4 người, đến nay đã thu hút hơn 20 người tham gia, phần lớn là thanh thiếu niên.
“Đội văn nghệ không chỉ phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của thôn, xã mà còn thường xuyên đi lưu diễn ở các huyện trong tỉnh để quảng bá làn điệu Sình ca”, bà Vi Thị Sửu, Đội trưởng đội văn nghệ thôn 15 cho biết.
Đại diện UBND xã Kim Phú đánh giá: "Việc đồng bào Cao Lan trong xã thành lập các đội văn nghệ để bảo tồn và phát huy giá trị hát Sình ca là việc làm rất đáng trân trọng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động các cụ già trong thôn biết hát và múa Sình ca thành lập nhiều đội văn nghệ hơn nữa để giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ trẻ".
Hay như tại xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn, khi chưa có dịch Covid-19, cứ một tháng 2 lần, các thành viên CLB Sình ca Cao Lan thôn Đồng Quân lại tụ tập bên căn nhà sàn của ông Hà Văn In, Chủ nhiệm CLB để luyện tập với niềm đam mê giữ làn điệu truyền thống của dân tộc Cao Lan.
Truyền dạy Sình ca cho thế hệ trẻ cũng là mong ước lớn nhất của ông In. “Lớp trẻ biết hát Sình ca ngày càng ít đi, nên những người như tôi phải có trách nhiệm giữ báu vật tổ tiên để lại. Tôi thấy vui vì người biết hát Sình ca không còn nhiều, nhưng lớp trẻ tham gia CLB lại vô cùng yêu thích làn điệu này. Tôi và những thành viên cao tuổi trong CLB sẽ cố gắng hết sức mình truyền dạy làn điệu này cho lớp con cháu, để Sình ca trường tồn với thời gian”, ông In chia sẻ.
Tuy nhiên, để di sản sống được trong đời sống đương đại thì những làn điệu dân ca cần phải gần gũi với đời sống mới của người dân. Do đó, thời gian qua, những nghệ nhân dân ca tại tỉnh Tuyên Quang đã được tỉnh, cơ quan chuyên ngành khuyến khích đặt lời mới cho dân ca và truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn thông qua việc thành lập, duy trì hoạt động của các CLB, đội văn nghệ. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích, động viên nhiều người tham gia, nhất là giới trẻ.
“Thời gian tới, ngành văn hóa và giáo dục sẽ thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội thi, giới thiệu, đưa làn điệu Sình ca vào các tiết học ngoại khóa… Từ đó, tạo sức lan tỏa, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản”, đại diện Sở VHTT&DL tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh.
Hải Giang